top of page

Nhà chống lũ của Jang kều: Không chỉ an toàn mà còn phải hạnh phúc!

Chống lũ chỉ là một khái niệm, lũ không chỉ do thiên nhiên mà còn được hiểu là lũ từ con người. Mỗi người hãy là một nhà chống lũ, hãy hành động, hãy thay đổi, hãy thuyết phục người khác...


Sau bảy năm đồng hành cùng bà con vùng lũ tại Hà Tĩnh, Quảng Nam, Khánh Hoà, Sóc Trăng, Hậu Giang… các kiến trúc sư của dự án “Nhà chống lũ” do Sống Foundation của Phạm Thị Hương Giang (biệt danh “Jang kều”) khởi xướng đã hoàn thiện thiết kế các mô hình nhà kê nền thấp, nhà kê nền cao, nhà kê linh hoạt, nhà hai gác, nhà phao… với kết cấu vững chãi, phù hợp với địa hình các loại thiên tai khác nhau, đảm bảo an toàn với mức chi phí tiết kiệm nhất.


Trong bối cảnh bão lũ chồng bão lũ vừa qua, hơn 700 căn nhà chống lũ vững chãi do dự án nhà chống lũ hỗ trợ đều an toàn và có thể chủ động chuẩn bị đối phó với thiên tai bất ngờ, nhờ vậy thiệt hại về người và của được hạn chế tối đa.


Nhà phao tại Tân Hóa vẫn an toàn trong lũ (ảnh chụp ngày 18/10/2020)

Jang kều và đồng đội của mình đang mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm xương máu đã tích lũy thông qua “Sổ tay nhà an toàn”, với 11 mô hình nhà có khả năng thích ứng với các loại hình thiên tai của từng khu vực ở Việt Nam, nhất là các kiểu lũ như lũ bùn, lũ ống, lũ quét, lũ sông và một số loại lũ đặc biệt, như một cách chung tay tạo thành cơn sóng mạnh mẽ hơn cho giải pháp chống lũ bền vững cho tương lai.


Jang kều và đồng đội của mình đang mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm xương máu đã tích lũy thông qua “Sổ tay nhà an toàn”, với 11 mô hình nhà có khả năng thích ứng với các loại hình thiên tai của từng khu vực ở Việt Nam, nhất là các kiểu lũ như lũ bùn, lũ ống, lũ quét, lũ sông và một số loại lũ đặc biệt, như một cách chung tay tạo thành cơn sóng mạnh mẽ hơn cho giải pháp chống lũ bền vững cho tương lai.


Gặp Jang kều tại TP. HCM, vẫn nụ cười toả nắng, mái tóc tém rất thời trang và duyên dáng, chị kể về 7 năm đầy thăng trầm với dự án Nhà chống lũ của mình và đồng đội, những lần đối diện với sinh tử, nước mắt lặn vào trong đến nghẹn ngào khi đối diện với những hoàn cảnh vô cùng bất hạnh, khiến chị càng nung nấu sự kiên định cho nhân tố quyết định thành công của dự án, đó là sự “chung tay”, mà chính người thụ hưởng phải đóng góp 50%! Một mô hình tưởng chừng không tưởng!


Vì sao chị dành rất nhiều tâm huyết và sức lực cho dự án Nhà chống lũ?


Jang kều: Khi chúng ta ngồi đây hôm nay, cơn bão ngoài khơi đang ẩn chứa rất nhiều thảm hoạ tiếp nữa cho miền Trung đang tiến vào bờ. Tôi là người năm nào cũng đi cứu trợ, năm 2008 xe của tôi bị lũ cuốn trôi, mắc ở thành cầu, cửa xe chỉ có thể mở hé để mình chui ra, thoát chết trong gang tấc. Tự nhiên lúc đó tôi sực tỉnh, mình đi cứu trợ mà còn nguy hiểm thế này thì bà con còn nguy hiểm cỡ nào? Có nên làm từ thiện cứu trợ theo cách cũ nữa không?


