top of page

Mẹ tôi

Updated: Jan 23, 2023

Tôi không phải là người thân thiết với Mẹ mình dù tôi rất yêu Mẹ. Và Mẹ của tôi là một người phụ nữ vô cùng đặc biệt. Mẹ rất chăm chút anh em tôi nhưng Mẹ không chiều mà cực kì nghiêm khắc với chúng tôi. Hiếm khi nào hai mẹ con tôi tâm sự, chia sẻ với nhau như “những người phụ nữ” trong nhà, kể từ khi tôi còn bé cho đến bây giờ. Trong tôi, Mẹ luôn là một người phụ nữ rất giỏi giang, đúng mực, nghiêm túc, trách nhiệm và có phần…hà khắc.

Ngược lại, tôi rất thân bà ngoại và gi gỉ gì gi cái gì cũng tâm sự và nhận được sự sẻ chia, ủng hộ của bà. Tôi gắn bó với bà ngoại từ khi tôi bắt đầu biết cảm nhận về cuộc sống xung quanh, tôi nhớ khi chỉ 2-3 tuổi tôi đã sống với bà ngoại ở dưới quê Hưng Yên. Lúc đó, anh trai ở với bố mẹ ở Hà Nội. Thi thoảng cuối tuần hoặc bố, hoặc mẹ đèo xe đạp đưa anh trai về chơi với tôi và bà ngoại. Tôi học mầm non ở quê rồi lên lớp một mới về Hà Nội đi học. Tôi quá gắn bó với bà ngoại, gắn bó đến mức, dù lên Hà Nội mà cuối tuần nào tôi cũng đòi bố mẹ chở xe đạp về quê chơi. Tất cả các dịp nghỉ hè và lễ, Tết tôi đều ở miết với bà, mãi đến khi học Đại Học, tôi đi dạy thêm, đi dịch, viết báo kiếm được tiền kha khá, tôi đón bà lên ở cùng gia đình tôi, và chúng tôi...lại tiếp tục là một “đôi bạn thân” suốt ngày rủ rỉ.

Hình: Bà ngoại tôi đứng ở giữa chị dâu tôi và bác Chữ hàng xóm


Mẹ thì luôn chăm chút cho anh em tôi, luôn nghiêm khắc và rèn dũa chúng tôi kĩ lưỡng, nên giữa hai anh em và Mẹ có một khoảng cách. Chúng tôi vừa yêu vừa sợ Mẹ. Vì thế, hiếm khi chúng tôi dám cãi lại và hầu như không bao giờ dám nói bậy, dám bầy bừa ra nhà, hai anh em luôn răm rắp phân công nhau làm việc chứ không bao giờ dám bê trễ.


Hồi nhỏ tôi học rất tự giác và luôn có kết quả khá là xuất sắc nên Mẹ không bao giờ phải nhắc nhở, kèm cặp, nhưng với anh Kếu thì Mẹ kèm rất kĩ. Ban ngày bố mẹ tôi đi làm, tối về ăn xong là Mẹ lại dạy học cho anh ấy, tôi nhớ Mẹ dạy cho đến khi anh học hết lớp 12. Mẹ rất giỏi toán và dù đã 20 năm sau khi tốt nghiệp cấp 3, Mẹ vẫn giảng toán cho anh trai tôi. Tôi nhớ có có một hôm buổi tối, Mẹ chưa giải được bài toán khó cho anh Kếu, mà mai anh ấy phải lên bảng trình bày. Thế mà giữa đêm, Mẹ tự nhiên ngồi dậy, đánh thức anh Kếu, bắt rửa mặt cho tỉnh ngủ rồi Mẹ giảng bài cho anh ấy. Chắc Mẹ không ngủ mà nằm suy nghĩ phương pháp giải bài toán này. Hôm sau, cả lớp chỉ có một mình anh Kếu giải được và anh ấy được 10 điểm. Qua những cô chú bạn học của Mẹ, tôi biết Mẹ ngày xưa học rất giỏi, Mẹ là cán sự Toán của lớp nhưng vì một lí do nào đó, Mẹ không được vào Đại học và cũng không được gửi đi học nước ngoài.


