“Từ tháng 4 năm 2020 khi covid-19 bắt đầu gây tác động lớn đến đời sống của bà con nghèo, đánh mạnh vào hệ thống y tế của nước ta, tôi có trao đổi với Tram Pham, Y Nhi Do, anh Nguyen Lan Hieu và các anh chị trong các hội đồng tư vấn và sáng lập của Quỹ. Chúng tôi cùng thống nhất: Đã tới lúc những tổ chức xã hội - tập thể những người luôn vì mục đích hỗ trợ cộng đồng - phải chung tay, phát huy vai trò kết nối và tổ chức thực hiện những chương trình thiện nguyện để giúp đỡ những người đồng bào của mình và chia sẻ bớt phần nào gánh nặng của Chính Phủ.
Tuy nhiên, ở thời điểm đó, Quỹ chúng ta rất thiếu người và quá bận rộn với các dự án, và quy trình làm việc còn khá thiếu kết nối. Nên tôi chủ động đề nghị Quỳnh Nhung kế toán, Nhật Trần hành chính và Thảo Trang truyền thông hỗ trợ để triển khai Chiến dịch “Góp gạo Sẻ chia - ATM Gạo di động”. Còn việc đi làm việc và trao tặng, tôi trực tiếp đi cùng các bạn đồng thời phối hợp với các điểm ATM Gạo ở Sài Gòn, Hà Nội và Hoà Bình để họ chủ động phân phát. Và như vậy, hầu như các hoạt động khác của Quỹ vẫn được tiến hành bình thường, có chăng Nhật, Nhung và Thảo Trang phải bận rộn hơn, thức khuya làm đêm để đảm bảo việc vận hành của chiến dịch với mật độ truyền thông mỗi ngày 2 post trên FB của tôi và Quỹ.
Đến tháng 7/2020 khi dịch bùng phát ở Hội An, chúng ta tiếp tục triển khai việc hỗ trợ bà con và bác sỹ tuyến đầu với chiến dịch “Be Strong Hoi An”. Sau đó mở rộng chiến dịch lan ra Đà Nẵng, Quảng Nam và đổi tên chiến dịch thành “Be Strong Viet Nam” và đã phát tặng hàng chục ngàn các vật phẩm y tế cùng hàng chục tấn gạo. Chiến dịch này chúng ta chủ yếu làm truyền thông, kế toán và đặt hàng, việc phát tặng và điều phối hàng được 2 chị tình nguyện viên là chị Ha Luong và chị Tran Hanh An ở Hội An thực hiện rất tốt và cho đến giờ, các chị vẫn luôn rất tự hào là một thành viên trong chiến dịch của Sống.
Tuy nhiên, năm nay, tình hình bệnh dịch đã diễn biến rất nghiêm trọng và có thể chúng ta đang sắp phải trải qua một giai đoạn tồi tệ nhất như đã từng xảy ra ở các nước châu Âu và Mỹ. Thậm chí có thể sẽ tệ hơn nữa vì những biến chủng của Covid liên tiếp xuất hiện, các thành trì tưởng đã được xây vững chãi với tỷ lệ tiêm vaccine lên tới hơn 50% cũng đang có nguy cơ tan vỡ. Như câu chuyện của Úc và UAE… và đại dịch vẫn chưa nhìn thấy dấu hiệu dừng lại!
Và giờ đây, Sài Gòn của chúng ta và cả miền Tây, miền Đông Nam Bộ, cũng thể sẽ là cả nước, bị đại dịch tấn công trở lại với tốc độ và mức độ huỷ hoại vô cùng nghiêm trọng. Chỉ với các số liệu trên báo chí thôi, các bạn có thể đã thấy lo lắng và sợ hãi, nhưng còn có rất nhiều sự thực tồi tệ hơn rất nhiều mà chỉ những người tương tác trực tiếp với hệ thống y tế và các khu cách ly, khu dân cư nghèo bị phong toả mới biết. Chúng ta đang ở trong tâm của đại dịch, nhưng cũng mới chỉ ở giai đoạn đầu. Nếu không nỗ lực bảo vệ chính mình và gia đình, chung tay hỗ trợ cộng đồng, để cùng nhau vượt qua những khó khăn trước mắt, đồng thời kiên nhẫn chờ đợi chương trình tiêm chủng được triển khai cơ bản, thì chúng ta sẽ không biết được đâu là tương lai của chính mình, của gia đình mình, của tập thể Quỹ mà mình gắn bó và của cả đất nước mình nữa...
