top of page

CHƯƠNG 4. TRẢ THÙ

Sáng hôm sau thức dậy, hai anh em phải “lập mưu” để bà ngoại không phải đưa hai đứa đến trường nữa, nếu không Ngoại sẽ “phát giác” ra “bí mật” của chúng tôi. Tôi bảo:


“Ngoại ơi, hôm nay Ngoại không phải đưa tụi con đến lớp đâu, con đã hẹn qua nhà thằng Long “cong đuôi” rủ nó cùng đi rồi.“


Thế là Ngoại yên tâm là có thằng con trai “bản xứ” đưa hai đứa “thành phố” chúng tôi đến lớp, mà nó lại là lớp trưởng nên càng “đảm bảo” hơn. Ngoại đi khuất khỏi ngõ, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm. Nhưng hôm nay hai đứa có một “kế hoạch” khác – một “nhiệm vụ tối cao” là phải “trả thù” thằng Hải “kẹo” con trai cô Phong. Thằng này cũng học lớp tôi. Nhưng khác với mẹ nó, thằng này bé như cái kẹo và nhát như thỏ đế. Bọn tôi biết “quy luật” của nó là nó thường đến lớp trễ chứ không đi với mẹ. Vì mẹ nó phải đến lớp dọn dẹp, sửa soạn bài trước, nó thường đến sau, thậm chí nó “cậy” là con giáo viên nên hay đến muộn nhất lớp. Chúng tôi núp vào bụi tre chỗ ngõ nhà nó tiếp giáp với sân kho hợp tác xã. Vừa thấy thằng “kẹo” đến gần tôi lao ra ôm chặt lấy nó, còn anh trai tôi thì xông ra lên gối, đánh đấm nó tụi bụi đến mức nó ôm bụng quằn quại kêu đau. Mãi sau bọn tôi mới tha cho nó. Anh tôi bảo:


“Cho mày chừa cái tội mẹ mày tát tao! Mày mà về mách mẹ mày thì bọn tao càng đánh mày nhiều hơn! Cấm hé mồm đấy!”


Thằng kia lí nhí xin bọn tôi tha cho và hứa sẽ không về mách mẹ.


Trả thù xong, hai anh em tôi lại tiếp tục “công cuộc” ra cánh đồng chơi, ăn cắp táo, nhổ trộm khoai lang cắn vỏ ra ăn tại chỗ… Bao nhiêu trò chơi thật là thú vị và sung sướng. Sao bọn tôi lại không “khám phá” ra “sống như thế này mới là đáng sống chứ? Tại sao phải học hát làm gì? Suốt ngày “lớp chúng mình, rất rất vui” rồi “bay lên nào, em bay lên nào” … Một thế giới vô cùng tuyệt diệu đã mở ra trước mắt hai anh em tôi. Chúng tôi nói với nhau chắc chúng tôi cứ sống như thế này “đến trọn đời” cũng được, không cần đi học, không cần về thành phố với bố mẹ làm gì!


Được mấy tiếng, bọn tôi cũng đã bắt đầu… chán và mệt mỏi với việc cứ lang thang trong trời nắng ở cánh đồng. Ăn trộm hết táo rồi đến dưa lê, đến khoai, đến dưa leo… thế thôi, chả có gì nữa. Đang đúng lúc hai anh em thất thểu đi ở đường giữa cánh đồng thì gặp một bà hàng xóm. Thế là….tiêu rồi, bà ấy sẽ về mách tụi mình là giờ này không đi học mà còn lang thang ở cánh đồng! Đang đau đầu nghĩ “mưu” để “đối phó” với bà ngoại thì bà ngoại xuất hiện lù lù trước mặt. Cả hai anh em giật nảy cả mình, sao bà xuất hiện như … thần thoại vậy. Chả biết ai đã mách tội bọn tôi, bà hàng xóm kia không thể nào chạy ra chợ mách Ngoại tôi nhanh thế được!!!


Ngoại lôi hai đứa thẳng đến trường, rồi đứng ngay trước mặt hai cô với hai “kẻ tội lỗi” hai bên. Nhìn sang thì thấy thằng Hải “kẹo” đang đứng khóc thút thít, chắc là nó đang “mách” tội tụi tôi với mẹ nó. Thế là được dịp, cô Phong “khủng long” “mở máy tuôn” ra một đống “tội trạng” của anh em tôi: nào là làm gãy ghế, nào là trốn học, nào là cãi láo với cô, nào là đánh con cô ấy suýt ngất… (Cô này chuyên nghề phóng đại thôi, tôi tự nghĩ, hai anh em mới đánh nó ôm bụng thôi chứ có thấy suýt ngất đâu???). Bực quá, muốn Ngoại “tiêu diệt” bọn tôi đây! Ngoại tôi vừa xấu hổ, vừa thất vọng về hai “cháu yêu thành phố” của mình quay sang nhìn bọn tôi với ánh mắt… ”thê thảm”. Rồi Ngoại quay lại xin lỗi hai cô giáo rối rít, Ngoại còn bắt tụi tôi khoanh tay xin lỗi hai cô, xin lỗi cái thằng Hải “kẹo” đáng ghét kia nữa. Còn lâu!!! Không đời nào, tôi sẽ không bao giờ xin lỗi hai cô giáo “độc ác” và thằng con trai của cô “Khủng long” kia đâu. Tôi nói to:


“Không, cháu không xin lỗi. Bọn cháu không có lỗi. Lỗi là tại cô Thục và cô Phong bắt anh Kếu phải bê cái ghế băng dài trong khi cả lớp bê ghế tựa thôi. Ghế nặng và dài quá làm anh Kếu mắc vào tường và rơi từ trên tầng 2 xuống chứ. Đúng là cái ghế bị gãy nhưng anh Kếu còn bị xước hết tay chân, rách cả cái quần bố cháu vừa mua cho. Cô Phong không hỏi thăm anh Kếu có bị đau không mà còn tát anh ấy chảy máu mồm!“


Rồi tôi quay sang cô nói tiếp:


“Cô thật là độc ác. Vì vậy, bọn cháu phải trả thù nên mới đánh thằng Hải chứ cháu cũng không ghét nó lắm!”


Khỏi phải nói là cô Phong và cô Thục tức thế nào. Mặt cô Phong tím lại, dần chuyển sang tái mét. Cô không nghĩ là có một đứa ranh con lớp mẫu giáo lớn dám nói như vậy. Cô có thể cũng xấu hổ với Ngoại tôi, với cả các học sinh (không biết có đến mức thế không) và không nói được lời nào. Ngoại quay sang nói với cô Phong một câu rất ngắn gọn:


“Tôi không ngờ cô lại như thế đấy!”


Rồi bà lôi tuột hai đứa về nhà. Thế là từ đó tụi tôi… thất học. Bố mẹ về đón anh trai lên Hà Nội để đưa anh vào lớp 1. Còn tôi vẫn ở lại quê với Ngoại, và lớp học mới của tôi là chợ Váu, nơi Ngoại có một gánh hàng khô ở đó.


(Trích truyện ngắn “Tuổi thơ ơi, hãy trở lại đi!”)

Photo: Wales Philip Jones Griffiths (1936 –2008)



bottom of page