top of page

Người phụ nữ đứng sau 1.200 ngôi nhà an toàn cho bà con vùng thiên tai: “Làm thế nào để có 10 hay 100 bạn Jang Kều khác?”

“Rất nhiều người gọi tôi là một người sống vì cộng đồng, ngẫm nghĩ lại, tôi thấy chưa đúng. Đúng hơn là tôi đang sống vì mình, với niềm tin và giấc mơ của đời mình”.


Trên blog cá nhân của mình, chị Hương Giang - Chủ tịch Quỹ Sống, còn được mọi người gọi bằng cái tên Jang Kều “Nhà Chống Lũ”, đã nói như vậy.

Trước khi thành lập Nhà Chống Lũ, Hạnh Phúc Xanh, River Ơi…, Jang Kều là một người mẹ, một nữ doanh nhân thành đạt, nhưng không hạnh phúc. Chị từng cảm thấy mất phương hướng khi vừa chăm sóc cậu con trai Taka bị chứng tự kỷ, vừa quản lý khoảng 5-6 công ty. Cậu bé lúc đó 5 tuổi mà không biết đi vệ sinh, không biết ăn cơm, vô cùng sợ tắm rửa, lúc nào cũng căng thẳng … Cho đến khi chị thấy cậu nở nụ cười hạnh phúc nhất khi được nhặt nắng, chị hiểu rằng mình cũng chỉ hạnh phúc khi được làm điều mà mình thật sự mong muốn.

Jang Kều có niềm tin rằng, nếu những đứa trẻ được sinh ra và có tuổi thơ được sống gắn kết với thiên nhiên, sống trong tình yêu thương và chăm sóc của gia đình, chúng sẽ có được một tâm hồn đẹp đẽ, biết yêu thương mình và yêu thương người.

“Với niềm tin ấy, tôi có ước mơ rằng, mình sẽ nỗ lực hết sức để xây nên những ngôi nhà an toàn và ấm áp, lập nên những ngôi làng hạnh phúc, tạo nên những công viên xanh mát, trồng nên những cái cây mà mai sau sẽ thành những cánh rừng, để rồi dành tặng những điều ấy cho con trai mình và những đứa trẻ khác trên thế giới này”.

10 năm qua, Jang Kều đã thực hiện được ước mơ này.

Khi 1 + 1 không chỉ bằng 2 nữa


Jang Kều của năm 2023 và của 10 năm trước có những thay đổi "rực rỡ" nào?


Tôi nghĩ thay đổi lớn nhất và “rực rỡ” nhất của tôi là đã biết yêu mình một cách chất lượng hơn và yêu thương cuộc đời một cách cân bằng hơn. Ví như trước đây, tôi dành hầu hết thời gian của mình cho Sống, số còn lại mới là cho mình (chút xíu) và cho con trai (nhiều hơn), còn các công ty của mình tôi khá “bỏ bê”, gần như giao hết cho các team.

Không may và cũng may là tôi đã bị suy sụp sức khỏe, suýt phải mổ tim, sau nhiều biến cố quan trọng, nhất là việc con trai tôi bị phát hiện có nhiều bệnh nặng.

Không may và cũng may là Covid-19 xảy ra, CEO của tôi trong mảng kinh doanh về nước, tôi phải quay trở lại chèo chống.

Và trong “nguy” có “cơ”, tôi phát hiện ra rất nhiều tiềm năng trong các công ty của mình, có điều trước giờ tôi đã không chú tâm và giao hết, các lãnh đạo thì chỉ phát triển công ty theo lối cũ, an toàn, không có đột phá, không có sự khác biệt.

Tháng 8/2021, tôi chính thức phải “nhảy về” xây dựng lại định hướng, phát triển những mảng dịch vụ mới, đặc biệt là đưa tư duy “đổi mới sáng tạo” (innovation) vào tất cả mọi khâu trong các doanh nghiệp của tôi. Tôi hoàn thiện mô hình kinh doanh CSV (chia sẻ giá trị chung) trong mỗi công ty.

Và sau hơn 2 năm vận hành, tôi tiếp tục tái cơ cấu để các doanh nghiệp của mình phát huy được các thế mạnh, đẩy mạnh thị trường quốc tế và khu vực, đưa “bền vững” trở thành tiêu chí chính, song song với “đổi mới sáng tạo”. Tôi hay nói các doanh nghiệp của tôi có “bền vững”, nhất là về tài chính, thì mới có điều kiện làm những dự án bền vững cho cộng đồng.