Chính vì vậy, ngay từ đầu mùa dịch giữa tháng 5 năm nay, khi được biết con số hàng ngàn người bị dương tính ở Bắc Giang, tôi hiểu Quỹ chúng ta phải ngay lập tức chung tay với một nỗ lực rất lớn, bởi nó không còn chỉ là câu chuyện của việc “tranh thủ hỗ trợ cộng đồng” với những chiến dịch ngắn hạn kéo dài 2 tuần mỗi lần như trước nữa. Đây sẽ là một cuộc chiến trường kì. Nếu tình hình dịch bệnh không được cải thiện thì cả cộng đồng không được an toàn tính mạng của mình, chứ không còn cơ hội nói đến các chương trình, dự án bền vững hay nhân văn nữa!!! Đúng, chúng ta không phải là một tổ chức từ thiện và ngay từ đầu không thành lập Quỹ để làm từ thiện. Chúng ta rất rõ ràng là thành lập Nhà Chống Lũ hay sau này là Quỹ Sống để thúc đẩy phát triển cộng đồng bằng hình thức chung tay, không xin - cho, bởi như vậy bà con nghèo sẽ rất thiếu sự tự chủ, vươn lên. Không phải ai cũng biết trong thời gian xin giấy phép gần 3 năm liền, cá nhân tôi với sự hỗ trợ của các luật sư và chuyên gia đã khó khăn như thế nào để Quỹ Sống được xếp vào nhóm “quỹ xã hội phi lợi nhuận vì cộng đồng”, không phải là quỹ từ thiện, nhưng lại được chấp nhận theo quy định pháp luật của Việt Nam. Và đến nay, duy nhất có quỹ của chúng ta là xếp trong nhóm đó, số còn lại đều là các quỹ từ thiện.
Tuy nhiên, khi đã ở trong thảm hoạ quy mô toàn cầu như thế này thì chính những tổ chức có uy tín, có khả năng tổ chức thực thi (như cách chúng ta thường nói về mình, là một “tổ chức của hành động”) phải thực hiện sứ-mệnh-vì-con-người của mình không chậm trễ! Song song, chúng ta tìm cách triển khai và bảo vệ các dự án, chương trình của mình ở mức độ tốt nhất có thể. Tôi đã nói với Trâm CEO của Quỹ: “Trong tình huống này, kể cả các dự án có sao, không gây quỹ được hay không thực hiện được như mong muốn thì ta chấp nhận. Cũng giống như các gia đình, các doanh nghiệp thôi, bỏ “lương khô” ra xài! Đừng nên quá lo nghĩ, cứ cố gắng triển khai ở mức tốt nhất có thể nhưng song song chúng ta phải hỗ trợ cộng đồng. Năm nay, lại là năm các cá nhân nổi tiếng và các tổ chức đều e ngại những lùm xùm như những câu chuyện đã xảy ra 2-3 năm gần đây. Nên mình càng phải có trách nhiệm, càng phải đứng ra!”. Là một quỹ-xã-hội-vì-cộng-đồng chúng ta phải gách vác những trọng trách và niềm tin của cộng đồng trao gửi. Và không phải ngẫu nhiên mà chúng ta đã trở thành một trong những quỹ có uy tín nhất, gây quỹ được mạnh mẽ và bền vững nhất, chính là nhờ cách tiếp cận hành-động-ngay-lập-tức cùng với sự tận tâm, minh bạch của mình.
