top of page

Người 'bẻ nạng chống trời' với Nhà Chống Lũ: “Mong người dân vùng lũ được sống an toàn”

Chương trình Nhà Chống Lũ sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện mô hình nhà cho các vùng miền, sau đó chuyển giao để việc thực hiện được rộng khắp, để mọi người dân vùng lũ đều có thể được sống an toàn.


Sài Gòn sáng hôm ấy không mưa nhưng tin bão lũ ở miền Trung vẫn dồn dập dội về. Trong căn phòng nhỏ ở 62 Trần Quang Khải (quận 1, TP.HCM) chúng tôi đã có hơn 2 giờ đồng hồ ngồi nghe chị say sưa nói về “nhà chống lũ”, về những chuyện buồn vui suốt 7 năm qua để có được hôm nay với kết quả là 795 hộ gia đình với hơn 4.000 nhân khẩu tại các tỉnh Quảng Ninh, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Khánh Hoà, Bến Tre, Sóc Trăng và Hậu Giang được sống trong những ngôi nhà “an toàn và hạnh phúc”.

Chị là Phạm Thị Hương Giang (nick name facebook “Jang kều”), Chủ tịch Quỹ Sống, người sáng lập dự án Nhà Chống Lũ.


Bừng dậy một ước mơ khác


Trước đây mỗi lần nghe tin các nơi bị lũ lụt, Hương Giang lại lặn lội đi cứu trợ. Chị mang quần áo, chăn màn, mì tôm, thực phẩm… đến cho bà con với suy nghĩ “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

Cứ vậy, có lũ là chị lại khăn gói lên đường.


Chị Phạm Thị Hương Giang (Jang kều) chia sẻ về hành trình 7 năm xây nhà chống lũ.

Đến năm 2009, trận lũ lịch sử đổ bộ vào Quảng Nam, Quảng Ngãi. Hương Giang lại tất bật mang quà cứu trợ đến cho đồng bào. Chị nhớ địa điểm phát quà là một ngôi trường, sau lũ bùn đất ngập ngụa cao cả thước. Mọi người chỉ kịp dọn dẹp vài phòng để có chỗ cho bà con đến nhận quà: “Nhìn cảnh đó, tôi quyết định phải mang quà đến tận nhà cho bà con. Đến nơi, tôi bàng hoàng khi thấy cảnh nhà cửa tan hoang, ruộng vườn xơ xác, người dân bơ phờ vì đói lạnh, họ phải ăn mì gói thay cơm. Lúc ấy, có bao nhiêu tiền trong túi, tôi lấy ra cho hết, cho hết…”.


Nhưng đó chưa phải là tất cả. “Cảnh tượng khiến tôi ám ảnh mãi là hình ảnh một người đàn ông đứng thất thần trước ngôi nhà đổ nát với mớ nồi xoong sứt mẻ, trên tay ôm chặt bức hình thờ. Tôi gọi mãi mà ông không hề nghe thấy. Cảm giác của tôi lúc đó thật kỳ lạ, tưởng chừng như con người trước mặt mình không thuộc về thế giới hiện tại. Có thể nỗi đau quá lớn vì mất mát đã khiến ông bị “đông cứng”. Ngay lúc ấy, trong tôi bừng lên một ý nghĩ: Nếu cứ cho mì, cho gạo thì sang năm và những năm sau nữa, cảnh này sẽ còn tái diễn. Với nỗi ám ảnh đó, tôi biết mình sẽ phải làm khác đi, phải mang đến cho người dân một điều gì đó mang tính bền vững, ổn định hơn”, Hương Giang chia sẻ.


Nhà phao, một trong nhiều mô hình của "Nhà Chống Lũ".

Trong khi chị còn chưa tìm được điều mình mong muốn thì năm 2013, sau một cơn lũ, Hương Giang thấy trên Facebook của người bạn đăng tấm hình một ngôi nhà an toàn vững chãi trên 6 chiếc cột bê tông. Chị cất công tìm hiểu mới biết ngôi nhà đó đã xây được 11 năm mà vẫn an toàn, vững chãi chống chọi với gió mưa, bão lũ. Lập tức trong đầu chị nảy ra ý nghĩ về một ngôi nhà chống lũ.


Chị nhờ bạn bè là kiến trúc sư thiết kế cho mình mô hình ngôi nhà và ngay trong đêm, chị đã viết xong “đề án nhà chống lũ”. Chị cười nhớ lại: “Thế nhưng khi đem chia sẻ ý tưởng với bạn bè, nhiều người cười cho rằng tôi quá viễn vông, có người còn xem tôi là “trẻ trâu”, suy nghĩ đơn giản”.