Còn với tôi, thì Mẹ chăm chút rất tỉ mỉ, Mẹ thường đun quả bồ kếp, vỏ bưởi để lấy nước gội đầu cho tôi. Hồi bé tôi có mái tóc rất dài, hai bên tết và thắt bím, Mẹ sáng nào cũng buộc và tết tóc cho tôi, và Mẹ tin rằng tôi không thể tự gội được mái tóc rất dày và dài như thế. Tôi nhớ hồi mới học cấp 3 Chuyên Ngữ, đi ở kí túc xá, tôi chẳng biết buộc tóc, gội đầu, Mẹ toàn nhờ các cô, các chị trong phòng giúp tôi. Mẹ chăm sóc sức khoẻ cho tôi rất kĩ, thường ram thịt, dừa, rang lạc cho tôi mang sang trường để ăn thêm, và lúc nào Mẹ cũng chuẩn bị một hộp Milo to đùng và bắt tôi uống mỗi ngày để tăng cường sức khoẻ. Mẹ vẫn luôn chỉn chu, chăm sóc anh em tôi như thế, đến giờ thì cả lũ trẻ cháu nội, cháu ngoại của bà, cũng luôn được bà chăm chút, bảo ban chu đáo.

Tuy nhiên, một điều thật lạ là Mẹ không mảy may kể cho chúng tôi bất cứ một câu chuyện gì về tuổi thơ, về thời đi học, về những ước mơ của Mẹ. Tôi nhớ khi tôi mới ra Hà Nội thì Mẹ làm công nhân may ở một Hợp tác xã May rất lớn. Bố tôi thì là bộ đội pháo binh chuyển ngành về làm ở nhà máy Đúc Mai Lâm. Hai bố mẹ đi làm suốt ngày, rất vất vả, trưa hai anh em tôi đi học về tự nấu ăn và ở trong nhà, khoá trái cửa lại, tự học bài và chơi với nhau, đợi chiều bố mẹ đi làm về. Bố mẹ tôi đều là những người mẫu mực và uy tín, bố làm Bí thư Đảng uỷ, về hưu cũng tiếp tục làm Bí thư ở địa phương. Còn Mẹ tôi vì rất giỏi nên hơn 30 tuổi đã làm Phó Chủ nhiệm HTX, sau chuyển sang làm Giám đốc Điều hành cho một doanh nghiệp may tư nhân rất lớn ở gần nhà. Rồi Mẹ được bầu làm đại biểu Hội đồng Nhân dân nhưng lại không đi theo định hướng chính trị vì không phải là đảng viên.


Tôi nhiều lúc rất tò mò tại sao Mẹ lại không đi học Đại học, tại sao Mẹ không là đảng viên như bố, vì nếu có bằng Đại học thì Mẹ đã có cơ hội làm quản lý cho các doanh nghiệp nhà nước rồi. Và như thế thì gia đình tôi có thể có điều kiện hơn và Mẹ sẽ phát triển được sự nghiệp của mình hơn. Hồi Mẹ khoảng 40, tôi đã có lần động viên Mẹ đi học Kinh tế Quốc dân nhưng Mẹ bảo quá bận công việc và còn phải lo cho anh em tôi và gia đình nội ngoại nữa. Tôi cũng hỏi sao Mẹ không vào Đảng để lên để được “cơ cấu” vào làm lãnh đạo trong chính quyền, Mẹ có nói hồi xưa Mẹ “chưa đủ tiêu chuẩn”, còn bây giờ thì Mẹ lại không muốn vào Đảng nữa. Tôi lại hỏi vì sao Mẹ không muốn, Mẹ cười và bảo rằng Mẹ đã già rồi, không muốn phấn đấu thêm. Tôi khi ấy chưa bị thuyết phục nhưng biết rằng có gặng hỏi Mẹ cũng sẽ không nói.

Tôi lớn lên trong niềm kính trọng và tình yêu sâu sắc dành cho Mẹ, nhưng tôi không bao giờ thổ lộ với Mẹ điều ấy. Giữa chúng tôi có những khoảng cách vì tuổi thơ tôi đã quá yêu bà ngoại, khi lớn lên một chút, tôi đã đi học nội trú từ khi 14 tuổi rồi. Và quan trọng hơn, ngay từ nhỏ tôi đã là một đứa bé quá mạnh mẽ, độc lập, nghịch ngợm và cá tính. Tôi luôn làm theo ý mình. Điều này khiến Mẹ không vui nhưng bà ngoại thì luôn ủng hộ và muốn tôi được sống và nỗ lực hết mình cho những đam mê. Vô hình dung, trong gia đình, tôi và bà ngoại một phe, và Mẹ ở phe còn lại, bố và anh trai thì…ở giữa.


