top of page

Những đứa trẻ “tiến lên CNXH”

Updated: Aug 15, 2022

Tôi nhớ là hồi cuối lớp 3, đầu lớp 4, anh em tôi được bố mẹ nhận quần áo về cho đính cúc, nhặt chỉ thêm ở nhà. Số là mẹ tôi làm ở một hợp tác xã may, và thời đó, cơ quan mẹ toàn xuất khẩu quần áo bảo hộ lao động và áo mưa sang Liên Xô. Các bộ quần áo bảo hộ lao động đều làm bằng vải chéo xanh 34/34. Tôi cũng chả hiểu con số đó có nghĩa là gì, nhưng tôi rất nhớ cái tên ấy. Còn áo mưa thì làm bằng giả da màu đen. Các xã viên trong hợp tác xã cắt, may, thùa khuyết, là (ủi) và đóng gói hàng hoá. Riêng công đoạn nhặt chỉ (chỉ may, chỉ thùa khuyết do hồi đó thùa bằng máy rồi, mỗi cái khuyết sẽ nối vào nhau bởi 1 sợi chỉ) và đính cúc là hợp tác xã có chính sách thuê con em xã viên làm tại nhà. Một phần là để giảm chi phí sản xuất vì thuê trẻ em như chúng tôi làm thì rẻ hơn, một phần cũng là để giúp các gia đình có thêm thu nhập và quản lý con cái ở nhà, không rong chơi, khi bố mẹ đi làm. Bố mẹ tôi rất thích cái chính sách này vì đó là một lí do, một công cụ để quản lý hai đứa nghịch ngợm như anh em tôi ở nhà, tránh việc suốt ngày bị hàng xóm sang mách tội. Cũng chả sao, hai chúng tôi cũng ủng hộ việc này, và đương nhiên là chúng tôi đã tham gia làm rất nhiệt tình để có tiền mua sách vở, đi xem phim, ăn kem v.v.


Về chuyên môn thì tôi kém xa ông anh trai: tôi đính cúc chậm hơn rất nhiều, lại hay bị đâm vào tay, cúc đính không chặt chẽ như anh tôi làm, tôi cắt chỉ cũng chậm hơn, và lại suốt ngày bị đứt tay… Nói chung là tôi thiếu năng khiếu một cách toàn diện. Anh trai tôi thì vô cùng khéo tay, anh ấy đính cúc, cắt chỉ, gập quần áo nhanh thoăn thoắt. Vì thế nên năng suất hàng ngày của anh em tôi cao ngang ngửa với nhà mấy đứa có 3 chị em. Tôi nhớ là trung bình một ngày chúng tôi thường làm được khoảng 40 bộ quần áo, nhóm 3 chị em nhà con Hà “bát giới” cũng chỉ làm được khoảng đó, hoặc nhỉnh hơn 1 chút thôi. Thật là oách! Hơn nữa, anh em tôi còn toàn được khen làm kỹ, gập quần áo đẹp hơn các nhóm trẻ con nhà khác.


Sau một thời gian “triển khai” công việc, hai anh em tôi phát hiện ra không nên làm dàn hàng ngang, cùng đính cúc, cùng cắt chỉ, cùng gập quần áo nữa mà phải “chuyên môn hoá”, phân công mỗi đứa làm phần việc mà đứa đỏ giỏi nhất. Thế là từ đó, anh trai tôi sẽ chuyên đính cúc, tôi cắt chỉ, còn khâu gập quần áo thì ai xong sớm hơn người đó làm, có thể cùng làm với nhau. Chúng tôi đều không thể ngờ được chỉ một “cải tiến” nhỏ trong “dây chuyền sản xuất” của mình mà “năng suất lao động” của chúng tôi tăng lên rõ rệt. Chúng tôi dần đạt được 45 bộ đỉnh cao lên tới 50 bộ/ngày. Chúng tôi đã trở thành tấm gương trong phong trào “nhà nhà lao động, người người lao động để tiến lên CNXH” của hợp tác xã mẹ tôi hồi bấy giờ.


