top of page

Jang Kều - người đàn bà chống lũ và những chấm xanh hy vọng

Updated: Nov 7, 2021

PNO - Lặng lẽ nổi lên giữa những ngổn ngang, giữa dòng lụt đục ngầu của trận lũ lịch sử 2020 là những chấm xanh thân quen, những ngôi nhà mà Quỹ Sống của Chủ tịch Sống Foundation Phạm Thị Hương Giang (Jang Kều) cùng các đồng nghiệp của mình dựng giúp đồng bào trong nhiều năm qua.

Jang Kều đang chia sẻ về dự án nhà chống lũ tại một sự kiện

Trong 5 năm, dự án nhà chống lũ (NCL) đã huy động được 30 tỷ đồng, xây dựng hơn 700 căn nhà tại 11 tỉnh, thành và bảo vệ 3.500 người dân tại các vùng thiên tai. Chỉ trong một tuần, tới ngày 28/10/2020, quỹ đã gây được 11,8 tỷ đồng và sẽ hỗ trợ xây dựng 262 căn nhà trong thời gian tới.

Hành trình từ hoài nghi đến tin tưởng

Phóng viên: Được bà con gọi trìu mến là “người đàn bà chống lũ”, lúc nào cũng thấy chị tất bật, nhất là bây giờ, khi tất cả đang căng thẳng vì cơn bão số 9… điều chị thấy lo lắng nhất bây giờ là gì?


Jang Kều: Tôi đang rất lo cho con trai và mẹ ở Hội An, tôi phải đi công tác nên không về kịp. Dù hai bà cháu đã được trú ẩn trong căn nhà kiên cố, chuẩn bị đầy đủ dụng cụ ứng phó nhưng nỗi lo vẫn còn.


Tôi cũng lo cho bà con các tỉnh mà cơn bão đi qua, chỉ sợ mọi người chủ quan, cứ bám trụ tại nhà mình, không chịu sơ tán đến nơi an toàn. Các hậu quả của bão Damrey năm 2017 đến nay tôi vẫn còn nhớ rất rõ, không dám tưởng tượng điều gì có thể xảy ra.


* Rất nhiều ý kiến trái ngược về chuyện miền Trung lũ lụt có phải do thủy điện, ý kiến của chị thế nào?


- Tôi nghĩ có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lũ lụt ở miền Trung với đặc điểm và cường độ như thời gian qua. Nhưng, ở đây tôi muốn nhấn mạnh các nguyên nhân đến từ con người. Có ba nguyên nhân chính gồm: biến đổi khí hậu (tình trạng nóng lên toàn cầu do các hoạt động của con người), phá rừng, xây dựng thủy điện.


Tối 28/10, hai vụ sạt lở ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam gây thiệt hại về người quá khủng khiếp một lần nữa. Vấn nạn phá rừng và xây dựng thủy điện cóc, cần được đặt ra. Phá rừng và xây thủy điện cóc đã gần như triệt tiêu khả năng giữ đất, giữ nước, giảm thiểu tác động thiên tai của rừng.


Ở miền Trung, do đặc điểm địa hình đặc biệt, khá nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đã cảnh báo không nên xây dựng nhiều nhà thủy điện cóc. Hậu quả thế nào thì chúng ta đã biết. Theo tôi, mọi dự án cần phải nghiên cứu kỹ, nếu không sẽ lợi bất cập hại.

Một trong số 11 mô hình nhà chống lũ

* Có thể thấy dự án NCL chọn khá chính xác, đó là xây NCL cho bà con, với những mô hình đa dạng, thích hợp với nhiều địa hình, chứng tỏ sự nghiên cứu kỹ càng, cẩn thận. Trong đợt lũ vừa qua, những chấm xanh “nhô” lên giữa dòng lũ khiến bao người từ hoài nghi đã trở nên tin tưởng hoàn toàn...


