Hôm trước, tôi có gặp một giáo sư người Việt, dạy tại trường NUS. Chị hỏi thăm xem tôi đã làm xong các thủ tục xác nhận bằng cấp với trường đại học cũ của tôi ở Việt Nam chưa. Vì chị đọc thấy mấy status của tôi vì "kiếp nạn" này và cũng nghe quá nhiều người bạn Việt Nam chia sẻ về các loại thủ tục hành chính ở các trường Đại Học ở Việt Nam. Cứ nghĩ môi trường Đại Học là chiếc cổng tiếp nhận tri thức, sự văn minh, công nghệ thì sẽ chuyên nghiệp, hiệu quả và nhân văn nhất, nhưng không ...
Rồi chúng tôi tiếp tục chuyện trò về chủ đề giáo dục. Chị kể đợt vừa rồi, có một khoa của NUS liên hệ các trường ở Việt Nam cho các bạn sinh viên qua trao đổi, học tập. Tuy nhiên, cũng như câu chuyện tôi kể về việc xác nhận bằng cấp, họ chỉ nhận được sự im lặng không hồi kết của tất cả các trường dù họ đã tìm đủ loại email được công bố trên các trang web chính thức. Chỉ một trường duy nhất đã trả lời họ: đó là VinUni!
Không những thế, họ chia sẻ VinUni đã rất nhanh chóng, tích cực trong việc trao đổi thông tin, kết nối sắp xếp để phối hợp tổ chức với NUS cho chuyến đi exchange đó cho sinh viên NUS. Cũng phải nói thêm rằng, các sinh viên NUS sang Việt Nam là phải đóng tiền đầy đủ và chịu mọi chi phí phát sinh chứ không có cần các trường Việt Nam phải trả một khoản phí nào. Thế nhưng các trường Đại Học ở Việt Nam, trừ VinUni, đã không trả lời họ!
Các câu hỏi có thể được đặt ra là:
1) Các trường Đại Học Việt Nam có nhận được email hay không?
2) Các địa chỉ email công bố trên website chính thức của các trường có được cập nhật không?
3) Có ai/bộ phận nào phụ trách việc trả lời các email liên hệ đó không?
4) Có người phụ trách trả lời, nhưng nội dung liên hệ của NUS khó trả lời quá hoặc cần nhiều thời gian để tìm phương án?
5) Có thể chưa có phương án trả lời thì tại sao không email rằng "Chúng tôi đã nhận được email của quý Trường. Chúng tôi đang trao đổi với các bộ phận có liên quan rồi sẽ phúc đáp sớm nhất" vv và vv
Đó là vài câu hỏi rất abc mà mấy bạn trực page bán hàng online luôn phải xử lý, và dễ dàng xử lý, chứ chưa nói đến một trường Đại Học. Để thấy, có thể chỉ là những việc rất nhỏ, sẽ ảnh hưởng đến công việc, khả năng hợp tác và uy tín của một đơn vị giáo dục nói riêng, và một doanh nghiệp nói chung như thế nào! Và với việc này, VinUni đã làm rất tốt. Nên tôi sẽ không ngạc nhiên khi ngôi trường này được vinh danh là Trường Đại Học trẻ nhất có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới! Và tôi chúc mừng VinUni và hệ thống giáo dục mà VinGroup đầu tư.
Rất nhiều bạn rất nông cạn cho rằng giới tri thức, đặc biệt là những người yêu Môi Trường và Di Sản chúng tôi, là những người "có định kiến với Vin, nghe thấy gì của Vin cũng chê, không công nhận vai trò của Vin trong nền kinh tế". Ủa alô, đã là một tri thức tử tế, có trách nhiệm với cuộc sống của chính mình, của cộng đồng và nhân loại, thì thấy cái gì sai, chưa hợp lý, chưa toàn diện cần lên tiếng! Tại sao ư, vì VinGroup là một tập đoàn lớn, có thể gọi là lớn nhất Việt Nam! Vì vậy, mọi quyết định, dự án của họ đều có thể tạo ra các tác động lớn đến kinh tế, môi trường, văn hoá, chính trị, xã hội. Chúng tôi lên tiếng là tập trung vào Vấn Đề chưa toàn diện, vào các dự án chưa tính toán đến các tác động xấu và lâu dài tới môi trường, chứ không phải tấn công Vin và càng không phải là nhằm vào các cơ quan quản lý Nhà Nước. Hãy tách biệt!
Vin đầu tư vào xe điện. Quá tốt mà! Đương nhiên nếu đi vào tận cùng của vấn đề thì có người sẽ phân tích xe điện chưa hẳn đã tốt, có nhiều vấn đề tác động lâu dài như xử lý pin như thế nào ... Vin đầu tư vào Taxi Xanh. Cũng tốt! Dù có nhiều người sẽ mỉa mai kiểu "ui, không bán được xe thì đành phải đẻ ra hãng taxi thôi". Ôi, thì sao, của nhà người ta, người ta không dùng việc này thì dùng cho việc khác. Đó là bài toán kinh tế của họ mà!
Tôi thì chỉ băn khoăn về góc độ thương hiệu, bởi đó là chuyên môn của mình. Vì khi số lượng xe của Vin bán ra ngoài thị trường rất ít, mà chỉ thấy nhan nhản xe taxi mang nhãn hiệu VinFast, thì thương hiệu này sẽ bị associated (liên tưởng tới) sang chỉ là dành cho taxi, mà taxi thì cơ bản là kém sang ở Việt Nam. Tất nhiên là cũng có cách xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm - dịch vụ và thương hiệu cho Taxi Xanh để vừa tốt cho hãng này, vừa tốt cho thương hiệu của VinFast.