Chị nói về việc “yêu mình một cách chất lượng hơn”. Có phải từ sau biến cố khiến chị suýt phải mổ tim?


Đúng vậy. Tháng 6 năm ngoái, tôi bị phát hiện mắc bệnh tim. Các bệnh viện quốc tế và Việt Nam đều đề nghị mổ. Khi sức khỏe suy sụp, mấy lần đi cấp cứu phải ngồi xe lăn, may mà tìm được thầy giỏi, kiên nhẫn và nghiêm cẩn chỉ ra gốc bệnh để tôi điều chỉnh. Tôi đã “phải” học cách yêu mình một cách chất lượng hơn, dành cho mình thời gian, rèn luyện sức khoẻ và các thói quen có lợi. Và tôi đã không cần phải mổ tim nữa, thay vào đó là dành thời gian, không gian để yêu mình.

Mình có khoẻ, mới chăm sóc được con và những người thân tốt nhất, lo cho nhân viên của mình tốt nhất, trước khi làm điều đó cho cộng đồng.

Tôi cho rằng, đó là hai thay đổi “rực rỡ” nhất của mình sau 10 năm. Còn trái tim, nhiệt huyết, đam mê cống hiến của tôi cho cộng đồng vẫn thế, thậm chí đi vào chiều sâu hơn và lan tỏa tự thân hơn. Tôi sẽ chia sẻ kĩ hơn khi nói về các chương trình, dự án của Sống.


Trên hành trình gieo hạnh phúc, cho yêu thương với chương trình Nhà Chống Lũ, Hạnh Phúc Xanh, River Ơi ..., chị và đồng đội "nhận" được nhiều nhất là điều gì?


Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói: “Không có con đường nào dẫn đến hạnh phúc. Hạnh phúc là một con đường”. Trong 10 năm qua, con đường mà Quỹ Sống đã đi tuy có không ít thách thức nhưng chúng tôi vẫn luôn đi về phía trước, về nơi có hy vọng của mình. Chúng tôi “nhận” được chính tại lúc chúng tôi “cho đi”, chúng tôi hành động, chứ không phải ở lúc nhìn lại những kết quả mình đã làm được.

Bởi theo quan điểm riêng của tôi, chúng tôi tin tưởng vào mô hình cùng cộng đồng kiến tạo giá trị chung, và được làm điều mình tin và hy vọng khiến, điều đó khiến chúng tôi hạnh phúc. Khi cùng kiến tạo giá trị chung, thì 1+1 không chỉ bằng 2 nữa, mà sẽ bằng 11 hay thậm chí bằng n. Đó là sự kì diệu tôi nhận thấy rõ ràng khi cùng đồng đội trồng cây - xây nhà, cùng cộng đồng "dựng đời mới trong nụ cười".


Tất cả những điều chị đang làm đến ngày hôm nay, có phải để dành tặng cho cậu con trai Taka?


Không phải đâu! Tôi chỉ học từ Taka để biết yêu thương vô điều kiện, để biết muốn giúp ai là phải “join-in”, hiểu ước mong của họ, cùng hòa chung, cùng làm với họ. Và tôi làm mọi điều vì đứa trẻ bên trong của chính mình. Bởi khi sinh ra và lớn lên tôi đã được bao yêu thương, bảo bọc của gia đình, đặc biệt là từ bà ngoại của mình.


Hẳn bà ngoại là người đã truyền rất nhiều cảm hứng cho Jang Kều từ thời thơ bé đến ngày hôm nay?


Tôi sống với bà ngoại từ nhỏ, và đã biết yêu thương từ trong chính những câu ca dao, ngạn ngữ, những vần thơ mà bà ngoại “nói” với mình. Bà ngoại tôi thường “nói” bằng ca dao, tục ngữ, và rất hay dùng những vần thơ dân gian để chia sẻ và dạy tôi. Nên tôi ngấm rất nhanh và khi nhìn lại, tôi thấy tôi có một tuổi thơ nên thơ quá. Tôi lại được ngầm thẩm thấu tư chất và sự mạnh mẽ của ông ngoại, sự bền bỉ, tích cực của bà ngoại, sự nghiêm túc và trách nhiệm của mẹ, sự vô tư, hết lòng của bố. Chính sự may mắn đó khiến tôi luôn muốn những người xung quanh mình, nhất là những người kém may mắn, được chia sẻ, hỗ trợ.