Trừ cái mác “học giỏi” chung chung, thì tôi không làm gì cho Mẹ vui cả. Tôi không quá tập trung vào việc học hành mà thích đủ thứ. Hết chơi điện tử, hát ca, trồng trọt, buôn bán đến thể thao, nhảy múa… Thời cuối cấp 2 và cấp 3, tôi suốt ngày xách vợt đi đánh bóng bàn và thậm chí còn định trở thành một vận động viên chuyên nghiệp và theo đuổi sự nghiệp thể thao nữa. Tôi đi đánh bóng bàn thuê cho các doanh nghiệp, các trường Đại học suốt những năm cấp 3 dù học trường chuyên. Điều đó khiến Mẹ tôi không hài lòng chút nào. Rồi tôi đã thi tốt nghiệp một cách cẩu thả để không được lên thẳng Đại học dù kết quả cấp 3 rất xuất sắc. Tôi quyết định học Ngoại thương thay vì ĐH Sư phạm Ngoại ngữ là trường mà Mẹ tôi lựa chọn. Tôi đã không tập trung học để ở lại trường giảng dạy mà lại đi làm bảo vệ môi trường, sống luôn tại 3 tỉnh miền Trung những năm cuối đại học. Xong chương trình học bổng thạc sỹ ở nước ngoài, tôi không ở lại trường làm tiến sỹ mà lại quyết định bảo vệ luận văn ngay rồi về nước sớm 10 tháng và lao vào kinh doanh để bị phá sản liên tục…


Nói tóm lại, Mẹ rất thất vọng về tôi, vì tôi luôn không làm theo nguyện vọng của bà, cả công việc, cả chuyện tình cảm. Thế là chúng tôi lúc nào cũng luôn xa cách và có những lần xunh đột khủng khiếp khiến tôi bỏ nhà ra ngoài sống riêng vài lần và mẹ con không gặp nhau, có năm tôi còn không về ăn Tết. Tôi thậm chí còn thấy mình không may mắn vì Mẹ mình quá nghiêm khắc, không tâm lí và hay áp đặt mình phải làm theo ý của Mẹ. Tôi thấy những đứa bạn của mình may mắn, mẹ chúng nó thân với chúng nó như bạn bè, chị em ý, luôn chia sẻ và gần gũi với nhau.


Tôi vẫn cứ suy nghĩ như vậy về Mẹ mình và có lúc lại tìm cách lí giải, hay tại mình quá mạnh mẽ và điên rồ nên Mẹ phải như vậy để kiềm chế mình lại, nhưng thực lòng tôi vẫn rất buồn vì điều đó. Cho đến một hôm tôi và bà ngoại tâm sự. Tôi nhớ đó là vài ngày sau Tết năm 2013...


Hôm đó, tôi mới đi xây nhà chống lũ ở miền Trung về, Mẹ nhìn thấy tôi trông hơi xơ xác và có vẻ sắp ốm, Mẹ hỏi tôi: “Sao con lúc nào cũng thích ôm rơm cho rặm bụng vậy? Từ xưa đến giờ suốt ngày mẹ thấy con suốt ngày làm các việc ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, hết mở câu lạc bộ tiếng Anh, đến câu lạc bộ vespa cổ, trung tâm nọ, dự án kia…rồi mài mặt ra ngoài. Sao con không là giảng viên đại học có phải được người ta nể trọng và có cuộc sống nhàn hạ, ổn định hơn không?...”. Tôi vội cãi lại: “Mẹ hãy trả lời con tại sao con không được làm những điều đó, làm các hoạt động vì cộng đồng thì có gì là sai?”. Mẹ tôi nói: “Con làm những việc như vậy, không phải đầu, cũng phải tai, rồi ảnh hưởng đến mình, mệt ra, có tiền thì con cứ tặng cho từ thiện, mẹ không phản đối, nhưng cứ lẳng lặng mà tặng vào quỹ nào đó, cho an toàn”.


