top of page

Jang Kều “Nhà chống lũ”: Chảy đi, như sông!

Nom cái cách Jang Kều ngồi đánh đàn kiểu bật bông và nghêu ngao hát, hoặc cách chị thong thả tiếp chuyện mọi người với nụ cười thân thiện gần như thường trực trên môi, người ta dễ nghĩ là Jang… rảnh. Ôi không! Nhà sáng lập dự án cộng đồng nổi tiếng “Nhà chống lũ” rồi lần lượt là 4 dự án khác thuộc “Sống Foundation” và điều hành cùng lúc 6 công ty , trong một năm "lũ chồng lũ" như năm qua có những ngày đã phải trả lời cả nghìn tin nhắn, email các loại; có năm đã phải bay tới 292 chuyến bay cho những chuyến kết nối, khảo sát...


Cũng là Quỹ duy nhất phải làm việc tới… 10 bộ và cơ quan chức năng mới có được giấy phép hoạt động với tư cách là một Quỹ hỗ trợ và phát triển cộng đồng sống bền vững vì hoạt động của Quỹ trải rộng trên quá nhiều lĩnh vực…

“Nhà chống lũ” không chỉ chống lũ

Đêm Noel 2020, Jang phấn chấn chụp lên đầu cái mũ đỏ, vác cây ghi ta lên sân khấu, làm bạn diễn cùng con – Taka bé nhỏ, lần đầu tiên dám biểu diễn trước đông người với những phím dương cầm vừa mới lập bập làm quen. Không ai nghĩ cậu bé ấy vốn ưa sống trong “cõi riêng” của mình để được mải mê làm những điều mà cậu cho là đáng để dành hàng tiếng đồng hồ cho nó: đưa tay bắt từng sợi nắng, hoặc đổ nước từ chiếc cốc này qua chiếc cốc khác rồi cứ thế, lặp lại. Càng không nghĩ mẹ của Taka vừa trải qua một năm bận ngập mặt với “Nhà chống lũ”, trong một năm mà bão lũ hoành hành miền Trung thảm khốc hơn bao giờ. Và người sáng lập ra “Nhà chống lũ” (NCL) đã di chuyển như con thoi giữa các chuyến khảo sát, tiếp xúc… để chốt được con số 290 căn NCL sẽ được triển khai trong năm tới – nhiều nhất trong 7 năm qua, đồng thời hỗ trợ gia cố thêm 500 nhà phao dân tự làm, chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật…

290 căn/ năm – nghe thì có vẻ khiêm tốn nhưng với cách làm “chậm mà chắc” của NCL thì đó là một con số kỷ lục, so với năm 2020 là 200 căn và năm đầu tiên (bắt đầu từ tháng 11/2013) là… 5 căn. Bởi cách mà Jang và team của mình làm không đơn giản là mang tiền đến cho người dân như các qũy từ thiện thông thường mà là đồng hành với họ từ A đến Z. Trong đó, mất thời gian nhất là khâu khảo sát. “Có những ngôi nhà chỉ cần xây trong 1-2 tháng nhưng khâu khảo sát lại phải lên tới 6 tháng đến 1 năm, thậm chí 3 năm. Bởi cách làm của chúng tôi là “đo ni đóng giày” cho từng hộ, giả hạn như nhà này có bò thì cầu thang phải thoai thoải ở ngoài; nhà này có dê, sợ nước lại phải có cầu thang bên trong…”.


