top of page

Lần cuối được nắm tay bà ngoại

Tôi không có may mắn được gặp Bà Nội vì Bà đã mất trước khi tôi ra đời. Nhưng tôi lại được gắn bó với Bà Ngoại ngay từ sau khi sinh ra vì đã được gia đình đưa về quê ngoại sơ tán, gửi Bà Ngoại chăm sóc do khi ấy Trung Quốc đang tấn công vào biên giới phía Bắc và ga Yên Viên nơi nhà tôi sống là một trong những mục tiêu quan trọng. Và cũng chính vì cái lí do sơ tán nghe có vẻ không may mắn đó mà tôi đã trở thành đứa trẻ may mắn nhất, hạnh phúc nhất vì tôi đã có Người Mẹ thứ 2, người Thầy, người bạn thân là Bà Ngoại từ khi ấy.

Tôi được sống cùng Bà từ đó cho đến khi 5 tuổi trở về nhà mình ở Hà Nội. Nhưng tất cả những ngày nghỉ cuối tuần, những kỳ nghỉ hè (thời đó là cả 3 tháng hè), nghỉ Tết, nghỉ gì gì tôi cũng về với Bà. Bà sống một mình với một sạp hàng xén nhỏ ở quê cho đến năm tôi học năm 2 đại học, có thể kiếm ra khá nhiều tiền từ việc đi dạy và mở các trung tâm gia sư, ngoại ngữ, khiêu vũ... Và từ đó, Bà lên Hà Nội sống cùng gia đình tôi và trở thành...”Hiệu trưởng” phụ trách các trung tâm và các lớp tôi dạy. Năm ấy Bà 75 tuổi.

Ngay từ khi tôi còn rất bé, Bà luôn khuyến khích tôi học mọi thứ, chơi tất cả các môn từ nghệ thuật đến thể thao, từ những môn chính thống, dịu dàng đến tất cả các trò chơi nghịch ngợm của bọn con trai. Và Bà Ngoại luôn là nhà tài trợ, nhà đầu tư cho tất cả những mong muốn và ước mơ học hỏi của hai đứa cháu ngoại là tôi và anh trai. Bà cho chúng tôi tiền đi học bóng bàn, vẽ, khiêu vũ, học thêm nhiều ngoại ngữ, đi du lịch nhiều, chơi guitar... Bà cũng là người tặng tôi cây đàn guitar đầu tiên vào năm thứ nhất, và tặng anh trai tôi chiếc xe cuốc cho ....ra dáng sinh viên Mỹ thuật. Bà ủng hộ và khuyến khích anh em tôi khiêu vũ ở nhà...thay cho tập thể dục vì...khiêu vũ thú vị hơn vì có âm nhạc, dù bố mẹ tôi khi ấy có vẻ không hài lòng cho lắm.

Rồi Bà luôn bên tôi ở tất cả những giai đoạn khó khăn, gian khó nhất của những ngày đầu lập nghiệp, đặc biệt là từ khi tôi đi học cao học về nước. Tôi đi đâu, Bà theo đấy! Tôi ở đâu, Bà ở đấy! Mấy năm liền Bà sống cùng anh em tôi khi hai anh em thuê nhà ở riêng, chứ không ở cùng bố mẹ tôi! Cả khi tôi lập gia đình, Bà cũng đi theo để chăm sóc cho cháu gái. Và khi Taka con trai tôi ra đời, chàng đã gần như là được “chiếm sóng” của Bà. Bà chăm sóc Taka từng li từng tí dù con trai tôi từ khi 2 tuổi đã mắc chứng tự kỷ, việc chăm sóc khó khăn hơn những đứa trẻ khác rất nhiều. Nhưng bà là người duy nhất luôn kiên nhẫn, yêu thương và “hoà mình” cùng Taka trong mọi hoạt động dù ở bên ngoài mọi người có thể cho là những hoạt động buồn cười, ngây ngô hoặc thậm chí là vớ vẩn của một-đứa-bé-không-bình-thường. Với Bà, mọi thứ Taka làm đều có lí do, và chỉ có những người lớn xung quanh mới có vấn đề và cần thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá, đòi hỏi của mình, thay đổi hành động, tôn trọng Taka. Và sau này, khi tôi đã hiểu biết và học được những bài học trong quá trình nuôi dạy con, thì hoá ra Bà Ngoại tôi đã đúng! Đúng từ góc nhìn, từ cách nhìn, từ phương pháp, cách tiếp cận. Những gì tôi học về các phương pháp, các trường phái chăm sóc, nuôi dạy các bé đặc biệt đều không đúng bằng phương-pháp-từ-trái-tim-của-Bà-Ngoại!

Bà đã xa tôi và gia đình được 6 năm rồi! Ngày hôm nay 20/10, tôi không được ôm chặt Bà, dụi đầu vào ngực Bà, hay không được gọi điện thoại cho Bà mình. Tôi nhớ mãi những giây phút cuối được nắm tay Bà ở bệnh viện... Tôi chỉ được gửi quà, gửi ecard rồi gọi điện chúc mừng Mẹ - người đã trở thành Bà Ngoại và đang chăm sóc con trai của tôi ở Hội An!


❤️ Xin tri ân và biết ơn Bà Ngoại, biết ơn Mẹ vì đã sinh ra, chăm sóc và nuôi nấng con và anh Kếu. Con yêu Bà, yêu Mẹ rất nhiều!


Nhân ngày này, xin gửi lời cám ơn những Cô Giáo của tôi và con trai tôi - những người thầy, người Mẹ tuyệt vời! Cám ơn các Cô nhiều lắm!


Bạn đã tặng quà hay gọi điện cho Bà, cho Mẹ mình chưa?


- JK, 20/10/2020 -


bottom of page