top of page

Mắt bão & sự lựa chọn

Updated: Aug 15, 2022

Bắt đầu từ cuối năm 2019, cơn bão covid đã càn quét toàn thế giới khiến cho mỗi cá nhân, gia đình, mỗi doanh nghiệp, tổ chức, và cả từng quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Có tới hơn 6 triệu người chết trong tổng số hơn 477 triệu người bị nhiễm bệnh theo con số của ngày hôm qua 25 tháng 3 năm 2022 (1). Hàng chục triệu doanh nghiệp giải thể hoặc phá sản. Chỉ riêng Việt Nam, trong năm 2021 đã có 119,8 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 17,8% so với năm 2020. Bình quân một tháng có gần 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường do không thể “cầm cự” trước sự tàn khốc của đại dịch Covid-19 (2). Có nghĩa là, bên cạnh số người đã chết, còn vô số người bị các bệnh di chứng do covid, trong đó có các chứng bệnh về tâm thần, một số do sức khoẻ giảm sút sau khi mắc covid, số khác bị ảnh hưởng do công việc sa sút, thua lỗ, mất việc…


Những năm gần đây, khoảng 30% dân số Việt Nam mắc các bệnh trầm cảm và rối loạn tâm thần (4). Mỗi năm, có trung bình 40.000 người tự tử vì bệnh trầm cảm (5). Kết quả phân tích 66 nghiên cứu trên thế giới cho thấy tỷ lệ hiện mắc các rối loạn tâm thần trong đại dịch COVID-19 gia tăng đáng kể như tỷ lệ mắc rối loạn trầm cảm (31,4%), rối loạn lo âu (31,9%) và rối loạn giấc ngủ (41,1%). Cứ 4 người có 1 người có vấn đề về sức khỏe tâm thần (6). Vậy là Việt Nam đã có là hàng trăm ngàn người sống trong các gia đình có người bệnh trầm cảm bị ảnh hưởng. Gia đình của những người mắc bệnh tâm thần nặng thường có cảm giác bất lực, thất vọng, mất mát, mặc cảm và mệt mỏi. Chính họ cũng cần những trợ giúp về mặt tinh thần. Các doanh nghiệp, tổ chức có nhân viên mắc các chứng bệnh này cũng bị ảnh hưởng hiệu quả công việc do thiếu nhân sự, liên tục chịu áp lực tuyển dụng, đồng nghiệp của các bệnh nhân trầm cảm hoặc rối loạn tâm thần dễ bị ảnh hưởng tâm lý dẫn đến tinh thần làm việc sa sút, không tập trung, lo lắng, trì trệ.


Covid là một cơn bão lớn!


Đó là chưa nói đến cơn bão chiến tranh!


Sự hỗn loạn trên phạm vi toàn cầu do bệnh dịch và chiến tranh gây ra dẫn đến giá cả và các hệ thống cung ứng trên toàn thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đơn cử như các doanh nghiệp của tôi, một nhà cung cấp đã phá sản, các doanh nghiệp còn lại thì không có đủ nguyên vật liệu sản xuất, hoặc giá nguyên vật liệu có loại đã tăng tới 500%. Một số đơn hàng chúng tôi đặt từ tháng 11 năm 2021, nhà cung cấp chỉ có thể trả lời, may mắn nhất tháng 7 năm 2022 họ mới có nguyên liệu, vì vậy, họ không thể khẳng định khi nào có thể giao hàng cho chúng tôi và giá ở thời điểm thảo luận đã tăng gấp đôi. Đó là khi chúng tôi xác nhận đơn đặt hàng ngay tại thời điểm tháng 11 năm 2021, chứ đợi đến lúc đó thì sẽ không thể chắc chắn có hàng cho chúng tôi được. Chúng tôi nói với nhau: “Don’t negotiate on prices. Let’s expect to have delivery insteed!” (Đừng có mặc cả giá. Thay vào đó, hãy hi vọng có hàng là may mắn rồi!).