Xác định rõ điều ấy nên ngay từ đầu tôi đã đưa Trâm vào cả 2 nhóm điều hành “Be Strong Viet Nam” y tế và gạo bởi tôi biết gánh nặng và độ phức tạp của chiến dịch lần này. Tuy nhiên, là Chủ tịch Quỹ, tôi vẫn rất lo lắng và muốn rằng những dự án mà chúng ta đang và sẽ triển khai không bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các anh em dự án vẫn phải bám trụ địa bàn, làm sao cho kết quả công việc được tốt nhất có thể. Đó cũng là cách các anh em hỗ trợ cuộc chiến chống Covid, hỗ trợ bà con các vùng miền yên tâm, vẫn xây được nhà chống bão lũ mà còn luôn ở bên động viên, tìm cách tháo gỡ những khó khăn cho họ. Ban Giám đốc đã dặn dò Quyen Do (quản lý chương trình Nhà Chống Lũ) về việc đề xuất những giải pháp và cố gắng giúp bà con triển khai trong điều kiện thu nhập của họ suy giảm mà giá các nguyên vật liệu tăng lên rất nhiều. Nếu cần Quỹ sẽ phải kêu gọi sự hỗ trợ và chung tay của cộng đồng, của các tổ chức trước những khó khăn do Covid gây ra này. Chúng tôi cũng dặn dò Thu Lành (quản lý chương trình Hạnh Phúc Xanh) cứ tập trung trồng cây, còn việc gây quỹ mà không đủ, Quỹ sẽ lấy các nguồn gây quỹ chung mà không nhà tài trợ và cộng đồng không chỉ định cụ thể vào dự án nào để hỗ trợ việc trồng cây theo kế hoạch đã định vì còn phụ thuộc vào mùa vụ. Còn các bộ phận khác như truyền thông - gây quỹ - kế toán - hành chính thì cần chung tay để triển khai chiến dịch. Đã có rất nhiều căng thẳng khi mới hình thành đội ngũ do mức độ phức tạp và tốc độ triển khai của “Be Strong Viet Nam - Tiếp sức Tuyến đầu” quá lớn, tôi đã stressed rất nhiều và cũng đã tạo ra những áp lực lớn cho team làm các bạn rất buồn và mệt mỏi. Về phần cá nhân, từ khi chiến dịch diễn ra tôi cũng hầu như rất ít thời gian ngủ do những người quan tâm nhắn tin, gọi điện ngày đêm, đó là chưa nói đến một việc rất tồi tệ đã xảy ra với sức khoẻ của con trai tôi gần 1 tháng nay…! Tôi cũng đã nghĩ mình không thể trụ vững được… Nhưng ở ngoài kia, có quá nhiều hoàn cảnh bi thương, có quá nhiều cái chết đang diễn ra hàng ngày, và tôi biết mình và Quỹ không thể chùn bước!
Rất nhiều lần, chúng ta cân nhắc có nên dừng gây quỹ không, tôi, Huy Nguyen, Trâm, Nam Nguyen và Thuy NaNo đã có cuộc họp đến 11h đêm để bàn giải pháp, để rồi quyết định tạm dừng, chờ xem diễn tiến tiếp theo như thế nào, cũng là cho team có cơ hội recharge và từ đó có thể tìm được hướng hỗ trợ cộng đồng tốt nhất. Chúng tôi cùng thống nhất với nhau rằng đại dịch là một vấn đề nhân đạo vô cùng quan trọng, cấp thiết, và nếu phải dừng hoặc giảm bớt các dự án, hoạt động khác để hỗ trợ cộng đồng chúng ta cũng phải làm. Vì tất cả đất nước này, và cả toàn thế giới nữa, từng cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức, hay thậm chí các chính phủ đều phải thay đổi hết các chương trình nghị sự, mục tiêu, kế hoạch phát triển, hoạt động của mình. Chúng ta không phải là ngoại lệ. Chúng ta không bao giờ nên nghĩ một cách ích kỷ rằng nhiệm vụ của chúng ta là làm các chương trình phát triển bền vững thì chỉ khi rảnh, dư thừa thời gian, nhân lực, chúng ta mới làm “Be Strong Viet Nam” hỗ trợ cộng đồng. Cũng giống như một người nghệ sỹ đường phố biểu diễn những tác phẩm rất tuyệt vời, đóng góp tài năng của mình cho cộng đồng một cách vô cùng ý nghĩa. Nhưng khi bên cạnh nghệ sỹ ấy, có một người đang bị tai nạn giao thông nằm chờ chết, anh/cô ấy vẫn thờ ơ bỏ mặc để nạn nhân, đợi người khác tới cứu, để mình vẫn tiếp tục biểu diễn - sứ mệnh và sự nghiệp của mình được.