Không chỉ đến khi làm Nhà Chống Lũ (năm 2013), tôi mới bắt đầu làm việc vì cộng đồng, tôi đã làm điều đó từ khi còn chưa đi học lớp 1. Bà ngoại là người nhận thấy và luôn ủng hộ, khuyến khích tôi, bà cũng là người đầu tiên trong gia đình ủng hộ tôi làm Nhà Chống Lũ, sau đó là đến anh trai tôi, đã vẽ logo dự án cho tôi. Tôi thấy tôi thật may mắn, và Taka cũng vậy! Dù có rất nhiều khó khăn, thử thách về sức khoẻ, nhưng tôi thấy Taka cũng vẫn rất may mắn vì có gia đình, có mẹ luôn yêu thương, chăm sóc tốt nhất.



Từ Nhà An Toàn, chị có nghĩ đến việc sẽ xây dựng một Ngôi Làng An Toàn, một Vùng Quê An Toàn với những mô hình mở rộng hơn?


Thực tế là từ năm 2019, Quỹ Sống đã phát triển một dự án mới, dựa trên nền tảng của dự án Nhà An Toàn, nhưng ở một nấc thang cao hơn, đó chính là dự án Làng Hạnh Phúc. Thay vì đối tượng là từng “hộ gia đình đơn lẻ”, Làng Hạnh Phúc tập trung vào một “cộng đồng”, một ngôi làng gồm ít nhất khoảng 50 hộ dân. Thay vì chỉ giải quyết mục tiêu “an toàn”, chúng tôi hướng đến những giá trị “bền vững”. Thay vì chỉ tập trung vào “vật chất” (là ngôi nhà), chúng tôi quan tâm đến cả quy hoạch hạ tầng của một khu vực và sinh thái, môi trường với cái lõi là văn hoá bản địa.

“Sống” đã dựng 2 Làng Hạnh Phúc ở tỉnh Quảng Nam: 1 làng ở nóc Lâng Loan, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My và 1 làng ở xã Trà Giác, huyện Bắc Trà My. Với sự đồng hành sát sao, hỗ trợ nhiệt tình của chính quyền địa phương và sự chung tay của cộng đồng, 02 ngôi làng kiên cố đã hình thành dựa trên quy hoạch tổng thể đã được nghiên cứu và điều chỉnh mới bởi các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực. Mỗi ngôi làng có đủ các hạ tầng cơ bản cần thiết như đường sá, điện, trường học, trạm y tế, hệ thống cấp thoát nước, nhà vệ sinh, hệ thống chống sét…, trong đó yếu tố văn hóa bản địa luôn là thước đo của mọi hạng mục mà dự án tiến hành làm. Tất cả các bên liên quan như tỉnh, huyện, các xã, người dân, và Quỹ Sống cùng phối hợp chặt chẽ để mang đến một hợp tác thành công tốt đẹp.


Hiện Quỹ đã bàn giao 2 Làng Hạnh Phúc về cho địa phương, để bà con tự vận hành ngôi làng của mình, đồng thời chính quyền có thể sử dụng các mô hình này cho những địa phương khác trong tỉnh. Cả 2 ngôi làng này đều có khả năng thích ứng, phòng chống thiên tai; giúp bà con dân tộc Xơ Đăng và Ca Dong yên tâm tái định cư, dựng cuộc sống mới, hướng tới tương lai tươi sáng và hạnh phúc hơn.



Năm 2023, Quỹ Sống đã chuyển đổi định vị mới là Quỹ của Cộng đồng Hành động thay vì định vị cũ là Quỹ Hành động vì Cộng đồng. Chúng tôi đúc kết các phương pháp, kinh nghiệm thực tiễn và mang khát vọng trở thành nơi kết nối nguồn lực, tạo làn sóng lan tỏa, để làm sao mà mỗi cá nhân, mỗi nhóm cộng đồng, mỗi tổ chức, mỗi doanh nghiệp cùng tham gia mạnh mẽ hơn trong việc thúc đẩy sự bền vững trước biến đổi khí hậu (Sustainability against Climate Change).

Chúng tôi muốn nhân rộng mô hình Nhà An Toàn, Làng Hạnh Phúc… đến nhiều địa phương hơn, để từ đó các cộng đồng bản địa chủ động và vững vàng kiến tạo cuộc sống bền vững cho chính mình, cộng đồng của mình, sống hài hòa với tự nhiên, gìn giữ những giá trị văn hoá bản địa. Để nhân rộng các mô hình, chắc chắn phải cần có sự chủ động tham gia từ tất cả các bên liên quan với sự ủng hộ và chung tay của chính quyền địa phương.