Một lúc sau, khi Mẹ tôi không có trong phòng thì bà ngoại gọi tôi ngồi xuống thủ thỉ: “Con có biết con giống ai nên lúc nào cũng thích đi làm việc giúp đỡ mọi người, thích lao vào việc xã hội không? Và con biết vì sao Mẹ con không thích con làm những công việc đó không?”. Tôi tròn xoe mắt và nói tôi rất muốn biết những điều này từ lâu rồi, rồi thúc giục bà ngoại giải đáp cho tôi ngay. Thế là bà ngoại chậm dãi kể…


Mẹ tôi là một người có tuổi thơ đặc biệt. Mẹ sinh ra trong một gia đình giàu có, quyền chức. Ông ngoại tôi là bốt trưởng của chính quyền Pháp, ông là con trai ông Tộc Phan - một thầy địa lý nổi tiếng, nhà có của ăn của để. Ông được gia đình cho ăn học đầy đủ nên có kiến thức hơn người. Còn bà ngoại là con ông Tộc Canh, trưởng tộc của dòng họ và là địa chủ trong vùng. Bà rất thông minh và cũng được học hành và dù là con gái. Ông bà lấy nhau rất môn đăng hộ đối và sinh ra mẹ tôi năm 1952.


Hồi ấy, ông là quan Bốt nên suốt ngày lên xe xuống ngựa, bà nói ông suốt ngày đi nghe hát cô đầu ở ngõ chợ Khâm Thiên. Nhưng thực ra trước đó, ông lại hoạt động cách mạng và đã làm Bí thư của vùng. Khi Pháp tràn về bao vây toàn bộ làng và đóng chốt ở bên kia sông Bắc Hưng Hải, chúng yêu cầu ông phải ra hàng không thì sẽ cho đốt cả làng. Bà kể, vào một đêm, một ông là cấp trên của ông ngoại lén bơi qua sông vào nhà gặp ông tôi, rồi hai người rì rầm nói chuyện với nhau, ông ấy nói ông ngoại phải giả vờ ra hàng để cứu cả làng và luồn vào hàng ngũ của địch. Rồi ngày hôm sau, ông ngoại chỉ dặn bà ở nhà giữ gìn, có gì ông sẽ trở về hoặc nếu ông không về thì hãy tự lo liệu. Ông giả vờ đầu hàng giặc Pháp để cứu cả làng, cứu gia đình và được Pháp trọng dụng vì có học, nói tiếng Pháp giỏi và có uy tín trong vùng.


Chỉ một thời gian ngắn sau, ông được lên làm bốt trưởng cai quản cả vùng. Thế rồi năm 1954, Pháp đầu hàng Việt Minh và lịch sử lại lặp lại, quân đội cách mạng bao vây làng để bắt ông ngoại tôi. Khi ấy, người giao việc cho ông chui vào hàng ngũ của Pháp đã bị chết, không có ai chứng minh cho ông rằng ông đang hoạt động cách mạng trong lòng giặc cả. Việt Minh ra điều kiện ông đầu hàng thì được bảo toàn mạng sống của mình và gia đình, vì ông là thành phần “rất nguy hiểm cho cách mạng”. Cuối cùng, ông đã cho người mang vợ và đứa con gái 2 tuổi là mẹ tôi đi trốn vì sợ thời điểm đó rất nhốn nháo, khó lòng bảo toàn được sinh mạng gia đình. Nhưng ông đã bị lính Việt Minh xử tử bằng cả băng đạn vào người rồi… cắt đầu treo lên ở chợ 10 ngày…


Còn bà ngoại tôi, sau khi trốn thoát, đã gửi Mẹ tôi đi làm con nuôi của gia đình chị ruột của mình ở Hà Nội. Sau đó, bà trở về làng, nộp hết tài sản, ruộng đất cho chính quyền và được tha mạng. Bà mở một sạp hàng nhỏ xíu bán hàng xén ở chợ. Bà tôi cứ sống một mình như thế, cho đến khi có anh em tôi ra đời, và tôi, đã được gửi về sống với bà ngay sau khi được sinh ra vào năm 1979, khi Trung Quốc xâm lược Việt Nam và có nguy cơ sẽ tấn công vào ga Yên Viên - nơi gia đình tôi sinh sống…