Năm 2009 trận lũ lịch sử đổ bộ vào Quảng Nam, Quảng Ngãi, thiệt hại về người và của quá kinh hoàng, khi tôi đến Đại Lộc, dây điện cao thế bị rơm rác mắc vào rất nguy hiểm. Sau khi tặng quà xong ở Đại Lộc, tôi thấy các em bé không tập trung để học được dù đeo khăn quàng đỏ rất ngay ngắn. Tìm hiểu thêm mới biết bùn đã lên tới 1,2m tại trường, tôi thấy rõ sự hình thức của các hoạt động cứu trợ trong bão lũ. Quyết định tìm đến tận làng, thấy cảnh hoàn toàn khác, dân đứng bơ phờ vì mất hết tiền bạc, giấy tờ, rất nhiều nỗi đau. Tôi dốc hết tiền trong túi cho dân nhưng chẳng thấm vào đâu.


Bất chợt tôi nhìn thấy một ông già đứng trên nền nhà, tay cầm bức ảnh thờ của bà. Tôi gọi ông không trả lời, thất thần như người đã chết. Lúc ấy mình mới hiểu có những người chỉ tồn tại, không sống. Nếu cho họ thức ăn thì cơn lũ năm sau ông lại vẫn thế này.


Từ đó tôi quyết định sẽ không đi phát tiền và thức ăn cho dân nữa, mà tìm giải pháp bền vững hơn. Năm 2013 có cơn lũ lịch sử, một kiến trúc sư đăng lên mạng ngôi nhà sàn cổ Hương Sơn đặt trên 4 cột xi măng đã bảo toàn 11 năm sau nhiều cơn lũ. Tôi nghĩ có thể đây là một ý tưởng hay. Tôi tìm đến tận nơi xin mô hình này, bác ấy đồng ý.


Tôi đã nhờ các bạn kiến trúc sư tính toán, chỉ mất 25 triệu đồng có thể xây được một ngôi nhà. Tôi viết dự án trong đêm và ngay lập tức đưa lên mạng, một tuần sau gây quỹ. May mắn có rất nhiều người tranh cãi với mình trên mạng, trong đó có nhà báo Lương Hùng, một “anh hùng bàn phím”. Tôi hẹn nhà báo Lương Hùng, tranh cãi với anh sau 2,5 tiếng, "nếu em thắng anh sẽ là người xây nhà" và mình đã thắng, gây quỹ được 200 triệu đồng.


Với kinh phí xây dựng nhà an toàn khoảng từ 80 đến 180 triệu đồng, trong đó nhà chống lũ hỗ trợ trung bình 45 triệu đồng/hộ, các hộ dân sẽ đối ứng ít nhất 50% kinh phí còn lại bằng cách tự huy động nguồn lực riêng của mình, điều này có vẻ không tưởng! Nhất là khi sau lũ, có hộ không còn một đồng bạc trong tay như hiện nay? Làm thế nào để chị có thể hiện thực hoá mô hình chung tay này?


Jang kều: Ngay từ ngày đầu khi viết dự án, tôi đã chọn phương thức chung tay.


Năm thứ tư đại học, tôi quyết định bỏ trường, đi làm dự án cộng đồng, từ đó đến nay sau nhiều thăng trầm, tôi phát hiện sự không thành công của các dự án là vì thiếu sự chung tay. Nếu dự án khoảng 100 ngàn USD thì số tiền vào đến người dân khoảng 30%, thêm vào đó người dân chỉ đi họp khi có phong bì, không có gì thay đổi. “Lũ là vàng” đối với những người dân lười biếng và là “siêu vàng” đối với nhiều người khác.


Đầu tiên phải tìm ra phương thức đúng, "đầu tiên vẫn là tiền đâu"? 795 căn nhà an toàn, giúp hơn 4.000 hộ dân sống an toàn trong thiên tai đã được làm theo phương thức chung tay.