Jang Kều trong chuyến đi thăm các gia đình miền Trung

Trung bình, mỗi ngôi NCL cần tới khoản kinh phí từ 60-90 triệu, Theo đó, NCL sẽ giúp một nửa, phần còn lại là đóng góp, tự thân vận động của hộ dân. “Việc của chúng tôi là giúp họ lên được một kế hoạch tài chính để có thể có được nguồn vốn đối ứng đó vì họ hầu như không có thói quen làm việc này. Mỗi hộ một hoàn cảnh, do đó cần các phép toán khác nhau. Rằng, khoản này có thể vay nguồn vốn hỗ trợ người nghèo, khoản kia có thể vay hàng xóm… Rồi thì nhà chị này có năm trăm viên gạch, nhà bác kia có hai mươi viên ngói; người này có thể dỡ nhà cũ ra, người kia có con bò sắp đẻ, có người còn bán lá chuối... Chưa hết, nhà này có anh con trai sắp ra riêng, lại phải giúp sẵn cái móng, cái khung, để mai này có thêm tiền thì đắp thêm cái mái, cái cửa…, thế là thêm được một phòng. Muốn thế thì ngay từ giờ, phải lo mà trồng thêm mấy cây keo để mai kia lấy gỗ, nếu chặt 1 cây thì phải trồng thế 5 cây vào… Tính toán thế nào đó để người dân gật gù: “Ôi tôi tự tin rồi, tôi có thể làm được!”, lúc đó mới ký vào hợp đồng 4 bên, gồm NCL, hộ dân, chính quyền địa phương và cuối cùng là bên cung ứng nguyên vật liệu. 4 bên, để giải quyết một việc tưởng như rất đơn giản, nhưng để điều tiết nhịp nhàng mối quan hệ đó, lại là cả một vấn đề, đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức… Trong quỹ của Jang vì thế có một bộ phận mà thường ra rất hiếm khi có ở các quỹ từ thiện thông thường khác: Bộ phận đánh giá-kiểm định, để từng bước bám sát thực tế, xây dựng nên từng bộ tiêu chí, quy trình, phương thức cho mỗi một hạng mục hay với từng đối tác…

Thuyết phục người dân và ngay cả chính quyền địa phương hiểu được khái niệm “vốn đối ứng” và cách làm mới này quả thật không dễ dàng, nhất là tại những địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Đó là lý do tại Sóc Trăng năm nay chỉ làm được 6 nhà (năm đầu tiên còn được có 2 nhà, năm thứ 2 thêm được 4). Tại Quảng Bình năm rồi có 1 xã đạo gồm 235 hộ, khảo sát xong cuối cùng chỉ thuyết phục được… duy nhất 1 hộ mà mỗi đợt, mỗi điểm, trung bình phải làm được từ 10-12 hộ thì mới mong giảm được giá thành...

Trong khi đó, nhiều Mạnh Thường Quân khi ngỏ ý muốn chung sức cùng NCL lại thường muốn nhanh, để kịp gây hiệu ứng truyền thông. Jang nói, đấy là 1 trong 3 trường hợp chị quyết “nói không”, bất kể con số đưa ra cần thiết cho Qũy tới mức nào. Hai, là những nhà tài trợ có hành vi phá hoại môi trường, tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa.., trực tiếp hay gián tiếp. Ba, là không phù hợp với phương thức “nấu cháo rìu” của NCL: Nhất định phải được xây nên bằng cả nguồn vốn đối ứng từ người dân, thay vì đưa tiền trực tiếp và lo trọn gói cho họ. "Vốn đối ứng là một nguyên tắc bất biến của NCL, dù phải mất rất nhiều thời gian, công sức cho nó. Không có ngoại lệ, vì nếu có 1 ngoại lệ thì cũng sẽ có những ngoại lệ khác nữa. Nếu đi trên một con đường có nhiều ngoại lệ thì sẽ rất khó đảm bảo được tiến độ và cả tâm thế chủ động của mình. NCL không chỉ để xây nên một ngôi nhà, mà điều đáng giá hơn cả, là thông qua việc chung tay ấy, người dân sẽ có trách nhiệm hơn với cuộc sống của mình, học được cách quản trị cuộc sống cũng như cách thay đổi cuộc đời. NCL thật ra không chỉ chống lũ mà còn chống thỏa hiệp, đầu hàng, lệ thuộc…”

NCL xây xong, vì thế, tuyệt nhiên không có màn gắn biển, hay bất cứ một dấu vết, logo nào của Qũy. Jang nói, chị muốn chủ nhân của nó phải cảm thấy tự tin trong ngôi nhà mà họ đã nỗ lực xây lên bằng tất cả khả năng có được, thay vì cảm giác hàm ơn.

“Jang, mày phải biến mất!”