Nghe xong câu chuyện, tôi lặng người rất lâu… Giờ đây tôi mới hiểu tại sao mẹ mình lại không sống với bà, tại sao bà ngoại ở một mình ở quê, tại sao mẹ học giỏi mà không được vào đại học, tại sao mẹ không được vào Đảng, và tại sao…nhà tôi không có bàn thờ ông ngoại. Tôi nhớ lại những lần chúng tôi hỏi sao cả nhà mình, cả nhà bà ngoại không có bàn thờ ông thì mẹ đều lặng im hoặc bảo chúng tôi trẻ con không được hỏi liên thiên, chỉ cần biết là ông chết rồi thôi. Bà ngoại còn nói thêm một chi tiết là hồi mẹ học lớp 3 lớp 4 ở Hà Nội, chuẩn bị được vào Đội thì bị phát hiện ra là con nhà “có lí lịch đen tối”, và bà ngoại đã phải bỏ ra 4 chỉ vàng để “mua” hồ sơ mới cho mẹ. Mẹ cũng không được vào đại học, không được vào Đảng…vì lí do lí lịch này.


Rồi một hôm, tôi quyết định nói chuyện với Mẹ, tôi nhớ, chúng tôi cũng ngồi ở bên cái bàn ăn màu trắng. Tôi bảo Mẹ rằng tôi đã biết hết bí mật của Mẹ rồi, tôi đã biết ông ngoại bị tử hình rất thê thảm và bị đốt hết mọi hình ảnh, giấy tờ, rằng tôi đã hiểu Mẹ phải làm con nuôi từ khi 2 tuổi, rằng tôi đã hiểu vì sao mà Mẹ tránh nói về ông ngoại và tuổi thơ của Mẹ. Tôi hỏi Mẹ có muốn đi tìm tung tích và hình ảnh của ông không, để gia đình còn có ảnh thờ ông. Mẹ lặng im một lúc vì hơi bất ngờ khi tôi đã biết hết mọi chuyện rồi nhìn tôi và nói: “Mẹ không bao giờ đi tìm ông, vì ông là người phản bội Tổ Quốc!”. Tôi lập tức giải thích cho Mẹ rằng ông không phải phản bội Tổ Quốc, ông theo cách mạng nhưng ông đã không may ở trong những hoàn cảnh éo le như thế. Tôi nghĩ Mẹ tôi chưa được biết những chi tiết ấy nên mới nói như vậy. Nhưng hoá ra Mẹ biết, nhưng Mẹ vẫn muốn nghĩ như thế. Bởi ngay sau khi tôi giải thích thì Mẹ trả lời hết sức lạnh lùng: “Vì ông ấy mà đời mẹ khổ như thế. Mẹ không được gì từ ông ấy cả!”.


Tôi đã im lặng và không muốn tiếp tục cuộc nói chuyện này, trong đầu tôi lần lượt xuất hiện từng những dữ kiện về cuộc đời của Mẹ, về mối quan hệ của Mẹ và tôi, mối quan hệ của Mẹ và bà ngoại, cả mối quan hệ của Mẹ với gia đình ông bà bác ruột của Mẹ - những người mà Mẹ và gia đình tôi vô cùng gắn bó… Tôi hoàn toàn không biết rằng Mẹ đã là con nuôi của gia đình bác ruột, tôi chỉ nghĩ từ khi Mẹ lớn lên, bà cho lên Hà Nội để Mẹ được học hành thuận lợi hơn, rồi đi làm và ở gần nhà bà bác ruột của Mẹ thôi. Tôi mới hiểu vì sao dù anh em tôi và bố chúng tôi dù luôn kính trọng, viếng thăm thường xuyên và yêu mến ông bà bác như ông bà ngoại mà Mẹ vẫn luôn chưa hài lòng và thấy rằng chưa đủ. Tôi cũng hiểu vì sao, bất cứ một việc gì của gia đình tôi Mẹ đều chia sẻ và muốn được các bác tôi ủng hộ. Mẹ luôn có một suy nghĩ phải biết ơn và yêu quý các bác của mình hơn cả bố mẹ đẻ vì ông bà đã nuôi nấng Mẹ từ thuở lên 2 dù ông bà cũng rất khó khăn vì có tới 5 người con đẻ. Tôi cũng hiểu vì sao mà Mẹ luôn nhìn trước nhìn sau trong cách ứng xử sao cho ông bà và các bác hài lòng. Đôi khi tôi thấy Mẹ mất đi sự tự chủ và cương quyết mà Mẹ vốn có, thay vào đó Mẹ luôn tìm cách “dĩ hoà vi quý” trong những mối quan hệ ấy.