Nhưng Hương Giang vẫn quyết tâm theo đuổi và cuối cùng thì mọi người, kể cả người tranh luận hăng hái nhất với chị, đã bị chị thuyết phục. Chỉ một tuần lễ sau, quỹ ra đời. Với số tiền ban đầu quyên góp được là 200 triệu, chị đến Hương Sơn (Hà Tĩnh) khảo sát để xây ngay 5 căn nhà đầu tiên. Những ngôi nhà được xây trong thời gian kỷ lục là 35 ngày, bà con kịp đón Tết trong nhà mới.


Thấu hiểu và sẻ chia


Có người cật vấn Hương Giang vì sao làm từ thiện mà bắt người thụ hưởng phải chịu 50% chi phí, nghĩa là phải có vốn đối ứng. Câu trả lời của chị là “phải để người dân chia sẻ trách nhiệm, gắn bó và thật sự thấy đó là “ngôi nhà của mình” khi chính họ có đóng góp công sức, tiền của trong đó”.


Cùng với việc đóng góp công sức tiền của, người dân sẽ tham gia ngay từ đầu việc thiết kế “ngôi nhà của mình” cho phù hợp với sở thích, nhu cầu. Tiêu chí của “nhà chống lũ” là an toàn, tiết kiệm, có thể mở rộng, nâng cấp trong tương lai khi có điều kiện. Người dân cùng tham gia xây dựng và giám sát việc xây dựng.


Người sáng lập dự án Nhà Chống Lũ chia sẻ: “Chúng tôi muốn ngôi nhà không chỉ an toàn mà người dân còn phải thấy hạnh phúc khi sống trong đó. Vì vậy, tốt nhất là nên xây trên chính nơi chôn nhau cắt rốn của họ; chú trọng kết hợp tập quán sinh hoạt của đồng bào với sự tiến bộ của xã hội; phải hiểu người dân, cùng làm điều họ muốn. Tất nhiên điều họ muốn đôi khi không giống như mình nghĩ, chẳng hạn có người thích sơn ngôi nhà màu tím, lại có người lại thích làm cái cửa sổ hình tròn. OK, bọn mình chiều luôn! Chính điều này làm cho ai xây xong nhà cũng hài lòng thốt lên “đây là nhà tôi”.


Những chia sẻ của người sáng lập Chương trình Nhà Chống Lũ nhận được sự đồng cảm của nhiều người.

Có một kỷ niệm mà người sáng lập dự án Nhà Chống Lũ không thể nào quên được. Đó là chuyến đi khảo sát để xây những ngôi nhà đầu tiên. Chị được đưa đến nhà một bà cụ. Bà sống một mình trong căn nhà đã cũ nát, có thể sập bất cứ lúc nào. Bước vào căn nhà trống hoác, ẩm thấp, trơn trượt, chị hỏi bà trong nhà thứ gì có giá trị nhất thì bà chỉ lên trần nhà. Chị nhìn theo hướng ấy và thấy lạnh toát cả người. Trên căn gác xép là một chiếc quan tài đỏ au.


Bà cụ kể 3 năm trước, chồng bà mất đi giữa những ngày lũ dữ. Trong tận cùng của sự khốn khó, bà chỉ tìm được một manh chiếu để chôn ông. Cái chết của chồng khiến bà sợ hãi khi nghĩ đến số phận của mình. Vậy là bà gom góp tiền phúng điếu ông, tiền bán hoa màu, tiền được hỗ trợ… để mua cho mình một chiếc "áo quan". “Tôi già rồi cũng chẳng thiết sống nữa, chỉ muốn khi chết được tươm tất, chết mà được chôn đàng hoàng! Tôi đã tính toán rồi, khi nào đau ốm nặng hoặc có lũ dữ như mấy năm trước, tôi sẽ vào nằm sẵn trong quan tài…”- bà cụ thản nhiên nói với chị về cái chết.


“Tôi nghe bà kể chuyện mà chết lặng, cảm giác nơi mình đang đứng là một cái nhà mồ. Tôi không nói được, không khóc được. Mãi đến khi bước ra khỏi ngôi nhà ấy, mọi cảm xúc mới ùa về như một cơn lũ. Tôi khóc như chưa bao giờ được khóc. Sao trên đời lại có người khổ đến thế, khổ đến không còn nghĩ đến sự sống mà chỉ nghĩ đến cái chết. Điều đó càng thôi thúc tôi phải thực hiện cho bằng được tâm nguyện của mình là giúp những người khốn khó có được một ngôi nhà đàng hoàng, đúng nghĩa để vui sống”, Hương Giang tâm sự.


