top of page

CHƯƠNG 3. ĂN TRỘM

Từ lúc đi ra khỏi lớp bỏ về, anh em tôi đã hiểu là sẽ không có cơ hội quay lại lớp nữa. Mà thật lòng tôi cũng chán ngấy cái lớp học đó rồi, lớp học gì mà suốt ngày chỉ có hát hát múa múa, tập đi tập lại mấy động tác thể dục. Tôi thích đi chơi ở ngoài trời hơn, thích ra cánh đồng bắt cào cào, châu chấu. Tôi cũng thích đi ăn trộm táo ở “Vườn các cụ”. Chả là ở quê tôi có một khu bãi tha ma, có một vài cụ già được phân công trông bãi tha ma, các cụ trồng một vườn táo ở cạnh đó. Thi thoảng các cụ thu hoạch đem bán ra chợ hoặc bà con xã viên làm đồng quanh đó rẽ vào mua. Thu được tiền các cụ cho vào Quỹ hưu trí hay Quỹ chúc thọ gì đó. Tôi đôi lần đi cùng Ngoại vào đó mua táo khi hai bà cháu ra đồng thăm lúa.


Sau khi bị tát và bỏ ra khỏi lớp, chúng tôi vừa đi vừa nghĩ sẽ làm gì cho hết buổi sáng hôm nay, không thể về nhà được vì Ngoại đã khóa cổng đi bán hàng ở chợ rồi. Cũng không thể “bén mảng” đến chợ mặc dù trong lòng tôi rất muốn. Thông thường, đến chợ là anh em tôi sẽ được Ngoại mua cho mỗi đữa một cái bánh rán, hoặc bánh đa, hoặc có thể ăn bún ốc, bánh đúc… Ôi, ôi rất nhiều món, mới nói đến mà hai anh em đã thèm “rỏ dãi” rồi. Nhưng đến chợ thì Ngoại sẽ biết ngay bọn tôi đã bỏ học, và Ngoại sẽ “điều tra” ra ngay anh trai tôi đã “phá hoại” chiếc ghế của nhà trường. Chắc Ngoại sẽ xấu hổ lắm. Rồi chuyện chiếc quần của anh tôi bây giờ còn bị rách đầu gối sau “cú” ngã nữa. Ngoại sẽ giận lắm. Thôi, tìm chỗ nào chơi đã rồi hết giờ học sẽ về nhà giả vờ như vẫn đi học bình thường là tốt nhất. Hai anh em đã thống nhất “chiến thuật” đó và gần như cùng một lúc, cả hai reo lên là nên đến “Vườn các cụ” ăn cắp táo. Tuyệt, vừa được chơi, vừa có cái ăn chứ làm sao chúng tôi sống được đến 3h chiều khi Ngoại đi chợ về mới tạt qua lớp đón chúng tôi. Thật là một “sáng kiến” tuyệt diệu! Hai anh em đi bộ qua cánh đồng, phải mất khá lâu chúng tôi mới tới được “Vườn các cụ”, trời hè cũng nắng ghê gớm mà đường đến đó đi qua cánh đồng hầu như không có một bóng cây.


Đến cổng, chúng tôi “nghe ngóng” thấy không có ai canh cổng, mà cũng không có bác nông dân nào đang cấy lúa cạnh đó cả. Chúng tôi giống như hai thám tử “chuyên nghiệp”, một đứa đứng canh, một đứa trèo lên cổng, rồi sau đó kéo nốt đứa kia trèo lên rồi nhanh chóng lẻn vào vườn cây. Chúng tôi thấy mình thật dũng cảm vì lúc này…chả sợ ma gì cả, những trái táo vàng ươm đã vẫy gọi. Hai đứa ngồi vắt vẻo trên cây ăn thỏa phanh, đến lúc bụng no căng thì mới tranh thủ hái thêm một ít đút vào đầy hết túi quần túi áo rồi mới trèo xuống lẻn ra cổng trèo ra.


Tuyệt! Một ngày thành công quá đỗi, hai anh em đi lang thang ở cánh đồng bắt cào cào châu chấu. Chúng tôi còn ghé vào một ruộng dưa lê vặt trộm 1 trái dưa chia nhau ăn. Ôi chao, ngọt lịm. Không biết vì trái dưa ngọt thật hay vì của “ăn cắp” thì bao giờ cũng ngọt hơn bình thường?


Đến gần 3h chiều chúng tôi đã kéo nhau trở lại gốc đa ở ngã ba từ chợ vào làng và trường mầm non “hợp tác xã”. Chúng tôi muốn đứng đó để “chặn” Ngoại lại và sẽ bịa ra một lí do nào đó muốn chạy ra “đón” Ngoại, nếu không Ngoại sẽ vào lớp đón hai đứa thì mọi chuyện lộ hết. Và như vậy, Ngoại sẽ đưa chúng tôi về nhà đường khác, không đi qua trường nữa. Hic. Thế là “thoát”!

- Trích truyện ngắn “Tuổi thơ ơi, hãy trở lại đi!” -

Photo: Wales Philip Jones Griffiths (1936 –2008)

bottom of page