Làm thế nào để có thêm 10 hay 100 bạn Jang Kều khác?


Lần quyên góp nào đáng nhớ nhất với Quỹ Sống?


Lần quyên góp đáng nhớ nhất đó chính là lần đầu tiên, khi chúng tôi tổ chức event ra mắt dự án và gây quỹ ngày 21/11/2013 tại Hà Nội với số tiền thu được chỉ hơn 200 triệu. Số tiền đó có được nhờ việc bán các tác phẩm nghệ thuật mà tôi và bạn bè sở hữu. Tuy rất ít ỏi nhưng vô cùng có ý nghĩa bởi nhờ đó mà chúng tôi đã có nền tảng để bắt đầu. 5 ngôi nhà đầu tiên được xây từ số tiền này đã giúp tôi tin tưởng vào “mô hình chung tay” mà tôi phát triển khi viết dự án.


Số tiền nhiều nhất mà Quỹ quyên góp được trong một thời gian ngắn là?


Quỹ đã từng kêu gọi được hơn 70 tỷ đồng sau một chiến dịch gây quỹ online rất ngắn cho Nhà Chống Lũ vào năm 2020. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ nhận hơn 30 tỷ là số tiền mà các mạnh thường quân hoàn toàn đồng ý với các tiêu chí và quy trình của của Quỹ. Số còn lại chúng tôi phải từ chối vì nhiều lí do, trong đó phải kể đến yêu cầu của các nhà tài trợ là phải làm từ thiện hoàn toàn, không yêu cầu người dân chung tay về tài chính. Điều đó hoàn toàn không đúng với tinh thần và bản chất của Nhà Chống Lũ cũng như Sống, đó là làm phát triển cộng đồng, không phải làm từ thiện.

Mà làm phát triển, tức là phải chung tay. "Chung Tay" trở thành tiêu chí mà chúng tôi tự hào và kiên định theo đuổi cả thập kỷ qua, và trong tương lai sắp tới. Co-Design, Co-Financing, Co-Construction là 3 điều kiện tiên quyết của "Chung Tay". Phương thức này làm cho những người hưởng lợi nỗ lực, tự tin, tự tôn, tự hào, tự vươn lên kiến tạo tương lai tốt đẹp cho mình và gia đình.



Quỹ Sống có dự định đầu tư vào giáo dục, trường học hay thư viện


Một trong 3 trụ cột của Sống sau Nhà Chống Lũ và Hạnh Phúc Xanh là River Ơi. Nhà Chống Lũ hướng tới cộng đồng bền vững, Hạnh Phúc Xanh hướng tới môi trường bền vững và River Ơi hướng tới con người bền vững. Và River ơi làm các hoạt động liên quan đến nâng cao kiến thức và nhận thức của cộng đồng về lối sống bền vững và tư thế đối với thiên tai và biến đổi khí hậu.

Thật ra, trong suốt 10 năm qua, chúng tôi vẫn luôn âm thầm đưa các hoạt động giáo dục đan xen trong các hoạt động của Nhà Chống Lũ và Hạnh Phúc Xanh. Chúng tôi không xây trường học hay dựng thư viện mà chúng tôi nâng cao nhận thức và cung cấp kiến thức cho cộng đồng, đặc biệt là các em nhỏ.

Ngoài ra, trong chương trình Hạnh Phúc Xanh cũng có một dự án mang tên Trường học Hạnh Phúc Xanh đã triển khai ở 6 trường tiểu học ở Huế. Trở lại chương trình River Ơi, Quỹ Sống có 3 hoạt động chính:



Đào tạo, tập huấn về các hoạt động ứng phó với thiên tai, phục hồi sau thiên tai, tập huấn về các mô hình nhà an toàn. Đồng thời, Quỹ Sống phối hợp với các bên tập huấn cho thủ lĩnh của các phong trào xã hội những kỹ năng gây quỹ, quản lý và triển khai dự án, cung cấp những kiến thức kể cả thuyết trình và nhiều kỹ năng khác.