Mô hình nhà phao hoàn thiện của Nhà Chống Lũ. Ảnh tư liệu

Thế nhưng điều chị không kịp nghĩ tới là bà cụ chẳng có tiền, đúng hơn là bà có mười ngàn đồng! Mười ngàn đồng thì làm sao đủ vốn đối ứng cho căn nhà gần 50 triệu đồng theo tiêu chí của quỹ? Nhưng bà cụ phải có nhà. Chị quyết tâm như thế. “Tôi hỏi anh chủ tịch xã cái xác nhà của cụ có thể bán được bao nhiêu tiền? Anh trả lời khoảng từ 8 đến 10 triệu. Tôi lại hỏi cụ có con cái gì không thì được biết cụ có 3 người con ở xa nhưng đều nghèo khó. Tôi quyết định gọi điện cho 3 người con của cụ, nói rằng chỉ cần mỗi người đóng góp 6 triệu đồng thì mẹ của họ sẽ có một ngôi nhà đàng hoàng. Vậy là họ đi vay tiền mang về phụ làm nhà cho mẹ. Tôi nghĩ nếu quyết tâm làm, chúng ta sẽ có cách. Tôi không muốn có một trường hợp ngoại lệ, du di nào”.


Lan tỏa nhà an toàn, hạnh phúc


Trong khi cuộc trò chuyện của Hương Giang với chúng tôi đang diễn ra ở Sài Gòn thì từ tâm lũ miền Trung, anh Đinh Bá Vinh, kiến trúc sư trưởng của Chương trình Nhà Chống Lũ, báo tin ở Quảng Nam, những hộ dân có nhà chống lũ hoàn toàn chủ động trong việc đối phó với mưa lũ. Tất cả đều an toàn. Ở Quảng Bình, dù là lũ lịch sử nhưng những điểm nhà chống lũ đều an toàn, bà con đánh giá rất cao nhà chống lũ.


“Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện vài mô hình cho các vùng miền (khoảng 13 mô hình) sau đó sẽ chuyển giao để việc thực hiện được rộng khắp. Chúng tôi muốn nhiều tổ chức, cá nhân cùng tham gia chứ một mình Nhà Chống Lũ sẽ không kham nổi. Hầu hết các dự án đều mong muốn kêu gọi được nhiều tiền, chúng tôi lại chủ trương không chạy theo kỷ lục về số tiền quyên góp được, mà cần thêm rất nhiều trái tim, khối óc để giúp đỡ người khác. Đến giờ phút này chúng tôi đã lập kế hoạch cho năm 2021. Vì nguồn lực của mình có hạn nên phải làm thật kỹ càng. Quan trọng là mọi thứ phải rõ ràng, minh bạch”.


Giám đốc Công ty Dây cáp điện Vĩnh Thịnh (đứng, cầm micro) sẵn sàng đồng hành cùng Quỹ Sống để xây nhà chống lũ.

Trong thực tế, Nhà Chống Lũ đã có sức lan tỏa. Đơn cử như ở xã Tân Hóa (tỉnh Quảng Bình) từ 99 căn của dự án Nhà Chống Lũ, đến nay đã có thêm gần 500 căn do bà con học hỏi mô hình nhà chống lũ để tự làm nhà cho mình. Hiện dự án đang xúc tiến 122 căn ở Bắc và Nam Trà Mi (Quảng Nam), 30 căn ở Huế và 35 căn ở Quảng Trị.


Điều đáng mừng là qua thời gian, chương trình Nhà Chống Lũ ngày càng nhận được sự quan tâm, đồng hành của nhiều người, nhiều giới. Phía hỗ trợ không chỉ đóng góp bằng tài chính mà còn cả thời gian, năng lực chuyên môn đến từ các chuyên gia, kiến trúc sư, các tình nguyện viên, hoạ sĩ, nghệ sĩ, các cá nhân và doanh nghiệp…


Chính từ hiệu quả của chương trình mà đến nay tỉnh Quảng Bình đã bắt đầu cho các hộ dân vay không có lãi trong 10 năm để xây nhà chống lũ. Ở những “Làng Hạnh Phúc” (nằm trong chương trình Nhà Chống lũ), chính quyền còn làm đường sá, xây dựng các công trình điện, nước… để góp phần mang cuộc sống hạnh phúc đến cho người dân.


Hồng Vân | Báo Người Đô Thị | 23/10/2020 | 11:39





bottom of page