Dựng hơn 500 căn nhà chống lũ cho những vùng khó khăn trong 4 năm, thuyết phục người dân cùng xây ngôi nhà chống lũ của mình, vận động các họa sĩ góp tranh gây quỹ... Đó là dự án phát triển Nhà chống lũ của Phạm Thị Hương Giang (Jang Kều).
Tạo niềm tin để người dân cùng làm nhà chống lũ
Vì sao chị làm dự án Nhà chống lũ mà không phải các dự án xóa đói giảm nghèo khác?
Cuối năm đại học, tôi đã đi làm một dự án cho UNDP về nuôi trồng thủy sản. Rồi tôi làm cho một dự án phát triển khá nổi tiếng lúc bấy giờ, lương tháng 7 - 8 triệu. Thu nhập đó cao đến mức đã giúp bố mẹ tôi xây nửa cái nhà. Sau đó tôi quyết định đi học.
Trở về, tôi lại làm các hoạt động thiện nguyện. Có lần xảy ra bão lớn ở Đại Lộc (Quảng Nam), chúng tôi đến để tặng tiền cho người dân. Nhưng một số người nói họ chỉ nhận được 2 gói mì tôm thôi. Họ kéo áo, kéo vai mà mình có gì đã đưa hết rồi.
Trở về, tôi lại làm các hoạt động thiện nguyện. Có lần xảy ra bão lớn ở Đại Lộc (Quảng Nam), chúng tôi đến để tặng tiền cho người dân. Nhưng một số người nói họ chỉ nhận được 2 gói mì tôm thôi. Họ kéo áo, kéo vai mà mình có gì đã đưa hết rồi.
Đến năm 2013, xảy ra một đợt lũ rất lớn ở miền Trung. Có người đưa lên mạng một bức ảnh về một ngôi nhà cổ, đặt trên 6 cái cột bê tông. Trông buồn cười lắm, nhưng nó vững chãi trước lũ, bão. Tôi liên lạc hỏi về cái nhà. Người đưa ảnh lên mạng bảo chuyện xảy ra ở xóm anh, có ông hàng xóm sợ vợ chồng kia mất cái nhà cổ nên ông xây cho 6 cái cột. Hóa ra ông là một tiến sĩ về vật liệu nhẹ. Có một kiến trúc phù hợp là người dân đã có thể đưa nhà mình lên để chống lũ rồi. Tôi xin và chú ấy gửi bản vẽ cho tôi. Thời điểm năm 2013, để làm cái nền như thế hết 25 triệu đồng.
Lúc đó có ai phản đối kế hoạch của chị?
Tôi đưa chương trình Nhà chống lũ lên mạng. Người dân sẽ đóng tiền đối ứng tham gia, và chúng tôi kêu gọi cộng đồng hỗ trợ. Cộng đồng muốn giúp vì chính những người nghèo kia tự chủ động vươn lên và họ đóng góp. Nhưng có người nói tôi không thể vì không có chuyên môn về xây dựng. Có người lại nói cho dân tiền xây cả cái nhà mà dự án có khi còn thất bại, người dân mình quen được cho tiền cứu trợ rồi.
Vậy tại sao chị tin?
Tôi nghĩ nếu cho người ta niềm tin rằng bản thân họ có thể làm được điều kỳ diệu, tự thay đổi cuộc đời thì người ta sẽ bắt đầu làm được. Tôi kể về Hội An, năm nào cũng bão lũ nhưng người dân ở đó vẫn kiêu hãnh vươn lên. Bởi vì họ nỗ lực, họ chuẩn bị cho điều đó, họ cố gắng làm cho ngôi nhà của mình vững bền hơn và an toàn hơn. Có một căn nhà gỗ sắp sập, bà chủ bảo bán được 10 triệu. Trong khi xây nhà thì hết độ 25 triệu, có thể xây 2 phòng, có gia súc thì họ ở một phòng, gia súc một phòng. Hết bão, dân lại đưa gia súc xuống. Khi có tiền họ lại xây tường ở dưới, xây dần lên. Tôi gọi điện cho các con bà ấy, mỗi người đóng khoảng 6 triệu đồng, chúng tôi có 25 triệu xây được cái khung bê tông đủ để xây nhà lên. Vậy là xây.
Có cách nào nhanh nhất để thuyết phục người dân tham gia dự án?
Không có công thức nào để đo ni đóng giày cho mọi người tin được. Phải hiểu hoàn cảnh của từng người. Có người phá sản vì buôn nông sản, nhưng họ có thể bán một phần đất để có tiền đối ứng tham gia dự án. Trong hai tháng nữa khởi công nhà thì họ có thể tự đóng lấy gạch. Chúng tôi tạo niềm tin ở từng hộ gia đình, tìm hiểu khả năng tự vươn lên của họ, kể cả tính toán nếu phải đi vay thì họ làm gì để trả.
Về kiểu dáng nhà, cũng có người không muốn đập nhà cũ mà xin “ghé” nó vào nhà mới vì đó là hương hỏa của tổ tiên để lại. Chúng tôi cùng đồng ý. 523 ngôi nhà được xây là 523 ngôi nhà khác nhau.
