top of page

Khóc thời thổ tả hay là “Bên ni Bên nớ”?

Updated: Aug 15, 2022

Đây là tác phẩm “Bên ni bên nớ” mà mình sưu tập khoảng 6-7 năm rồi. Nó khiến mình nghĩ đến hiện trạng xã hội hiện tại: bạn ở “bên ni” hay “bên nớ”? bạn ủng hộ việc gìn giữ di sản thiên nhiên - di sản văn hoá, hay bạn ủng hộ việc “phân lô hoá” đất nước (được bọc bằng những cụm từ mĩ miều như “đô thị hoá”, “công nghiệp hoá”, “hiện đại hoá” …)? Những viên đạn được bọc đường dưới hình thức “những đại đô thị”, “đô thị sinh thái”, “du lịch tâm linh”, “cáp treo”, “nhà hát giao hưởng”, “trung tâm nghệ thuật đương đại”… nhiều nhiều lắm! Cái gì cũng đem lại “công ăn việc làm, nâng cao đời sống của người dân, mang đến các món ăn tinh thần, thúc đẩy nghệ thuật phát triển…”!


Mình kể chuyện một tập đoàn nọ, họ quyết định làm một trung tâm nghệ thuật đương đại hoành tráng, dưới… lòng đất và mời rất nhiều những người bạn có tài của mình, những nghệ sỹ lớn đến hợp tác. Tất nhiên là có rất nhiều người từ chối, và cũng có không ít người hăm hở gia nhập, háo hức đóng góp hết sức mình vì tin vào “viên đạn bọc đường” đó của họ. Tại sao tôi gọi đó là “viên đạn bọc đường”? Vì tôi chỉ nghĩ đơn giản thế này: nếu họ thực tâm muốn làm một trung tâm nghệ thuật đương đại, hay một bảo tàng, muốn đóng góp thật sự, bài bản và bền vững cho việc phát triển nghệ thuật, họ sẽ không tiếc gì một mặt bằng tầng trệt của một trong những toà nhà, trung tâm thương mại, hay resort gì đó của họ. Họ sở hữu quá nhiều những địa điểm như thế, họ có rất nhiều tiền từ thiện, xây hàng chục, hàng trăm ngôi chùa cơ mà. Họ và cả chúng ta, ai cũng biết tất cả các bảo tàng, các trung tâm nghệ thuật trên thế giới đều không có cái nào nào ở … dưới lòng đất cả. Chẳng qua là cái tầng hầm của khu đô thị đó, họ định làm shopping mall, ế ẩm quá! Họ còn đề nghị cả một công ty event của mình nghĩ ra chương trình để thu hút khách cho họ mà bọn mình từ chối. Cũng có mấy công ty đến làm, mà thất bại. Nên là cái hầm bỏ không. Thế là đột nhiên mọc ra … một trung tâm nghệ thuật đương đại, vừa khuếch trương thanh thế, vừa đỡ… bỏ hoang cái hầm. Khách đi xem nghệ thuật thường xuyên gặp 500 bà giúp việc quần xắn móng lợn đi chợ dưới siêu thị sát bên cạnh, có người thì bế trẻ cho xuống trung tâm nghệ thuật để cho ăn, vừa mát, vừa vui mắt. Nghệ thuật…cho…mọi nhà, mọi lứa tuổi, dù người thì hí hửng xem, kẻ thì mếu máo vì vừa bị nhét cơm, nhét cháo vào miệng vừa nhìn, mà nước mắt giàn giụa ;))) Ấy là còn chưa kể đến các dự án phá di sản thiên nhiên, mang động vật hoang dã về nhốt lại gây bức xúc bao nhà môi trường, nhà hoạt động xã hội, chuyên gia kinh tế, quy hoạch, bảo tồn, kiến trúc…và đông đảo những người yêu thiên nhiên, văn hoá!


Rồi có tập đoàn khác, họ bảo họ đầu tư và ủng hộ các loại hình nghệ thuật cao cấp, lập hẳn dàn nhạc giao hưởng, xây nhà hát, rồi còn làm quỹ hỗ trợ các nghệ sỹ đương đại, ra mắt triển lãm tranh rầm rầm, cũng kéo được khá nhiều nghệ sỹ nô nức tham gia. Nhiều nghệ sỹ bạn mình, và cả những người yêu nghệ thuật nói chung, cả âm nhạc, cả mỹ thuật, hi vọng và tin tưởng lắm. Đấy, họ còn chuẩn bị xây nhà hát opera nữa đấy, xịn không? Tập đoàn này thật cao quý, hàn lâm, họ sẽ nâng-tầm-nghệ-thuật cho cái xứ sở này! Tất nhiên là họ còn đóng góp cho sự “phát triển” của Phật Giáo bằng việc xây rất nhiều công trình chùa chiền, làm rất nhiều cái cáp treo hoành tráng đưa công chúng lũ lượt đi lễ Phật… Rất nhiều, rất nhiều cái những đóng góp vĩ đại của họ vào công cuộc “chấn hưng và nâng tầm văn hoá” của đất nước… Thế mà, có những công trình của họ rõ ràng là phá di sản thiên nhiên, nào rừng quốc gia, nào núi, nào hồ… các tri thức, các nhà khoa học, nhà báo lên tiếng góp ý, kiến nghị, rất bài bản, khoa học, khách quan. Thì lần lượt bị report, bị locked, bị disabled, bị đánh sập FB, bị đuổi ra khỏi tờ báo, bị đuổi ra khỏi nơi sinh sống và kinh doanh, bị thuê côn đồ hành hung, đe doạ… Ôi, thật là…văn hoá…cao quá!!!


Nhưng các tập đoàn kiểu như tôi vừa kể, vừa đông, vừa mạnh. Họ làm xã hội bị phân hoá, nhiều người (mà tôi chỉ nói đến những người hiểu biết thôi đấy) không biết đứng ở “bên ni”, hay “bên nớ”. Nhất là những người từ xưa vốn được nhiều bổng lộc, cơ hội làm ăn, công việc từ hoặc có liên quan đến các tập đoàn này. Nhà báo, nhà thơ, ca sỹ, nhạc sỹ, hoạ sỹ, giám tuyển, nhà quy hoạch, kiến trúc sư, nhà khoa học, nhà giáo dục, chuyên gia môi trường (chuyên đánh giá tác động môi trường rởm), công ty sự kiện, công ty xây dựng, cung cấp cây xanh, cung cấp trang thiết bị, người được mua nhà cửa, xe cộ giá rẻ, người được thẻ nghỉ dưỡng miễn phí… vân vân và mây mây! Tất cả bị phân hoá ra thành “bên ni” hoặc “bên nớ” hoặc lửng lửng lơ lơ không biết đứng bên nào, thôi thì đợi bên nào to mồm hơn thì theo.


Thế đấy. Đất nước của tôi, xã hội tôi đang sống bị “bên ni bên nớ” như thế. Mà ví von kiểu này tôi thấy mình cần phải xin lỗi nhạc sỹ Phạm Duy, xin lỗi hoạ sỹ Dương Thuỳ Dương, vì nó không đúng tinh thần trong các tác phẩm cùng tên của họ. Thôi phải ngưng “khóc” để ngân nga những câu hát:


“…Em ơi ngoài kia liếp ngỏ

Sương rơi ngoài song khép hở

Bên trong kín gió ấm ơi là tình.”


- JK, 9/8/2022 -



Related Posts

See All

Comments


bottom of page