Chúng ta thường nghĩ bà con khó khăn thì làm sao có tiền đối ứng, nhưng thực tế chỉ cần chúng ta biết cách khơi gợi, cho họ sự tự chủ, cùng họ sáng tạo các giải pháp.


Phạm Thị Hương Giang, biệt danh “Jang kều” - Nhà sáng lập chương trình Nhà chống lũ.

Khâu thiết kế họ cùng tham gia, vì tuỳ theo nhu cầu từng gia đình, có nhà cần thêm phòng cho con, có nhà chồng bị liệt không thể leo lên tầng hai… mình lắng nghe hết để tham gia quá trình thiết kế. Có nhà thích màu tím, có nhà thích màu xanh… Chúng tôi làm theo phương pháp “nấu cháo rìu”, ai có trâu bò bán trâu bò, ai biết đóng gạch thì đóng gạch, đổi công xây dựng với cả làng, hoặc vay chương trình không lãi suất, vay người thân, hoặc tận dụng nguồn vật liệu từ nhà cũ… sau đó có thể mở rộng thêm, thiết kế theo ý mình.


Bằng cách chung tay này, ai xây xong cũng thấy nhà này là nhà tôi. Kiến trúc sư cũng phải tiết chế nghề, 80% vì cộng đồng.


Thứ ba, họ cùng tham gia xây dựng và giám sát xây dựng. Khi tôi mới làm, ai cũng cản, “Mình tặng người ta chưa xong, em còn đòi họ đóng góp”. Không phải, nếu cùng họ thiết kế thì họ theo sát mình ghê lắm, có người tự khoe đóng mấy nghìn viên gạch rồi. Kỷ lục có nhà xây trong 35 ngày.


Như vậy, người hưởng lợi không chỉ có ngôi nhà an toàn, mà là ngôi nhà hạnh phúc, bởi ở trong đó họ thấy là chính mình, tự tin hơn, biết yêu quý, giữ gìn hơn, thậm chí sẵn sàng cho những thay đổi trong tương lai. Mục đích đó quan trọng hơn cả một ngôi nhà bằng vật chất.


Chung tay không chỉ với người dân, mà chung tay với cả cộng đồng. Bên hỗ trợ không chỉ đóng góp bằng tài chính mà còn cả thời gian, năng lực chuyên môn đến từ các chuyên gia, kiến trúc sư, giúp thiết kế căn nhà thật khoa học. Các tình nguyện viên, hoạ sĩ, nghệ sĩ, các cá nhân và doanh nghiệp… như Công ty dây cáp điện Vĩnh Thịnh đóng góp toàn bộ dây điện, quạt, nghệ sĩ Thanh Lam, Tùng Dương đã đóng góp buổi diễn, thu về 1,6 tỷ đồng cho Nhà chống lũ…


Mình nghĩ điều quan trọng nữa là sự đồng hành của chính quyền địa phương. Ban đầu chính quyền nhiều nơi chả hiểu tại sao có một nhóm đứng ra làm chuyện đó, nhiều nơi tiền cứu trợ đều phải qua UBND. May mắn tôi có tham gia sản xuất chương trình cho truyền hình công an nhân dân và có thẻ nhà báo công an nên họ không làm khó mình.


Cho đến giờ, ở Quảng Bình, chính quyền bắt đầu cho các hộ dân vay không có lãi trong 10 năm để xây nhà chống lũ. Những làng hạnh phúc, chính quyền còn làm hạ tầng, mang nước, điện tới, và cả giới truyền thông chung tay chia sẻ thông điệp này một cách bền vững và hiệu quả hơn.


Tiếp xúc với bao cảnh đời khốn khó, câu chuyện nào khiến chị ấn tượng nhất? Làm thế nào để chị kiên định đến cùng với mô hình chung tay này?


Jang kều: Phương thức chung tay được áp dụng 100% đến ngày hôm nay, chưa bao giờ có ngoại lệ. Muốn đi xa phải có sự kiên định, rõ ràng về tiêu chí ngay từ đầu, bởi sẽ luôn có những trường hợp đặc biệt.