- Tôi cảm thấy biết ơn. Biết ơn vì nhờ có nhà an toàn mà bà con đã đỡ vất vả, đỡ thiệt hại trong bão lũ. Biết ơn những người đã tin tưởng, đồng hành và hỗ trợ NCL suốt bao năm qua.


Đường chúng tôi đang đi sẽ còn dài và nhiều gian nan, tôi và anh em không thể dành tâm sức cho những người hoài nghi mình. Song, chúng tôi mong chờ những phản biện, đóng góp vì điều này giúp chúng tôi ngày một tốt hơn.


Công tác phòng - chống thiên tai còn nhiều lỗ hổng


* Vừa rồi chị có kêu gọi mọi người ủng hộ những cọc neo nhà chất lượng tốt cho bà con. Cởi mở, công khai các cách làm nhà cũng là một cách giúp bà con đối đầu với lũ hiệu quả?


- Vâng, bộ neo có chiều dài dây cáp 25m sẽ giúp bà con ứng phó với mực nước lũ cao, nó có năm điểm góp phần giúp ngôi nhà cân bằng tốt hơn. Bà con sẽ chủ động cuốn - nhả neo tùy theo mực nước lũ lên hay rút.


Hiện nay, tại xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, bà con đã chủ động làm nhà phao cho mình rất nhiều, không ít hộ tham khảo các mô hình NCL đã thực hiện tại đây. Sắp tới, NCL sẽ khảo sát lại toàn bộ xã và hỗ trợ các gia đình chưa có bộ neo.

* Được biết vừa rồi chị có đề nghị điều chỉnh ba nội dung chính trong Luật Bảo vệ môi trường. Đó là những nội dung gì?


- Với các nguyên nhân gây ra tình trạng lũ lụt ở miền Trung trao đổi ở trên, tôi đã đề nghị điều chỉnh ba nội dung chính trong Luật Bảo vệ môi trường là: đưa nội dung thiên tai và biến đổi khí hậu vào Báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM), phải công khai Báo cáo ĐTM (hiện tại các ĐTM không được công khai), phải nghiêm túc và minh bạch lấy ý kiến của nhóm người dân chịu tác động (hiện tại có lấy nhưng chỉ làm theo kiểu hình thức).


* Luôn nhắc nhở đi làm từ thiện phải có trái tim nóng và cái đầu lạnh, chị đánh giá thế nào về sự kiện Thủy Tiên và nguyên tắc của Sống Foundation?


- Cá nhân tôi xin không bàn đến “sự kiện Thủy Tiên”. Ở Việt Nam, công tác liên quan đến phòng, chống thiên tai (quy trình giảm nhẹ - phòng ngừa - ứng phó - phục hồi) còn nhiều lỗ hổng. Do vậy, các cá nhân, tổ chức dân sự đang nỗ lực tham gia vào quá trình “vá lỗ” này. Thủy Tiên hay Quỹ Sống cũng đang làm những việc mình có thể làm mà nhà nước chưa làm tới hoặc làm không hết. Mỗi cá nhân và tổ chức sẽ chọn một cách thức, phương pháp làm khác nhau.


Tôi phải nhấn mạnh rằng Quỹ Sống không phải đơn vị thiện nguyện, mà là một tổ chức phát triển cộng đồng lâu dài, hướng về những giá trị bền vững.


Đối với Sống, chúng tôi chọn chú trọng vào các hoạt động liên quan đến giảm nhẹ/phòng ngừa/phục hồi như xây nhà an toàn, cải tạo làng tái định cư và trồng rừng. Những hoạt động này cần nghiên cứu kỹ lưỡng và theo đuổi lâu dài.

Đặc biệt, chúng tôi chú trọng vào phương pháp thúc đẩy sự tham gia. Các bên liên quan như người hưởng lợi, chính quyền, các nhà chuyên môn đều cần tham gia tích cực vào quá trình dự án.


Như vậy, người dân là nhân tố chính để tạo nên một ngôi nhà an toàn cho chính mình, để kết quả của dự án không chỉ là một ngôi nhà mà là một đời sống trong ngôi nhà và những con người làm chủ hơn trong việc ứng phó với thiên tai và cả các vấn đề khác trong cuộc sống của họ.