Cũng chính vì không thể làm rập khuôn hàng loạt và rất mất công để giải quyết bài toán vốn đối ứng mà kéo theo cái khó về thời gian, nhân sự. Kiến trúc sư thì có nhiều, nhưng để có đủ kiên nhẫn lắng nghe từng nguyện vọng của người dân, tìm hiểu sâu sát từng hoàn cảnh, thói quen sinh hoạt… của họ để thiết kế nên từng căn NCL theo kiểu “đo ni đóng giày” thì quả là đếm trên đầu ngón tay. “Một cách đặc thù, các KTS của NCL chỉ được phép làm chuyên môn tới 20%, còn 80% là kiến thức cộng đồng. Vì thế 7 năm, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có được ngần ấy người…, rất khó để tăng lượng NCL theo cấp số nhân để thỏa mãn nhu cầu thực tế”.

Quỹ vì thế luôn sẵn sàng chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ nhân sự, ra sách cẩm nang, tư vấn online… để mong nhân rộng mô hình. Rồi ngay chính người sáng lập ra NCL cũng luôn phải đứng trước câu hiệu lệnh từ bản thân: “Jang, mày phải biến mất!”, khi nhận thấy, cho đến thời điểm hiện tại, phần lớn các nguồn tài trợ, giúp sức vẫn chủ yếu là đến từ các mối quan hệ cá nhân và sức ảnh hưởng của chị. “Kỳ vọng vào một cá nhân cũng tốt, nhưng chúng ta biết đấy, “nhân bất thập toàn”, có kỳ vọng thì cũng sẽ dễ thất vọng. Sẽ bền vững và lâu dài hơn nếu xã hội đặt lòng tin vào một tổ chức, một định hướng, một concept, con đường đúng đắn. Để ngay cả khi cá nhân đó không đứng ở đó nữa, thì Qũy đó, tổ chức đó vẫn còn nguyên vẹn sức ảnh hưởng, một cách tự thân…”

“NCL, hay sau này là những phiên bản cao hơn của nó như “Làng Hạnh phúc”…, thật ra không chỉ là câu chuyện của riêng người dân vùng lũ. Mà rộng ra, nó còn là câu chuyện của mỗi chúng ta trong cuộc đời này: dám mơ ước, dám thay đổi, dám đương đầu với thử thách… Gọi là “chống”, nhưng thật ra là học cách sống hài hòa với thiên nhiên – con người – thời cuộc…”


Jang Kều, thật ra không cao, chỉ là một cái “nickname” hồi đi học, vì lúc đó Jang trông nhẳng nhiu như một con sếu. Nhưng ít nhiều, cái nick đó cũng khá là vận vào người: Từ lúc đi học tới lúc vào đời, tỏa mình trên nhiều lĩnh vực kinh doanh, hoạt động xã hội, Jang chuyên trị... ngồi ghế “thủ lĩnh”.

Jang, tên thật là Giang (Phạm Thị Hương Giang), chả trách, đời cũng rõ là gắn liền với sông, với nước. “Tất cả các dự án của “Sống Foundation” (Nhà chống lũ, Hạnh phúc xanh, Làng hạnh phúc, Bản giao hưởng rừng xanh, Công viên cộng đồng), xét cho cùng, đều gắn liền thiết thân với Nước. Cả sở thích hàng ngày của tôi cũng vậy: Cứ sểnh ra là đi trồng một cái cây, khi thì từ một quả bơ vừa ăn, lúc thì là một củ khoai bị bỏ quên… Hồi đi học, tôi hay bị cô giáo trêu là “tăng động não”, vì lúc nào cũng cố nghĩ ra được một cái gì đó mới. Còn giờ thì dù bận cách mấy, ngày nào tôi cũng dành riêng cho mình 1 tiếng để tưới nước hoặc bắt sâu cho cây. Chỉ cần thế là đã đủ điềm tĩnh để bình thản đứng trước một biển việc, cả những nỗi niềm riêng trong cuộc sống…”.