Mọi trường hợp đều có thể giải quyết được. Tôi nhớ mãi lần đầu tiên đi xây nhà, tôi bị choáng luôn khi có một cụ già chỉ quan tâm đến cái quan tài! Bà không dám mơ ước được sống, mà chỉ mong được chết.


Ngôi nhà của cụ nghiêng hoàn toàn khiến chẳng ai dám bước vào, bên trong rêu mọc xanh vì nước lũ, chỉ có một chiếc quan tài bằng gỗ là gia tài duy nhất. Hỏi ra mới biết chồng bà đã qua đời trong cơn lũ từ căn gác xép này và bà phải chôn ông bằng một chiếc chiếu. Nguyện vọng duy nhất của bà không phải là sống như thế nào, mà là được chết một cách đàng hoàng hơn ông thôi. Tiền phúng điếu ông, tiền hoa màu, tiền mọi người cho bà tích cóp mua được chiếc quan tài. Khi có lũ hoặc ốm nặng, bà sẽ chui vào quan tài để nếu chết sẽ được chôn trong quan tài!


Lúc ấy tôi không thể khóc được nữa. Lũ xong đương nhiên chẳng ai có tiền, cụ già cũng vậy, chỉ có 10 ngàn đồng. Tôi nói với cụ 10 ngàn cũng xây được nhà. Cụ nói 45 triệu đồng lấy ở đâu ra? Đó là do tấm lòng, sự sáng tạo của đội ngũ, đặt chân vào giày của họ, để biến thành những đóng góp. Vì nếu mình cho cụ tiền, thì 150 nhà nữa bị sập, bị bay mất trong làng lấy tiền đâu ra mà cho.


Tôi hỏi anh chủ tịch xã nhà này phần gỗ bán được bao nhiêu? Anh nói khoảng 8 đến 10 triệu đồng. Thế ba người con của cụ hiện giờ sống ở đâu? Anh nói họ nghèo lắm, đều sống xa cụ. Họ cũng như mình, nghĩ cái nhà xây phải từ 2 đến 3 trăm triệu đồng, bây giờ mình chỉ cần 25 triệu đồng nữa thôi, gọi điện liền cho ba cô con gái bà. “Chúng tôi muốn giúp mẹ chị, chỉ cần thêm 25 triệu đồng nữa là có cái nhà cho mẹ chị rồi. Mỗi người có thể đi vay 6 triệu đồng gửi về cho mẹ”, thế là xây được ngôi nhà.


Nếu người đi giúp không đau nỗi đau của mỗi người dân, không hiểu hoàn cảnh của họ, thì không thể có sự sáng tạo để tìm ra phương cách phù hợp nhất. Sau một năm gặp lại cụ, thấy cụ hồng hào, không còn xanh dớt như trước đây.


Nhiều nghệ sĩ làm dự án cộng đồng hết lòng nhưng có khi cũng bị hiểu lầm, bị lên án, chị có từng gặp trường hợp tương tự không?


Jang kều: Tôi nhớ lần đến Tân Hoá để khảo sát năm 2016, lúc ấy tất cả các báo và mạng xã hội chửi ầm lên là UBND xã Tân Hoá bắt tất cả người dân nộp lại tất cả tiền bạc, đồ đạc được viện trợ cho vào một cái nhà để phân phát lại, sợ không công bằng.


Các bạn sẽ không hiểu câu chuyện đằng sau đó nếu không đến tận nơi. Mình lập tức cùng anh Hùng và anh Minh thuê xe máy, ăn mặc thật bình thường để vào xã, vì cả xã đều quá hoảng sợ các nhà báo, trong khi họ đồng lòng làm việc ấy. Câu chuyện tìm hiểu ra hoàn toàn khác!


