top of page

Đi du lịch và công tác có trách nhiệm

Hồi giữa năm, tôi có đi Châu Âu công tác một tháng. Trong thời gian ở đây, tôi cố gắng đi tàu nhiều nhất và hạn chế đi máy bay, phần vì tiện lợi hơn, và quan trọng là GIẢM LƯỢNG CARBON phát thải ra môi trường. Các bạn có biết một chuyến bay dài hơn 8.000 km có thể tạo ra 986 kg CO2/hành khách; con số này với chuyến bay dài 2.000 km là hơn 234kg CO2/hành khách – nhiều hơn mức một người thải ra trong một năm không? Đây là con số từ Atmosfair (Đức) - tổ chức hoạt động vì chất lượng không khí. Chia sẻ thông tin này để mỗi người chúng ta cần cân nhắc rất kĩ mỗi chuyến bay, kể cả công tác hay du lịch.


Tôi nhớ tôi đã từng là kẻ phá môi trường nghiêm trọng khi năm 2012 tôi đã bay gần 200 chuyến, trong đó chủ yếu là sáng bay chiều về ở nội địa Việt Nam và trong khu vực Đông Nam Á. Nếu tính ra con số phát thải thì đúng là thật khổng lồ. Nghĩ lại mà tôi thấy rùng mình, xấu hổ và thật sự tội lỗi. Nhưng cũng may mà có… covid, con người giảm bay lượn, và đặc biệt là quen dần với việc nỗ lực tìm cách giải pháp trực tuyến để giảm thiểu việc đi lại, gặp gỡ trực tiếp, nhất là ở những khoảng cách xa.


Thời gian ở Hội An mấy năm covid khiến tôi lười và ngại bay. Và thói quen đó đã ngấm vào tôi đến mức giờ tôi luôn cân nhắc để tìm giải pháp và cách từ chối mỗi chuyến bay. Rồi bay là quấn, là bọc rất nhiều đồ tặng, biếu…! Cơ man là rác thải ra môi trường. Bảo sao trên thế giới đã có phong trào hạn chế đi lại bằng máy bay & tự hào khi đi tàu. Và thậm chí hãng KLM Royal Dutch Airlines (Hà Lan) có cả chiến dịch “Bay có trách nhiệm” để cổ vũ lối sống này. (Xem link dưới comment).


Vậy trước mỗi kế hoạch đòi hỏi phải bay, hãy đặt câu hỏi rằng chúng ta có nhất thiết phải bay không, có thể đi xe lửa hay tìm cách họp/trao đổi online được không? Và chúng ta sẽ thấy rằng có thể 50% số chuyến bay mà ta dự định đặt vé không thật sự cần thiết!!!


Tuần tới, bạn có cần thiết phải bay không?


bottom of page