MẮT BÃO TRONG KINH DOANH


Trước khi covid xảy ra 10 năm, vào năm 2009, G’Brand của tôi tư vấn chiến lược phát triển thương hiệu, chiến lược truyền thông và cung cấp dịch vụ sáng tạo retaining cho một công ty bảo hiểm phi nhân thọ. Khi ấy, công ty khách hàng của tôi chỉ là một công ty con rất rất nhỏ nằm trong một tập đoàn lớn, doanh số của họ chỉ khoảng hơn 200 tỷ đến hầu hết từ bảo hiểm cho các công ty cùng trong nội bộ tập đoàn. Chúng tôi đã quyết định thay đổi tên thương hiệu để bước ra khỏi cái bóng của tập đoàn, với hình ảnh thương hiệu mới được cách điệu từ bốn vòng tay tượng trưng cho sự chung sức, chung lòng, là điểm tựa vững chắc cho mỗi con người. Về mặt triết lý kinh doanh, logo ấy thể hiện bốn giá trị cốt lõi là kim chỉ nam cho tư tưởng của doanh nghiệp trong quá trình phát triển: Hợp tác - Chia sẻ - Sáng tạo - Tôn trọng sự khác biệt. Nhưng có một chi tiết mà tôi và các anh chị trong Ban Giám đốc thống nhất không truyền thông, đó là logo ấy còn được lấy cảm hứng từ hình ảnh “mắt bão”.


Sau quá trình tư vấn và cả truyền cảm hứng, Ban Giám đốc đã đồng ý với chúng tôi tinh thần đổi mới toàn diện, dám lao vào bão tố, thách thức, nhưng phải tìm cho mình “mắt bão” là một vị trí niche, khác biệt, mới mẻ, ít đối thủ cạnh tranh. Kết quả là sau chiến dịch thay đổi ấy, doanh nghiệp khách hàng của tôi đã bứt phá vượt bậc, họ đã đạt mức doanh thu 1.700 tỷ sau 3 năm thay vì mục tiêu ban đầu 1.000 tỷ. Không những thế, họ còn trở thành người đứng đầu thị trường ở mảng kinh doanh dịch vụ online, ý tưởng mà cá nhân tôi đã tư vấn (dù không nằm trong phạm vi công việc tư vấn thương hiệu). Anh Tổng Giám đốc mới, trước đó là một trong những Phó Tổng Giám đốc, đã mời tôi ăn trưa để cám ơn vì sự hợp tác và tâm huyết của cá nhân tôi cùng nhóm dự án của G’Brand. Anh cũng tha thiết mời G’Brand tiếp tục tư vấn cho công ty mình trong giai đoạn tiếp theo để họ mở rộng sang các nước trong khu vực. Còn lại toàn bộ Ban Giám đốc cũ đã được thăng tiến trở thành Chủ tịch, Tổng Giám đốc của tổng công ty, tập đoàn và một anh trong số ấy giờ đang làm Thứ trưởng một bộ. Chúng tôi đã trở thành những người anh em thân thiết vì đã vô cùng tin tưởng, chia sẻ và gắn bó với nhau. Và quan trọng là chúng tôi đã đồng lòng dám thử thách chính mình thay vì sợ hãi, lo lắng, cùng tìm ra vị trí “mắt bão” để vượt qua giông bão, đi tới thành công!


MẮT BÃO LÀ GÌ?


Mắt bão là một khu vực có điều kiện thời tiết hầu như yên bình, với vị trí nằm tại trung tâm của các xoáy thuận nhiệt đới cường độ mạnh. Mắt của một cơn bão có hình dạng gần tròn và đường kính điển hình là từ 30–65 km (20-40 dặm). Bao quanh mắt là thành mắt bão, một vòng tròn mây dông nơi chứa đựng những điều kiện thời tiết nguy hiểm nhất (3). Vậy mắt bão hiểu một cách đơn giản là vị trí an toàn, bình yên duy nhất trong cơn bão, hay ngụ ý là nơi an bình hiếm hoi mà mỗi người, gia đình, doanh nghiệp, hay cả cộng đồng có thể tìm được trong giông bão, khó khăn.