Khi Tân Hoá bị lũ quét, cả nước ồ ạt đến cứu trợ, có người còn không đặt được vé máy bay vì đông khách quá. Đợt đó UBND xã tiếp đến hơn 1.000 đoàn từ thiện, họ không còn sức để thở nữa, ai đến cũng hỏi danh sách hộ nghèo nhất, hộ cận nghèo. Vô hình chung hộ nghèo nhất lại được quá nhiều, có hộ trong nhà chẳng có gì ngoài can rượu 5 lít lại được tặng rất nhiều quà. Cá biệt, có nhà được hơn 70 thùng mì gói, chất đầy như một đại lý.

Hộ ít nghèo lại không nhận được gì, trong khi họ là những người rất chăm lao động, sắm được cái xe máy, tivi nên không được coi là hộ nghèo nhất.


Chỉ có xã biết, người dân ở đó biết như thế là không công bằng. Họ thống nhất với nhau thôi tập trung đồ phân phát lại, nhưng báo chí lại không nhìn ra sự thật.


Làm công tác cộng đồng, mình chỉ mong mọi người hãy khảo sát kỹ lưỡng, lên dự án cẩn thận và phải làm rất công bằng, rất minh bạch mới có thể đem lại sự giúp đỡ xác đáng.


Tôi từng biết một hộ nghèo nhất ở Hà Giang có được 450 triệu đồng tiền ủng hộ, khi nhà chống lũ hỏi chị có làm nhà không? Họ nói “ngu gì làm, tiền đó mua trâu bò, uống rượu, vì nhà mình nát thì năm sau họ mới cho nữa chứ”. Đi giúp người nghèo đôi khi phải có cái đầu lạnh, để có được sự giúp đỡ chỉn chu, không làm khổ các cơ quan chức năng, không làm cho người dân trở nên trơ lỳ, ỷ lại.


Jang kều và đồng đội của mình đang mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm xương máu đã tích luỹ thông qua “Sổ tay Nhà An Toàn”.

Nhiều địa phương, nhất là miền núi, vùng sâu vùng xa, chính quyền và doanh nghiệp cũng đã bỏ tiền xây hẳn những khu nhà chống lũ cho dân, nhưng sao họ không đến ở, cuối cùng bị bỏ hoang? Theo chị, có thể xây một chung cư nổi cho khoảng 100 gia đình với sự tham gia của công nghệ?


Jang kều: Vấn đề là người ta có chịu ở chung với nhau hay không? Tại sao lũ thế người ta không chuyển sang chỗ khác? Qua khảo sát, tôi thấy hầu như nếu không vì hoàn cảnh quá khốn khó, chẳng ai muốn dời bỏ quê hương. Có nơi nhà nước đã chi gần một ngàn tỷ đồng cho khu tránh lũ nhưng dân không vào, những dãy nhà đó đang bỏ hoang. Vấn đề phải “đặt chân vào đôi giày của họ” để biết họ mong muốn điều gì? Không thể áp đặt theo kiểu duy ý chí của chúng ta được.


Tại Nam Trà Mi, Bắc Trà Mi, chính quyền vừa cưỡng chế, vừa động viên để dân chuyển đi, nhà nước đưa đến một vùng đất mới, làm hạ tầng, xây trường, y tế… tuy nhiên các hộ đều được phân lô như nhà phố. Trong khi nhà truyền thống của họ là nhà sàn, nhà ngang họ lại bỏ đi về chỗ cũ gắn với ruộng đồng của họ.


Đại đa số cách làm của chúng ta là để có thành tích, nhà được 3 cứng: Hiện đại hoá, công nghiệp hoá, nhà bằng tôn, cuối cùng mình phải sửa nhà cho họ thành nhà sàn, những mái tôn vừa ầm, vừa nóng, phải lấy lồ ô về lợp cho mềm hoá lại.


Ở Bắc Trà Mi, dân chuyển đến rồi nhưng không thể sống trong nhà ống. Chúng tôi kết hợp các kiến trúc sư dùng nguyên liệu địa phương sửa lại cho nhà được quay ngang. Dân đang trồng cây trên núi thì con cái ở nhà mới, còn bố mẹ vẫn về ruộng trồng cấy trên núi, nuôi con này con kia.