Nghiên cứu và xuất bản. Tất cả kiến thức, kinh nghiệm mà chúng tôi đã tích lũy được đều được đúc kết, lưu giữ và lan tỏa. Chúng tôi đã xuất bản cẩm nang Nhà Chống Lũ với 9 mô hình nhà an toàn phù hợp với từng địa hình, khí hậu khác nhau kết hợp với các workshop chia sẻ thảo luận để lan tỏa các mô hình nhà này cho các đối tác quan tâm từ chính quyền, các doanh nghiệp, các tổ chức, các cộng đồng, cá nhân...

Trong tương lai, chúng tôi dự kiến sẽ có những cẩm nang, những đầu sách với câu chuyện khác nhau về thích ứng và giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu.

Đưa văn hóa, nghệ thuật vào các chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng về sống bền vững. Chúng tôi sẽ kết hợp âm nhạc, mỹ thuật, các yếu tố văn hóa và các hình thức khác để lan tỏa đến người trẻ. Các bạn trẻ rất thích những hình thức mới, sáng tạo và đây sẽ là cách để chúng tôi truyền cảm hứng và khuyến khích giới trẻ tham gia vào câu chuyện thích ứng và giảm thiểu rủi ro của biến đổi khí hậu. Chúng tôi tin văn hoá và nghệ thuật là chất xúc tác và cầu nối hấp dẫn nhất cho cộng đồng đặc biệt là giới trẻ với chủ đề sống bền vững.




Ngoài ra, chúng tôi cũng có kế hoạch phát triển nền tảng khuyến khích mọi người cùng trồng cây, sống xanh, kết nối và lan tỏa những giá trị bền vững, thúc đẩy và đo lường chỉ số Hạnh Phúc Xanh (G.H.I). Từ đó, chúng ta sẽ xây dựng được những cộng đồng Hạnh Phúc Xanh gắn kết với nhau, hướng đến một đất nước Việt Nam Hạnh Phúc Xanh.

Trở thành Đại sứ truyền cảm hứng của WeChoice Awards 2020 có ý nghĩa thế nào trong hành trình của chị và đồng đội sau này?


Tôi rất vui khi hành trình của Sống Foundation được ghi nhận, ủng hộ và lan tỏa. Và trở thành Đại sứ truyền cảm hứng của WeChoice Awards 2020, tôi cảm nhận rõ hơn niềm vui này.

Khi bước lên sân khấu nhận chiếc cúp Đại sứ WeChoice Awards khắc tên mình, tôi chợt nghĩ ngay tới một khao khát là làm thế nào để có 10 hay 100 bạn Jang Kều khác cùng trở thành Đại sứ truyền cảm hứng. Có thể không phải và cũng không cần thiết phải có được giải thưởng của WeChoice Awards. Nhưng họ thực sự cống hiến cho cộng đồng, cho xã hội và truyền cảm hứng cho những người xung quanh.



Bạn cứ tính đi, một bạn Jang Kều làm Sống Foundation thì có hơn 1200 căn nhà an toàn, 2 ngôi làng hạnh phúc, 2 công viên Hạnh Phúc Xanh, 6 trường học Hạnh Phúc Xanh, 128 hecta rừng, nếu có 10 bạn, hay 100 bạn Jang Kều cùng làm thì sẽ tuyệt vời như thế nào

Chắc chắn sẽ xóa bỏ hoàn toàn những ngôi nhà không an toàn, sẽ có hàng trăm công viên cộng đồng cho người già và trẻ em vui chơi, tập luyện an toàn, hàng trăm ngôi làng tái định cư được trở thành hạnh phúc, rồi hàng trăm ngàn hecta rừng được phủ xanh trở lại. Nhắm mắt lại, nghĩ về điều đó thôi, tôi đã thấy vô cùng hạnh phúc. Và tôi tin các đồng đội của tôi cũng có những mong mỏi, khao khát đó như tôi.



Câu hỏi cuối cùng, định nghĩa hạnh phúc của Jang Kều là thế nào?


Tôi vẫn luôn tin rằng "Hạnh phúc là được tự do và hết mình với những ước mơ và khao khát của cuộc đời mình". Chỉ có như thế, mình mới mang đến ý nghĩa tốt đẹp nhất cho "sinh mệnh" và "sứ mệnh" của mình, rằng mình sinh ra để là ai và làm được gì cho cuộc đời này.

Cảm ơn và chúc chị luôn hạnh phúc, tự do và hết mình với “sứ mệnh” của mình./.


Nguồn: WeChoice Awards - Kênh 14

Biên tập: Gia Hân

Đăng tải ngày 30/12/2023

bottom of page