Gần ba năm nay, Giang quyết định chọn Hội An cho Taka, vì Hội An có biển, có sông, có cả cánh đồng để hai mẹ con có thể cùng nhau đạp xe thung thăng giữa hai bờ lúa xanh tươi hay vàng rực, hoặc bên bờ sông trắng lóa, đôi khi trông thấy cả những cánh cò. Đã từng có những “cơn lũ cảm xúc” không dễ gì chống đỡ ở người mẹ trẻ, khi bần thần nhìn cậu con trai duy nhất của mình ngồi lẩn thẩn đổ nước từ chiếc cốc này qua chiếc cốc khác, mãi, không chán. Và cách duy nhất Jang nghĩ ra lúc đó là tìm cách giằng bằng được cậu bé ra khỏi cái “cõi riêng” đó: “Sao lại thế, thôi đi, trời ơi!". Jang sút 5kg trong tháng đầu đối diện với cú sốc làm mẹ. "Nhưng rồi dần già, tôi đã tìm được cách tự xây nên một cái “nhà chống lũ” cho mình: Là hãy tôn trọng cái thế giới riêng đó, đừng quấy rầy Taka! Hãy đi ra thế giới rộng lớn ngoài kia và làm những việc thật ý nghĩa cho đời sống, để khi trở về nhà, bạn đã thực sự trở thành một con người khác, mà cũng là chính bạn: vui tươi, tràn đầy năng lượng. Chỉ có thể bằng nguồn sinh khí tươi tốt ấy, bạn mới có thể đánh thức và truyền được năng lượng sống tích cực cho Taka!”

Taka thật ra còn được mẹ gọi bằng một cái tên khác: Ô liu (mãi không chừa cái “tật” mê cây). Còn nếu chọn cho riêng mình một cái cây, thì Giang (và cả người luôn dõi theo Giang) lại chọn cho mình cây dương xỉ. “Một cái cây bé nhỏ, mềm mại nhưng thật cứng cỏi, mạnh mẽ, luôn có thể bám trụ bền bỉ ở những địa hình cheo leo nhất, ít cơ hội sống nhất…”. Đó cũng là lý do Giang chọn nó làm biểu tượng cho Qũy hỗ trợ và phát triển cộng đồng mang tên “Sống” của mình. Có người nói mát: "Gớm! Không có cái quỹ của cô thì người ta chết đấy!”. Không, nhưng có thể sống một đời sống ý nghĩa hơn. Đời sông. Hướng biển.


THỦY LÊ - LĐO | 08/02/2021 | 15:19

 

Lấy bằng Thạc sĩ chuyên ngành Kinh doanh và Tài chính Quốc tế, ĐH Kyung Hee - Hàn Quốc; Quản lý Dự án Phát triển Cộng đồng tại Học viện Công nghệ Châu Á (AIT) - Thái Lan, Jang Kều (tên thật là Phạm Thị Hương Giang) từng nắm vị trí quản lý dự án của UNDP – Chương trình Phát triển LHQ tại VN. Chị hiện là Chủ tịch tập đoàn GroupG Asia Pacific (Singapore); Sáng lập và chuyên gia tư vấn chiến lược thương hiệu, chiến lược CSR cho doanh nghiệp G’Brand. Các dự án trong Quỹ Sống do chị sáng lập và làm chủ tịch gồm có: Nhà chống lũ, Làng hạnh phúc, Hạnh phúc xanh, Công viên cộng đồng, Bản giao hưởng rừng xanh. Và sắp tới sẽ là dự án "River Ơi" vẫn với mục tiêu nâng cao nhận thức về sống bền vững nhưng mở rộng phạm vi nghiên cứu và hợp tác hơn. Các giải thưởng từng ghi nhận:

Giải thưởng Tình nguyện viên quốc tế của TƯ Đoàn và UNESCO 2016, giải thưởng Dự án cộng đồng của WechoiceAwards 2017, Top 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam 2019 do Forbes Việt Nam bình chọn và mới đây là đề cử "Dự án có ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng" do khán giả bình chọn & "Đại sứ Truyền cảm hứng" theo bình chọn của Hội đồng Giám khảo WeChoiceAwards 2020.

bottom of page