top of page

Tản mạn đầu năm về năng suất lao động của người Việt

Đầu năm mới ở Việt Nam, nói chuyện “Năng suất Lao động” có vẻ hơi lạc điệu vì rất nhiều người còn đang du xuân, đi lễ, hội tới hết tháng Giêng! Nhưng hôm qua đọc báo cáo của World Bank thì thấy lòng chẳng phấn khởi gì, dù sau 10 năm thì năng suất lao động của người Việt mình tăng được 64%. Tuy nhiên, các nước khác trong khu vực người ta cũng tăng, chứ không đứng im đợi anh tăng. Kết cục là NSLĐ tuyệt đối của Việt Nam vẫn còn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực, thấp hơn nhiều so với Philippines dù chúng ta hay nói người Philippines lười, suốt ngày nhảy múa hát ca... Theo Tổ chức Năng suất châu Á (APO), năm 2020, giá trị sản xuất mỗi giờ lao động của người Việt ta chỉ đạt 6,4 USD, so với 14,8 USD ở Thái Lan và 68,5 USD ở Singapore.


Đối với mỗi quốc gia, các start-up với những người làm việc multitasked và nhiệt huyết, sáng tạo, tiết kiệm chi phí, tiết kiệm thời gian, sẽ là nhóm DN quan trọng thúc đẩy tăng trưởng NSLĐ. Vì vậy, từ góc độ mỗi DN, làm sao để giữ được ‘tinh thần start-up’, không ngủ quên, trì trệ, thiếu đổi mới sáng tạo, không có khả năng multitasked và quản trị dự án theo mô hình phẳng? Đó là bài toán của mỗi DN, mỗi cá nhân để cải thiện NSLĐ của chính mình và DN của mình!


Không chỉ NSLĐ cao hơn, ví như Singapore cao gần 11 lần so với Việt Nam, họ lại làm việc nhiều hơn, nghỉ lễ ít hơn. Đơn cử như Tết âm lịch vừa rồi, họ được nghỉ có 1 ngày, mùng 1 và mùng 2 trùng với Thứ 7 và Chủ Nhật, họ chỉ được nghỉ bù có thứ 2 là mùng 3 rồi quay lại đi làm vào mùng 4. Mà các DN đều làm hết 30 Tết (thứ 6) mới được nghỉ. Còn chúng ta, hầu hết các DN nghỉ sau ngày 26 rồi hết mùng 6 đi làm. Cá biệt có DN hoặc/và các cá nhân xin nghỉ luôn hết đến mùng 10 tức thứ 2 tuần tới mới đi làm! Bảo sao không nghèo? Bảo sao thu nhập bình quân đầu người không thấp? Bảo sao không có tích luỹ xã hội để có hạ tầng và dịch vụ công tốt hơn? Vv và vv.


Tất nhiên, sẽ có nhiều ý kiến phê phán chính quyền không có tầm nhìn, không phát triển được các hạ tầng và dịch vụ công quan trọng. Cũng đúng một phần, nhưng không có tích luỹ thì dù giỏi mấy cũng chịu. Cái khó bó cái khôn. Câu chuyện ở đây tôi muốn nói là chuyện giáo dục, cái lỗi của giáo dục không làm cho người ta chăm chỉ lao động, lao động hiệu quả, lao động chính trực, biết lên kế hoạch tích luỹ, dự phòng, đầu tư. Mà chỉ nhăm nhăm học nhiều, học lắm để có nhiều bằng cấp, học hàm, học vị, để có thể “leo lên làm quan”, “ăn trên ngồi chốc” chứ không quan trọng tạo ra các giá trị cho chính mình, cho xã hội và cộng đồng.


Cứ nhìn sang Thuỵ Sỹ, đất nước 13 năm đứng đầu về đổi mới sáng tạo của thế giới và cũng là nước nằm trong top đầu thu nhập bình quân đầu người. Số người trẻ không thi Đại học mà đi học nghề sau khi tốt nghiệp phổ thông, hoặc thậm chí hết cấp 2 đã học trường cấp 3 dạy nghề rất cao. Họ chọn làm thợ giỏi, tạo ra nhiều giá trị thực cho chính mình và xã hội, nên tay nghề cao. Tính đến tháng 2/2022, tỷ lệ thanh niên hiện không có việc làm, giáo dục hoặc đào tạo (NEET) tại Thụy Sĩ là 6,3%. Đây là một trong những tỷ lệ thấp nhất châu Âu, chỉ sau Hà Lan (5,7%).


Còn chúng ta, các nhà máy xí nghiệp tuyển không nổi công nhân. Do không muốn làm nghề “thấp”, do trình độ tay nghềtệ, do thái độ lao động kém… Hồi nhỏ, tôi quan sát công ty may mà mẹ tôi làm giám đốc điều hành, có lúc lên tới 2.500 công nhân, chia làm 4 nhà máy. Nhưng việc tuyển dụng vô cùng khó khăn và khổ cực. Tôi nhớ mẹ tôi cùng các lãnh đạo còn phải đi đến từng xã, huyện của mấy tỉnh gần Hà Nội để thuyết trình, thuyết phục, vận động. Kiểu như “roadshow việc làm” bây giờ ý. Mà có khi cả một địa phương chỉ tuyển được vài người. Rồi hứng lên họ biến mất không lí do, về gặt lúa, về đám giỗ, đám cưới, về abcd… Chưa kể suốt ngày xảy ra đánh nhau, tự đánh nhau rồi đánh nhau với dân địa phương, trộm cắp, cờ bạc, rượu chè… đủ kiểu. Đến nỗi tôi đi du học về là tránh xa các doanh nghiệp có sản xuất quy mô lớn dù có nhiều doanh nghiệp mời do họ biết thời sinh viên ở Việt Nam tôi có rất nhiều kinh nghiệm làm việc thực tế ở các doanh nghiệp sản xuất. Hồi đó, tôi viết báo, đi dịch, hỗ trợ các doanh nghiệp làm việc với các chủ hàng nước ngoài, hoặc thậm chí đi bán các sản phẩm tồn cho họ. Song song, tôi còn đi dạy, mở trung tâm gia sư, trung tâm ngoại ngữ, câu lạc bộ khiêu vũ... Nói chung là làm đủ việc để học, để kiếm tiền, không nề hà bất cứ việc gì cả dù mẹ làm giám đốc.


Đầu năm lại lan man chia sẻ một chút về Năng suất Lao động, nhưng cũng là nhắc nhở bản thân và các DN của chính mình khi đọc được báo cáo này!

Nếu bạn quan tâm chủ đề này, có thể tải báo cáo tại đây: http://wrld.bg/gPqw50QBGvC


Related Posts

See All
bottom of page