Chúng ta không làm cái gì duy ý chí, làm theo cái mình mong đợi mà phải làm cho họ. Do thuỷ điện “cóc” quá nhiều khiến cho đất bị động, bão lũ ngày càng dữ dội nhưng những làng tái định cư phải làm sao tái hiện đời sống của họ bằng kiến trúc an toàn nhất. Tại Bắc Trà Mi chúng tôi còn phải làm thêm một nhà cúng cho người Xê Đăng, vì họ tin có ngôi nhà này sẽ được phù hộ. Nhiều người từ lâu đã không còn ý thức cộng đồng cũng đã quay về chung tay với chúng tôi. Có chị ngày đêm chỉ biết uống rượu, giờ đã lên núi lấy lồ ô về làm nhà.


Mình sẽ xây lại chính ngôi nhà của họ đã bị sập nhưng có khả năng chống bão lũ. Họ sẽ đóng góp tiền, công sức của mình vào đó, để có ý thức giữ gìn. Ngôi làng định cư người Khơ Me chỉ có cỏ mọc lút đầu, họ phải vén cỏ vào nhà, không có toa lét, dân làng chỉ làm nghề cắt cỏ thuê, giờ thành cái làng vô cùng đẹp, mỗi nhà đều có vườn cây, có nhà khoe đã bán được 20 ngàn đồng tiền rau mỗi ngày. Chúng tôi chỉ cho họ 200 ngàn đồng để làm vườn, giờ họ còn thi ai có vườn đẹp.


Ngoài hỗ trợ nhà chống lũ, dự án có hỗ trợ người dân phần phi công trình không, để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai?


Jang kều: Ngay từ đầu trong phương thức làm việc, chúng tôi đã đưa người dân vào trong toàn bộ quá trình gắn bó, làm việc với nhau ít nhất từ 2 đến 3 tháng. Người của Nhà chống lũ trở thành người nhà của dân, vì mỗi nhà là một thiết kế khác nhau, nên thân thiết lắm.


Chúng tôi giúp họ tự nâng cao khả năng quản lý cuộc sống của mình, có người đã chủ động mở thêm một sạp hàng bán bánh xèo ở cổng, và chủ động giúp đỡ người khác nữa. Hầu hết 100% hộ dân được giúp đỡ đều có ý thức phòng tránh lũ rất cao.


Ngoài ra có những trường hợp không may chưa được dự án giúp đỡ, chúng tôi có chương trình đào tạo về kỹ năng phục hồi gia cố nhà cửa sau bão. Phần mềm, phương thức tiếp cận mới là quan trọng. Ngôi nhà chỉ là cầu nối cho chúng ta hỗ trợ người dân thay đổi nhận thức, nhân sinh quan, để họ dám mơ ước cho cuộc sống tốt hơn.


Ngoài hỗ trợ xây nhà, anh em còn hỗ trợ dân phương thức sống sạch, an toàn nhất, như anh Tuấn với sáng kiến mở cuộc thi “Vườn đẹp”, giải thưởng chẳng có gì nhiều, có hộ chỉ cần hai cây bông giấy để chưng ngày Tết thôi.

Kiến trúc sư Đính Bá Vinh tham dự phần kiến trúc sư chỉ 5%, còn 95% là kiến thức cộng đồng. Khi làm việc với người Xê Đăng ở Nam Trà Mi, họ hầu như không có khái niệm về rác, không có toa lét, nên rác nhựa tràn lan. Anh Vinh ở đó vài tuần, ngày ngày nhặt rác cho vào túi và treo ở cửa, khi rời đi anh cầm bọc rác xuống huyện bỏ vào thùng xử lý rác thải. Ban đầu dân làng thấy buồn cười lắm, sau đó cả làng bắt đầu cộng tác, họ tự đan sọt để đựng rác và trẻ con đã biết phân loại rác.