Tôi nhớ hồi VinSchool có một scandal do việc tăng học phí và ép đưa các học sinh sang cơ sở mới của trường ở một khu đô thị mới, hơi xa trung tâm. Tôi cũng có viết một bài về hệ thống giáo dục này, nhìn từ góc độ thương hiệu. Và tôi luôn viết với tâm thế xây dựng bởi tôi luôn ủng hộ các tập đoàn lớn, có tiềm lực, đầu tư cho giáo dục. Chỉ có giáo dục mới giúp cho đất nước đi lên. Và cách tốt nhất để phá hoại một đất nước cũng chỉ cần thông qua giáo dục! Như Nielson Mandela đã nói: "Education is the most powerful weapon which you can use to change the world". Và ông cũng nói "No country can really develop unless its citizens are educated.”
Khi phát triển mô hình giá trị của Quỹ Sống, tôi cũng đã nêu ra mô hình tam giác cân trong đó đỉnh của tam giác là Creativity (Sáng tạo), đáy của tam giác là Humanity (Nhân văn) và chiều cao của tam giác là Sustainability (Bền vững). Mà Sáng tạo, hay Nhân văn chỉ có nhờ Giáo dục mà có. Từ đó mới có thể tạo ra sự Phát triển Bền vững được. Và mô hình Phát triển của Sống, tôi cũng vẽ mô hình tháp với 3 tầng: 1) Đáy là các giá trị vật chất cơ bản - Chương trình Nhà Chống Lũ, hướng về Cộng đồng Bền vững, là nhà an toàn, là làng hạnh phúc. 2) Tầng giữa hướng về Môi trường Bền vững - Chương trình Hạnh Phúc Xanh, là trồng rừng là tạo ra nhiều mảng xanh có ý nghĩa ở đô thị, là các trường học hạnh phúc xanh. 3) Tầng trên cùng, và là mục tiêu hướng tới, đó là Con người Bền vững - Chương trình River Ơi, thúc đẩy việc nâng cao nhận thức của con người về giá trị và tầm quan trọng của Thiên Nhiên, của sự Phát triển Bền Vững, hài hoà cả 3 yếu tố Con Người - Thiên Nhiên - Văn Hoá.
Chính vì vậy, tôi nghĩ, cái đích của cuộc đời mình, sẽ là làm về Giáo Dục, là hướng tới Con Người. Chính vì vậy, tôi mong muốn đất nước mình sẽ có chính sách ưu tiên, tập trung cho Giáo dục, cho Văn Hoá. Nếu được chọn các thứ tự ưu tiên để phát triển Việt Nam, với tôi sẽ là: Giáo Dục, Môi Trường, Giao Thông. Tất nhiên là với giao thông, thì cần những nhà quy hoạch giỏi, nhìn đất nước ít nhất là 50 năm, 100 năm chứ không phải tủn mủn, sửa chỗ nọ, nắn chỗ kia, uốn cong chỗ khác như hiện tại. Về topic này, khi có thời gian, tôi sẽ viết một bài tập trung và phân tích kĩ càng hơn.
Quay trở lại câu chuyện của VinUni và các trường đại học ở Việt Nam. Tôi rất vui và chúc mừng VinUni với những thành tựu đã đạt được chỉ trong một thời gian ngắn. Tôi cũng chúc và mong họ, sau khi nhanh chóng tạo được nền tảng và thanh danh, cần tập trung phát triển theo chiều sâu để có nhiều chương trình học được xây dựng chỉn chu, khoa học, bài bản. Bởi giáo dục, khoa học cần nền tảng vững vàng, được cặm cụi vun đắp từ nhiều thế hệ giảng viên, sinh viên của trường. Và trước tiên là từ Tầm nhìn, Sứ mệnh, các Giá trị Nền tảng và sự Khác biệt hoá mà những nhà đầu tư quyết định xây dựng cho thương hiệu này dựa trên Năng lực Cốt lõi của họ. Kế đến là đội ngũ quản lý của nhà trường. Cũng như Y Tế, Giáo Dục cần được chuyên nghiệp hoá và phân biệt rõ ràng 2 vai trò: Quản lý và Chuyên Môn. Chúng ta cần những nhà chuyên môn giỏi, bác sỹ giỏi, giảng viên giỏi. Và chúng ta cần các nhà quản lý chuyên nghiệp, bài bản giỏi, không cần và không nên là được kiêm nhiệm hay chuyển sang từ những người có chuyên môn xuất sắc.
Hôm nay, tôi cũng sẽ gặp gỡ các tổ chức và trường Đại Học tại Paris. Tôi rất mong muốn được học hỏi từ nền giáo dục đứng thứ 6 thế giới này (số liệu 2023). Và với tôi, tuy họ không thuộc top 5 nền giáo dục đứng đầu như Hoa Kỳ, Anh, Úc, Hà Lan, Thuỵ Điển, nhưng Pháp đã tạo nên một nền tảng giáo dục về chính trị, khoa học, nghệ thuật, pháp luật đỉnh cao, mà đó là những gì nhân loại vươn tới.
JK, 26/9/2024
P/S: Khen VinUni mà tôi chê cái thiết kế kiến trúc của trường, rất sao chép, không có một nét gì đặc sắc, sáng tạo và có "tinh thần Việt Nam" như VinGroup thường hay thúc đẩy!
Bài viết về VinSchool: https://www.facebook.com/share/p/HkQbqUZxfkpRmvKf/?
Bài viết về VinFast: https://www.facebook.com/share/p/LYugymhoZ6DY9uFM/?
Comentários