Ở cái thời điểm họp bàn 5 người cách đây khoảng 1 tuần, còn là câu chuyện cân nhắc có nên dừng một thời gian rồi tiếp tục hay không, nhưng từ 3-4 ngày này thì tình hình trở nên vô cùng tồi tệ. Quỹ Sống không thể dừng chiến dịch “Be Strong Viet Nam”, chúng ta phải tiếp tục! Tuy nhiên, sau khi tham gia mấy phút cuối của cuộc họp mà Trâm và các bạn team Sống có tham gia “Be Strong Viet Nam” tổ chức, tôi đã đề nghị cho phòng kế toán GroupG hỗ trợ Hạnh kế toán để xử lý công việc. Nhưng các bạn trao đổi đó là vấn đề kỹ thuật, không thể giải quyết được, không ai hỗ trợ được, lí do là chỉ có máy Hạnh cài phần mềm và Hạnh đang ở khu bị phong toả. Nên tôi đã đồng ý Quỹ dừng lại không gây quỹ qua tài khoản Quỹ nữa. Điều đó không có nghĩa là chúng ta ngừng hỗ trợ cộng đồng vì “những dự án bền vững quan trọng hơn”, với góc nhìn của tôi việc dừng quyên góp vào tài khoản Quỹ chỉ là do khó khăn về mặt kĩ thuật. Còn chúng ta vẫn không thể nào phụ lòng tin của cộng đồng, chúng ta không thể nào quay lưng với hàng ngàn bệnh nhân nặng nằm chờ chết vì không có máy thở, không thể nào bỏ mặc các chiến sỹ tuyến đầu lao vào hiểm nguy, không thể nào bỏ mặc bà con trong các khu cách ly, phong toả chết vì đói được, không thể nào!!!
Tôi đã thống nhất với Trâm, và khẳng định rằng Quỹ Sống sẽ tiếp tục chiến dịch “Be Strong Viet Nam”, giai đoạn này tập trung vào hỗ trợ Sài Gòn bằng mọi cách. Nếu cần, Quỹ sẽ huỷ bỏ một số hoạt động không cần thiết, chỉ để lại hoạt động chính (trồng cây, xây nhà, đào tạo bắt buộc…) ở các địa bàn, để tập trung mọi nguồn lực cho việc chung tay với cộng đồng trong thảm hoạ nhân đạo này! Ngày hôm qua tôi đã đề nghị Trâm phải tìm cách xử lý vấn đề ùn tắc ở bộ phận kế toán bằng mọi cách. Trâm hứa sẽ họp với Hạnh và Trinh để tìm giải pháp. Để giảm workload, chiến dịch “Be Strong Viet nam - Tiếp sức tuyến đầu” không gây quỹ crowdfunding nữa mà sẽ làm việc với từng (nhóm) mạnh thường quân để tài trợ từng thiết bị hay nhóm thiết bị, vật dụng cần thiết cho từng/những bệnh viện cụ thể để matching thu chi đầu cuối. Thay vào đó, sẽ tập trung crowdfunding cho “Be Strong Sai Gon” để cứu trợ lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm cho các bệnh viện, các khu cách ly, phong toả của thành phố. Tuy nhiên, trước khi tìm ra giải pháp cho bộ phận kế toán thì chiến dịch này sẽ tiếp tục được triển khai sử dụng tài khoản cá nhân của tôi, và tài khoản này được mở ra cũng chỉ cho mục đích từ thiện. Cách đây 1 tháng, tôi cũng đã sử dụng nó để gây quỹ hỗ trợ em bé mồ côi 6 tuổi. Khi thực hiện tôi cũng đã nêu rõ lí do tại sao dùng tài khoản cá nhân: do workload của Quỹ quá nhiều chứ bản chất đó cũng là một việc của Quỹ, một phần của “Be Strong Viet Nam”, và tôi đã cử anh Hùng Lương PCT Quỹ đi trao số tiền với bảng trao tài trợ là Quỹ Sống.
“Be Strong Viet Nam” là một sứ mệnh vô cùng quan trọng và nó đang được triển khai hoàn toàn bởi một nhóm các tình nguyện viên đồng thời là mạnh thường quân tâm huyết và thường xuyên của chúng ta như chị Nghiem Mai, chị Phuong Nguyen, Le Thu Thuy, Trang Nguyen, Mai Phan, Thuy Quach…trong đó cá nhân chị Mai và chị Phượng đều có quỹ riêng. Điều đó cho thấy ai cũng hiểu được tình huống này cấp thiết đến mức nào, và Quỹ Sống có uy tín đến mức nào, cần phải chung tay với nhau như thế nào. Tuy nhiên, công việc kế toán thu chi đang do chính cá nhân tôi và trợ lý Thảo Tồ thực hiện, việc truyền thông do một bạn tình nguyện viên intern là Thuy Anh làm cả viết và design. Việc này không thể kéo dài và Quỹ cần phải tìm ra giải pháp sớm nhất có thể để có thể tiếp tục quyên góp bằng tài khoản chính thức của Quỹ, muộn nhất là một tuần và bộ phận truyền thông - gây quỹ - kế toán của Quỹ phải trực tiếp tham gia vào chiến dịch. Quỹ sẽ gấp rút đăng kí với Bộ Nội Vụ thêm một tài khoản ngân hàng để sử dụng cho thuận tiện 2 chiến dịch “Tiếp sức tuyến đầu” và “Góp gạo sẻ chia” của “Be Strong Viet Nam”. Sẽ luôn có giải pháp với bất cứ điều gì chúng ta cần phải làm và/hoặc mong muốn làm.