Vậy là “Nhà chống lũ” của chị còn có một ý nghĩa khác?


Jang kều: Khi đặt tên, có rất nhiều người nói tôi hãy tìm cái tên hay hơn. Thực ra chống lũ chỉ là một khái niệm. Lũ ở đây còn được hiểu là lũ từ con người. Không chỉ chống lại bão lũ, mà chúng ta còn phải chống lại tất cả những người không hành xử tốt với thiên nhiên.


Hầu hết các dự án đều mong muốn kêu gọi được nhiều tiền, chúng tôi lại chủ trương không chạy theo kỷ lục về số tiền quyên góp được, mà cần thêm rất nhiều trái tim, khối óc để giúp đỡ người khác. Đến giờ phút này chúng tôi đã lập kế hoạch cho 2021 và lập kế hoạch gây quỹ trước phải làm gì, cho ai. Vì nguồn lực con người của mình còn ít ỏi, phải làm thật kỹ càng. Quan trọng là sự minh bạch, trái tim của người tham dự.


Trong bối cảnh thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng diễn biến phức tạp hơn tại Việt Nam, ngày càng nhiều hộ gia đình cần được hướng dẫn, lưu ý và hỗ trợ kỹ thuật xây dựng nhà ở an toàn. Vì lý do này, chúng tôi mạnh dạn chia sẻ những kinh nghiệm đã tích luỹ được thông qua "Sổ tay Nhà An Toàn".


Sổ tay do kiến trúc sư Nguyễn Hạnh Nguyên chủ biên, bao gồm chi tiết các mô hình nhà có khả năng thích ứng với các loại hình bão lũ điển hình tại Việt Nam, thông qua các nghiên cứu chi tiết tại nhiều vùng dự án mà chúng tôi đã thực hiện ở Việt Nam trong các năm 2013-2019.


Hy vọng, thông qua sổ tay này, người dân, chính quyền địa phương, các tổ chức phi lợi nhuận, các chuyên gia và các cá nhân quan tâm có thể tham khảo, và áp dụng được mô hình nhà ở phù hợp, có khả năng thích ứng tốt với bối cảnh thiên tai tại địa phương và ngân sách gia đình.


Song song với giải quyết hậu quả, chúng ta phải giải quyết nguyên nhân, bởi không thể làm gì được khi mỗi năm có từ 5.000 đến 7.000 căn nhà bị trôi đi.


Giống như nhà văn, nhà báo, mỗi chúng ta đều có thể trở thành một “nhà chống lũ”. Hãy ít sử dụng rác thải, hãy trồng thật nhiều cây. Mọi người nhìn thấy rất rõ lũ năm nay khủng khiếp thế nào, không phải do thiên tai hoàn toàn, mà vì nhân tai đẩy lên rất kinh hoàng. Hãy trồng một cái cây mỗi tuần trong nhà mình, trong khu rừng.

Dự án “Hạnh phúc xanh” kéo dài 70 năm do Sống Foundation khởi xướng kêu gọi mọi người trồng cây để kết nối với thiên nhiên, kết nối với chính mình. Nếu trong vòng 70 năm nữa miệt mài trồng cây, chúng ta mới có thể tạo thành những khu rừng đầu nguồn có khả năng chống lũ, giữ được 30m3 nước, mùa hạn không bị hạn, mùa lũ không bị lũ…


Mỗi người hãy là một nhà chống lũ, hãy hành động, hãy thay đổi, hãy thuyết phục người khác khi họ làm tổn hại môi trường hãy lên tiếng khi những tổ chức, doanh nghiệp, chính quyền địa phương có những hành động sai trái, biến những khu rừng thành khu resort, phá hỏng thiên nhiên. Trái đất hay nấm mồ của chúng ta, đó là do con người quyết định.


Kim Yến | THE LEADER | 22/10/2021 | 09:16










bottom of page