Mấy bữa nay, ai cũng nói về giáo dục, tôi cũng không khỏi có những trăn trở:
Cứ nhìn vào mức độ quan tâm, đầu tư cho giáo dục của mỗi đất nước, nhìn vào đời sống của giáo viên, chất lượng và khả năng cung cấp dịch vụ giáo dục công, ta sẽ thấy mức độ phát triển của đất nước đó. Và đầu tư cho phát triển giáo dục là đầu tư cho phát triển bền vững nhất, căn bản nhất của một đất nước, một cộng đồng, một gia đình.
Và giáo dục bắt nguồn từ mỗi gia đình, kết nối chặt chẽ với nhà trường và xã hội. Mỗi đứa trẻ cần học đầu tiên là sự chính-trực, và cha mẹ, thầy cô là tấm gương tốt nhất cho đứa trẻ trong từng lời nói, hành động của mình. Một điểm quan trọng thứ 2 của giáo dục là dạy cho trẻ biết-yêu-thương: yêu mình, yêu người và yêu Thiên nhiên đúng cách. Và đứa trẻ cần được hun đúc lòng yêu-lao-động, có trách nhiệm cao nhất với công việc của mình, và rằng ai cũng cần lao động, lao động nào cũng đáng quý chứ không chỉ chăm chăm đi học làm thầy, làm sếp, ngồi trên đầu trên cổ thiên hạ. Một yêu cầu quan trọng của đầu ra giáo dục nữa là dạy cho trẻ khả-năng-phản-biện, nghĩa là phải được học triết từ nhỏ, để họ trở thành người biết đúng, sai, biết cất lên tiếng nói để bảo vệ (quan điểm) mình, mang đến tự do cho chính mình, bênh vực và bảo vệ người khác yếu thế hơn mình. Và điều cuối cùng, một điểm mà có thể nhiều người cho là điểm cộng thôi, nhưng tôi cho rằng vô cùng thiết yếu trong số các tiêu chí của một con người được đào tạo, đó là biết yêu-và-trân-trọng-cái-đẹp. Như vậy người đó sẽ không trở thành một kẻ phá hoại, phá hoại văn hoá, phá hoại di sản, phá hoại thiên nhiên…
Tất nhiên, người ta có thể liệt kê ra rất nhiều cái cần cho một sản phẩm đầu ra của giáo dục, nhưng tôi cho rằng 5 điểm trên đây là quan trọng nhất vì nó tạo ra một con người có nền tảng nhận thức và cách tiếp cận đúng đắn với tri thức nhân loại. Từ đó, họ biết chọn lựa những gì cần cho mình, để học, để lao động và cống hiến. . Để có một hệ thống giáo dục tốt, có thể đào tạo ra những con người như vậy, ngành giáo dục cần được đầu tư cao nhất, đời sống của người thầy phải được đảm bảo tốt nhất, như vậy chắc chắn sẽ chọn lựa được những người giỏi, có tâm, có tầm tâm huyết làm thầy. Và một điều kiện quan trọng không kém là hệ thống giáo dục phải được tự-do, được khai phóng, và không mang vác những áp đặt chính trị. Như vậy, giáo dục mới có thể đảm nhận được những đầu ra “chính trực - biết yêu thương - yêu lao động - khả năng phản biện - yêu và trân trọng cái đẹp” như tôi vừa phân tích. Bởi những tiêu chí này luôn có giá trị tự thân, độc lập hoàn toàn với những hệ thống chính trị đương thời, dù là thể chế nào.
Quay trở lại mỗi cá nhân, nhìn lại cuộc đời mình, những người thành công và có những giá trị đẹp là những người may mắn được có những người thầy tuyệt vời, từ gia đình, từ nhà trường hoặc từ chính môi trường công việc. Bởi:
“Trứng rồng lại nở ra rồng
Liu điu lại nở ra dòng liu điu.”
Lại nhớ bài thơ của thầy Thái Bá Tân, vô cùng đúng và sâu sắc:
NELSON MANDELA VỀ GIÁO DỤC
Trên cổng một trường nọ
Ở Nam Phi, người ta
Khắc câu nói nổi tiếng
Của Nelson Mandela.
“Muốn hủy diệt một nước,
Không cần bom hạt nhân.
Tên lửa và đại bác,
Tàu chiến cũng không cần.
Chỉ cần ngành giáo dục
Của nước ấy suy đồi.
Chuẩn thấp, chất lượng thấp
Gian lận điểm và rồi
Các bác sĩ nước ấy
Sẽ giết chết bệnh nhân,
Và các nhà chính trị
Hoang phí tiền của dân.
Mua bằng, gian lận điểm,
Kỹ sư, nhà mới xây
Nứt lún hoặc sụp đổ,
Hoặc thẩm thấu suốt ngày.
Cũng vì lý do ấy,
Trong tay các quan tòa
Công lý bị bóp méo,
Gây hậu quả xót xa.
Khi giáo dục xuống cấp,
Trí thức thành lưu manh.
Tôn giáo sẽ xung đột.
Đất nước sẽ chiến tranh.
Vì vậy, để sụp đổ
Ngành giáo dục nước nhà,
Tức là tự cho phép
Sụp đổ một quốc gia.”
📸 Chụp cùng Người Thầy mà tôi vô cùng trân quý
Comments