Chúng ta có thể phải đi chậm lại, phải vất vả hơn, để đưa bàn tay yêu thương giúp đỡ đồng bào của mình trong cơn hoạn nạn (và giúp cả chính chúng ta nữa). Chúng ta có thể không hoàn thành kế hoạch năm nay, có thể ít thành công hơn nhưng chúng ta đã thực sự hiểu hơn việc thực hành những sự cho đi mà không chờ hồi đáp. Chúng ta có thể phải mâu thuẫn, tranh luận, nhưng để chúng ta nhìn lại được và hiểu hơn nhiều giá trị. Đại dịch đã cho chúng ta những bài học, và lúc này đây, tôi thực sự muốn chia sẻ với các bạn rằng thảm hoạ này đã nhắc chúng ta nên cùng nhau đi chậm lại, nhìn sâu vào trong mình, nhìn vào mắt những người đồng bào của mình, để san sẻ yêu thương, yêu thương chính mình, gia đình của mình, đất nước của mình. Đó là những điều mà khi cùng nhau xây dựng Quỹ này, cùng nhau viết nên những sứ mệnh của Quỹ, chúng ta đã không trù tính trước. Nhưng chúng ta đang cùng nhau hướng đến và tạo ra những giá trị của “Sống bền vững”, thì “yêu thương đúng lúc, cho đi đúng lúc” là một trong những nguyên liệu để tạo nên sự bền vững ấy.
Cám ơn các bạn & giữ gìn sức khoẻ, bình an nhé!
Yêu thương,
JK”
P/S: Đây là tấm hình tôi và team HẠNH PHÚC XANH của Sống đang đi khảo sát trồng rừng ngập mặn ở Sóc Trăng vào mùa dịch năm ngoái. Năm nay chúng tôi vừa hoàn thành trồng 1 khu rừng ngập mặn rộng 8.5ha, bắt đầu triển khai từ 5/6, đúng thời điểm dịch bắt đầu. Công việc của chúng tôi trở nên khó khăn hơn rất nhiều khi phải trồng trong điều kiện giãn cách chỉ có 10 người được trồng cùng lúc. Chương trình NHÀ CHỐNG LŨ cũng gặp vô số khó khăn khi triển khai cùng lúc tại 7 tỉnh miền Trung và miền Tây do dịch bệnh, bà con nghèo mất nguồn thu không bán được sản phẩm nông nghiệp, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng 20-25%.
Tuy nhiên, khi tình hình đại dịch trở nên nghiêm trọng ở Bắc Giang, Bắc Ninh, ngày 24/5, Quỹ đã quyết định tiếp tục chiến dịch “Be Strong Viet Nam” đã khởi xướng từ tháng 4 năm ngoái. Có điều song song, Quỹ vẫn phải tập trung cho rất nhiều dự án của mình. Hơn 1 tháng nay, Tp HCM lâm vào tình huống khẩn cấp khi đại dịch bùng phát, team “Be Strong Viet Nam” mà chủ yếu là các tình nguyện viên sau 2 tháng tập trung ngày đêm đã thực sự kiệt sức, không đảm bảo đáp ứng tình hình thực tế. Tôi đã rất giằng co giữa việc có tiếp tục “Be Strong Viet Nam” và phải dành toàn lực để hỗ trợ cộng đồng hay tạm dừng để tập trung cho các dự án phát triển dài hơi của Quỹ. Đêm hôm kia, tôi đã viết TÂM THƯ này gửi team Sống, và ngày hôm qua, sau một cuộc họp, chúng tôi quyết định: TẬP TRUNG TOÀN LỰC CHO “BE STRONG VIET NAM” ĐỂ HỖ TRỢ CỘNG ĐỒNG CHỐNG COVID-19!
Xin chia sẻ bức thư này với các bạn, hi vọng các bạn sẽ hiểu được phần nào công việc, trách nhiệm và những cam kết của chúng tôi, những thành viên của Quỹ Sống với cộng đồng, và sự phát triển của Việt Nam!
Comments