TRỞ LẠI NHỮNG CƠN BÃO HIỆN TẠI


Dịch bệnh, chiến tranh đã trở thành từ cửa miệng của đại đa số những người trưởng thành trên hành tinh này. Chúng ta ngày ngày đối mặt với bao nhiêu tin tức xấu xảy ra với chính mình, người thân của mình, doanh nghiệp của mình hoặc của người khác, doanh nghiệp, tổ chức khác. Khi cuộc sống bất ổn, tinh thần của con người ta chắc chắn sẽ bị tác động, năng lượng tiêu cực có ở khắp nơi. Chúng ta nói hoặc phải nghe những câu ủ dột, buồn chán, thất vọng. Người người nói xấu nhau, đổ lỗi cho nhau, đổ lỗi cho chính mình, người nọ lan truyền sang người kia làm cho vòng lặp tiêu cực ấy ngày càng lớn hơn, hậu quả càng nặng nề hơn. Đôi khi người ta vì cảm xúc nhất thời, vì những “điểm mù” không nhận thức được bản chất sự vật, hiện tượng, đã nói và hành xử tiêu cực, không trung thực hoặc nói một nửa sự thực, không khách quan. Nếu không có ai tư vấn cho họ, nếu họ không đủ dũng cảm bước qua cái tôi ignorance (ngu dốt, không biết) của mình để nhận ra sự thật, họ ngày càng tin vào những lời nói dối của mình, với ý-nghĩ-tiêu-cực-họ-muốn-nghĩ-về-người-khác, về doanh nghiệp, tổ chức của mình, của người khác, họ phát tán những thông tin không chính trực, họ làm cho cái tiêu cực lan rộng. Và cứ thế, những người khác, doanh nghiệp, tổ chức, và cả xã hội bị ảnh hưởng. Họ lao vào “thành mắt bão”, và khi đã lao vào đó, họ càng làm cho giông bão đời mình ngày càng lớn hơn. Vì vậy, những người tiêu cực, trầm cảm rất cần có những người bạn sáng suốt, tâm huyết, chính trực ở bên để giúp họ thức tỉnh và đưa dần họ về hướng tích cực, cân bằng. (Về topic này, tôi hứa sẽ chia sẻ trong một bài viết hoặc một workshop gần nhất).


Mỗi một người, một gia đình, một doanh nghiệp, một cộng đồng, và ngay cả một đất nước rất cần thiết phải bình tĩnh và sáng suốt nhìn nhận (những) cơn bão đang xảy ra, nhìn vào nội lực, sở trường, sở đoản, mong muốn của mình để xác định được những nhu cầu thiết thực nhất, những mục tiêu, kế hoạch ngắn hạn, dài hạn của mình. Quan sát, lắng nghe, tìm hiểu, gạn lọc thật kĩ thông tin xunh quanh mình để không tự tạo ra cơn bão của mình, hoặc làm cho mình bị cuốn vào một cơn bão nào đó. Đây cũng là một bài học mà tôi đã rút ra cho chính mình từ những sóng gió đã xảy ra trong đời mình khi bắt đầu trưởng thành, bước chân vào kinh doanh, vào việc làm cộng đồng, cống hiến cho xã hội. Rất nhiều lần phá sản, đứng lên ngã xuống, rất nhiều biến cố của cuộc sống, con cái, gia đình, công việc đã cho tôi những bài học, và tôi luôn phải nhìn lại, soi xét chính mình để điều chỉnh và giúp mình được cân bằng, tích cực và sống tốt hơn.


Mỗi lần thấy những vấp ngã, sai lầm, thất bại của chính mình, thay vì tự trách mình, dằn vặt bản thân, thì hãy bình tĩnh phân tích, và nên chia sẻ với những người có khả năng, tích cực, giúp mình nhận ra vấn đề của mình, từ đó học cách cải thiện, thay đổi. Đối diện với thất bại, sai lầm, vấp ngã của người khác, đừng vội nghĩ tiêu cực, chê cười, chỉ trích họ, hay thậm chí cố tình lan toả thông tin về những sai lầm của họ, bởi những gì tiêu cực (ngay cả trong ý nghĩ) chỉ đem đến những tác hại xấu cho chính bản thân & người khác. Mình nói những điều xấu, mình là người nghe trước, mình bị “thấm” trước. Nếu bạn là một người tích cực, và có khả năng, khi bạn thấy (hoặc cho là có) một điều xấu, bạn hãy dũng cảm và thẳng thắn trao đổi với người, với sự việc đó nhanh nhất có thể. Và luôn nhớ, bạn chỉ có thể đem đến những điều tích cực khi chỉ ra vấn đề và đã thực sự suy nghĩ, tìm tòi để tìm ra giải pháp mà bạn cho là có thể cải thiện vấn đề cho người hoặc sự việc kia. Còn chỉ tung ra hay lan toả những thông tin tiêu cực, mà đôi khi bạn đã chưa đủ tỉnh táo để nhìn nhận đúng, bạn sẽ làm cho cuộc sống, công việc của chính bạn và những người xunh quanh tồi tệ hơn mà thôi.


Hãy nhận diện từng cơn bão và tìm ra MẮT BÃO cho chính mình, đặc biệt là trong những giai đoạn hỗn loạn và sóng gió như thế này. Chắc chắn chúng ta sẽ vượt qua và cùng làm cho cuộc sống này trở nên tốt đẹp hơn!


JK, 26/3/2022

---

(1) Theo JHU CSSE COVID-19 Data · Lần cập nhật gần nhất: 1 ngày trước (25/3/2022)




bottom of page