Đã đến lúc nghĩ đến tận gốc vấn đề


* Giờ đây, không chỉ là những ngôi NCL mà phải nghĩ tới tận gốc vấn đề. Những chuyến khảo sát trồng rừng trong dự án Forest Symphony của Sống Foundation hiện giờ có khả quan không, bởi rất nhiều người bi quan cho rằng, trồng rừng rồi ai bảo vệ rừng, rồi người ta lại phá rừng?


- Trồng rừng là một việc khó, cần nhiều kiến thức cũng như sự kiên nhẫn. Năm nay, chúng tôi gặp nhiều thách thức khi thời tiết quá khắc nghiệt, La Nina trở lại và dự báo nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan có thể diễn ra tại khu vực dự kiến trồng cây. Với các trở ngại về thời tiết đang được dự báo, chúng tôi cũng thay đổi chiến lược, đẩy việc triển khai các biện pháp bảo vệ như làm hàng rào, lắp đặt trạm quan trắc tại khu vực trồng trước và mùa vụ trồng rừng sắp tới để khi nước ngọt về, sẽ triển khai trồng.


Việc có kế hoạch chăm sóc và bảo vệ rừng là rất quan trọng sau khi trồng. Các địa điểm Quỹ Sống trồng rừng đều phải nằm ở điểm được quy hoạch trồng rừng và được các cơ quan chuyên môn bảo vệ nghiêm ngặt. Sau khi trồng, chúng tôi cũng duy trì việc chăm sóc và bảo vệ rừng trong vòng bốn năm, sau đó bàn giao cho cơ quan chuyên môn đảm trách với sự đồng giám sát của quỹ.


Đặc biệt, chúng tôi chú trọng vào phương pháp thúc đẩy sự tham gia. Các bên liên quan như người hưởng lợi, chính quyền, các nhà chuyên môn đều cần tham gia tích cực vào quá trình dự án.


Như vậy, người dân là nhân tố chính để tạo nên một ngôi nhà an toàn cho chính mình, để kết quả của dự án không chỉ là một ngôi nhà mà là một đời sống trong ngôi nhà và những con người làm chủ hơn trong việc ứng phó với thiên tai và cả các vấn đề khác trong cuộc sống của họ.

* Sau miền Trung, vùng đất nào sẽ được Sống Foundation chọn làm vùng trọng điểm để thực hiện các dự án của mình?


- Với chương trình NCL, chúng tôi vẫn tiếp tục triển khai xây nhà an toàn ở các tỉnh gặp nhiều thiên tai, trọng tâm vẫn là miền Trung, sau đó là miền Tây. Song song, chúng tôi nghiên cứu xây dựng các Làng Hạnh phúc. Chương trình hạnh phúc xanh với dự án Forest Symphony sẽ triển khai việc trồng rừng ngập mặn ở miền Tây và nghiên cứu trồng rừng đầu nguồn tại Tây Nguyên, các khu vực khô hạn như Ninh Thuận.


* Có bao giờ chị thấy mình bất lực khi bị hiểu lầm hoặc điều tiếng khiến chị muốn rời bỏ những việc mình đang làm để chọn một cách khác nhẹ nhàng hơn?


- Không! Tôi biết mình đang làm gì.


* Được biết chương trình nghệ thuật gây quỹ diễn ra ngày 30/10/2020 tại Nhà hát VOH quy tụ nhiều nghệ sĩ như Đức Huy, Quang Linh, Phi Nhung, Thu Phương, Mỹ Lệ, Mỹ Linh, Đức Tuấn, Hiền Thục... với cái tên Lũ ơi, chào mi! có vẻ như một sự tự tin chắc chắn của NCL?


- Tin chứ. Tình yêu thương và sự sẻ chia luôn có sức mạnh rất lớn.


Codet Hanoi - Báo Phụ Nữ | 02/11/2020 | 13:39

bottom of page