Và tôi cũng bắt đầu lí giải được vì sao Mẹ mong muốn đến mức cực đoan rằng tôi phải trở thành giảng viên và Mẹ đã thất vọng đến sụp đổ khi tôi rời khỏi trường Ngoại Thương để chọn con đường kinh doanh bởi được trở thành nhà giáo là ước mơ, là khát khao mà Mẹ không thực hiện được. Tôi cũng hiểu vì sao Mẹ muốn tôi có một cuộc sống “ổn định, bình thường, và kín đáo” chứ không phải liên tục sáng tạo, thử nghiệm cái mới, suốt ngày tham gia những hoạt động xã hội để “bị” nhiều người biết đến mình. Trước đây tôi luôn tự hỏi sao Mẹ giỏi giang và mạnh mẽ thế, kiên cường thế mà luôn khép mình, sống quá bình lặng và không muốn tìm kiếm những cơ hội, những sự thay đổi. Và rất nhiều những mâu thuẫn của Mẹ mà tôi không lí giải được, bây giờ đã có câu trả lời…

Vậy là mãi cho đến khi tôi 34 tuổi, trở thành Mẹ của một đứa trẻ lên 5, tôi mới biết về câu chuyện của Mẹ mình, hiểu những vất vả, hi sinh mà Mẹ đã dành cho anh em chúng tôi. Tôi hiểu hơn và thương Mẹ rất nhiều mặc dù tôi vẫn chưa bao giờ có thể nói chuyện ngọt ngào, rủ rỉ với Mẹ. Tôi cũng vẫn làm cho Mẹ buồn nhiều và với Mẹ thì tôi vẫn luôn là một đứa con gái nghịch ngợm, hay gây ra chuyện, hay làm những việc không giống ai, và luôn làm cho Mẹ lo lắng. Giữa chúng tôi vẫn còn có những mối bất hoà, giận dỗi dù tôi đã luôn tự nhủ với lòng mình rằng mình cần phải bù đắp cho Mẹ, phải mềm mại, ngọt ngào với Mẹ hơn. Nhưng tôi nghĩ, cũng như với bất kì một người Mẹ nào, Mẹ tôi sẽ luôn xem tôi là đứa con gái bé bỏng, “chưa ổn định”, Mẹ vẫn cứ luôn phải lo cho tôi dù cho tôi có thành công hay mạnh mẽ ở bên ngoài như thế nào. Giờ đây, không chỉ lo cho tôi, Mẹ còn lo cả cho Taka - con trai của tôi nữa.


Hôm nay ngồi ăn trưa với bố mẹ để mừng Ngày của Mẹ, chúng tôi có nhắc về bà ngoại, về những kỷ niệm của gia đình tôi khi còn bà ở bên. Tôi đã suýt rơi nước mắt. Tôi cũng thấy Mẹ nghẹn ngào khi nói về bà ngoại - người Mẹ tuyệt vời của chúng tôi. Chúng tôi nhắc đến sự hào phóng, hiểu biết và “thức thời” của bà ngoại khi bà luôn cổ vũ và ủng hộ tôi, nhắc đến cây đàn guitar đắt tiền mà bà tặng cho tôi khi tôi mới vào Đại học năm thứ nhất. Chúng tôi nói về những khó khăn, vất vả của bà khi đằng đẵng sống một mình ở quê mấy chục năm trời mà chỉ vun vén, chăm lo cho gia đình tôi. Chúng tôi nhớ về sự lạc quan, vững chãi, sôi nổi hiếm có của bà - một người đàn bà có một cuộc đời đầy sóng gió, hi sinh và vất vả.

Đúng vậy, tôi có hai người Mẹ, là Mẹ ruột và Bà ngoại của tôi. Tôi biết ơn và yêu hai người Mẹ của mình. Với tôi họ luôn là những người Mẹ tuyệt vời nhất trên thế gian này. Và tôi thấy mình thật nhỏ bé!


“Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn đong đưa võng buồn

Mẹ ngồi ru con mây qua đầu ghềnh lạy trời mưa tuôn

Lạy trời mưa tuôn cho đất sợi mềm hạt mầm vun lên

Mẹ ngồi ru con nước mắt nhọc nhằn xót xa đời mình”


JK 10/5/2020


bottom of page