Chủ nhà mới là người muốn nhà mình thế nào
Những ngôi nhà đó trông thế nào?
Chúng tôi hỗ trợ người dân xây nhà của họ. Chúng tôi có kiến trúc sư nhưng chỉ cung cấp kiến thức kỹ thuật để ngôi nhà an toàn, tiết kiệm. Nhà như thế nào, người dân mới là người muốn. Có chủ nhà thích màu tím, có người lại thích cửa sổ tròn. Có người không muốn có nhiều cửa sổ vì cảm thấy lạnh. Miễn là an toàn tiết kiệm, chúng tôi đồng ý. Như thế việc nhanh hơn. Có loạt nhà đầu tiên mất có 35 ngày hoàn tất sau khi chúng tôi vẽ thiết kế cho họ.
Tôi nghĩ muốn lăn một cỗ máy thì phải lăn đã, rồi chỉnh. Nên có nhà lúc đầu làm cửa bằng tấm tôn, cài cửa bằng miếng ni lông, tre. Họ nói tết mới có tiền mua cửa sổ. Sau đó họ thay dần cửa bằng tôn, rồi gỗ.
Có ai không hề nhích lên, khá lên?
100% họ đều thay đổi, và thay đổi một cách đáng yêu. Khi nhà hoàn thành, không có biển nhà tình thương, chỉ có một viên gạch nhà chống lũ gắn vào. Giống như ý nghĩa cả cộng đồng giúp bạn một viên gạch để hoàn thiện nhà của mình. Chúng tôi khơi dậy niềm tin, họ ký cam kết và họ chung tay với mình. Hàng xóm cũng truyền năng lượng cho nhau tích cực, vui vẻ khi hỗ trợ lẫn nhau.
Một anh ở Hương Sơn (Hà Tĩnh), lần đầu tôi gặp anh đứng rũ trong góc nhà. Thế mà năm tiếp khi chúng tôi đến làng bên cạnh, anh nghe tin cũng đến thăm. Anh nói: “Giang ơi, anh đã xây xong nhà rồi. Anh đang chuẩn bị đưa bố anh về đây”. Gương mặt anh ấy bừng sáng đến nỗi tôi không thể tưởng tượng được con người anh lúc trước nữa.
Ai cũng nói người dân làm gì có tiền đối ứng. Nhưng phải biết khơi gợi cho họ sự tự chủ. Họ có thể bán trâu, bán bò, có thể đóng gạch, đóng ngói... Họ có thể tạo nền tảng cho chính họ. Cách giúp đỡ của cộng đồng cũng phải thay đổi.
Họa sĩ cũng tham gia Nhà chống lũ
Việc gây quỹ cho dự án có khó khăn?
Thật ra nỗ lực để có tiền không khó bằng nỗ lực hiểu vấn đề. Đặt chân vào giày người khác mới có thể hiểu họ cần gì, có khả năng đến đâu trong việc chung tay cùng mình. Khi làm họ tin rồi thì họ mới cam kết, mới có chương trình hành động khả thi thì mới gây quỹ được. Mình thực sự có hiểu vấn đề hay không, có truyền được niềm tin cho chính những người mình muốn giúp đỡ họ không. Đấy mới là cái khó nhất.
Có họa sĩ góp tranh cho dự án Nhà chống lũ cũng đang đi thuê nhà ở, vì sao lại vận động họ đóng góp bằng tranh?
Có mấy trăm họa sĩ tham gia bán tranh gây quỹ cho dự án Nhà chống lũ. Có những họa sĩ rất nghèo vẫn chung tay với tôi. Tôi làm tư vấn thương hiệu, cái đầu tiên trong thương hiệu là nhận diện thương hiệu. Như vậy, tranh là dễ nhìn thấy. Nếu làm đúng cách trong kêu gọi dự án thiện nguyện thì tranh mỹ thuật có thể gần cộng đồng hơn. Có một số tranh của dự án Nhà chống lũ bán đấu giá đắt hơn giá bên ngoài. Có người tham gia mua tranh lúc đầu vì quý chương trình, sau đó thì họ hiểu hơn, họ hỏi về họa sĩ. Có những họa sĩ trước không bán được mấy tranh, sau nhờ dự án Nhà chống lũ thì bán được nhiều hơn.
Nhà chống lũ không phải là dự án từ thiện. Chị có thể nói rõ hơn?
Khi tôi viết dự án, Nhà chống lũ khác biệt với các chương trình từ thiện. Đây là một chương trình phát triển cộng đồng. Trong đó người nhận tiền được phát triển, người cho tiền cũng được phát triển, người tham gia cũng được phát triển như kiến trúc sư chẳng hạn. Đó là sự sáng tạo. Nó làm mọi việc nhanh nhất.
Tôi cũng tin một xã hội phát triển khi có sáng tạo thật sự. Đỉnh của xã hội là sáng tạo. Càng nhiều sáng tạo thì càng nhiều giá trị nhân văn, đỉnh càng cao, đáy càng rộng. Và khi đó có phát triển bền vững.
Báo Thanh Niên | 31/12/2017 | 10:06
Comentários