Các thành tích của chúng tôi không chỉ dừng ở đó! Sau vài tháng làm việc miệt mài (tất nhiên là thi thoảng vẫn phân công nhau một đứa ở nhà làm, một đứa đi chơi bi lắc ở ngoài phố), chúng tôi đã tích luỹ được một số tiền lớn. Tôi nhớ là số tiền đó tương đương hơn một chỉ vàng, mẹ tôi mới hỏi chúng tôi định làm gì, có mua sắm sách vở hay đồ chơi gì không? Chúng tôi đã bàn nhau rất kỹ, mất mấy ngày liền suy nghĩ, tính toán, chúng tôi đã quyết định sẽ “đầu tư” mua một chiếc máy đính cúc. Thật ra là chúng tôi đã nghe thấy cô Natasa – chuyên gia người Nga hay đến nhà tôi chơi – nói chuyện. Cô ấy nói là công ty cô ấy đã đưa sang Việt Nam giới thiệu loại máy này, tuy nhiên, hợp tác xã mẹ tôi chưa mua cái nào vì còn phải xin cấp trên phê duyệt. Cô ấy nói loáng thoáng thì số tiền mua một cái máy đó cũng tương đương với một chỉ vàng ở Việt Nam. Thế là hai anh em tôi đưa câu chuyện này ra bàn bạc với bố mẹ. Và thật may là cả bố và mẹ tôi đều đồng ý! Mẹ tôi sẽ giúp chúng tôi nhờ cô Natasa mua hộ một cái máy đính cúc.


Thật diệu kỳ khi mẹ chở chiếc máy đính cúc này về nhà. Đến giờ thì tôi chẳng nhớ nó hiệu gì nữa, chỉ nhớ nó màu trắng đục, sơn hơi sần, rất là đẹp!


Chiếc máy đã trở thành đồ đạc đẹp nhất trong nhà tôi ngày đó vì nhà tôi chưa có tivi hay cát sét, chưa có một thiết bị hiện đại nào ngoài cái máy khâu con bướm cũ rích của mẹ tôi. Khỏi phải nói hai anh em tôi sung sướng và tự hào như thế nào về “tài sản vĩ đại” này. Chúng tôi không ngớt nói cười và cuống lên để mở lớp bọc ngoài ra rồi tranh nhau được thử chiếc máy. Tuy vậy, mẹ tôi không cho chúng tôi thử máy vì chúng tôi đâu có biết sử dụng đâu, mẹ bảo để mẹ thử cho vì nguyên lý nó cũng giống như chiếc máy vắt sổ mà hợp tác xã mẹ tôi có! Mẹ bảo nếu không biết làm có khi sẽ bị kim đâm vào tay, rất nguy hiểm!


Chúng tôi nín thở ngồi nhìn mẹ thử máy đính cúc mà lòng phơi phới. Mẹ xâu chỉ, đặt chiếc áo vào đúng vị trí cần đính cúc, đặt cái cúc vào, dập máy 2-3 cái đã xong 1 khuy rồi tiếp tục, tiếp tục. Có điều là giờ đây nối giữa mỗi cái cúc áo với nhau có 1 sợi chỉ ở trên mặt và một sợi chỉ ở dưới vải. Tuy nhiên, việc cắt chỉ lúc này cực kì nhanh và dễ dàng. Hai anh em tôi thay nhau thử máy, rồi khi đã làm trơn tru, chúng tôi bắt đầu thử nghiệm “quy trình làm việc” xem có phải điều chỉnh gì không. Ôi, tuyệt quá, nhanh hơn bao nhiêu, và anh trai tôi lại đính cúc, còn tôi lại… nhặt chỉ. Quy trình cũng không thay đổi nhiều nhưng điều quan trọng nhất là tốc độ làm việc của chúng tôi đã tăng lên kinh khủng. Chúng tôi đã đạt 60 rồi 70 bộ/ngày. Thật là không thể nào tưởng tượng được. Đúng như cô Natasa nói với mẹ tôi “Chị không thể nào tưởng tượng được có chiếc máy này thì năng suất sẽ tăng đến mức nào đâu!”.


Chúng tôi mua máy được một thời gian thì các hộ xã viên khác bắt đầu đến tham quan và rồi họ cũng đầu tư mua máy. Cuối cùng hầu như nhà nào cũng có máy đính cúc. Khoảng một vài tháng sau, chúng tôi lại có số tiền tương đối lớn, nhưng lần này chúng tôi quyết định sẽ mua đài cát sét. Hai anh em tôi buổi tối thường chạy sang nhà ông Cự xem nhờ tivi hoặc sang nhà bác Phú Hào để nghe các chương trình từ chiếc đài có 4 chân to đùng. Lí do chúng tôi muốn mua đài vì thứ nhất là đài rẻ hơn tivi, thứ hai là vừa nghe đài vẫn có thể vừa làm việc được, và hơn nữa, bố mẹ tôi không muốn chúng tôi dán mắt vào xem tivi sẽ ảnh hưởng đến học tập. Hàng ngày, bố mẹ chỉ cho phép chúng tôi chạy sang nhà ông Cự xem 15 phút chương trình Bông Hoa Nhỏ rồi phải về học bài. Riêng thứ 7 thì cả nhà tôi cùng sang xem tivi nhờ để thưởng thức chương trình sân khấu.



Chiếc đài cát sét hiệu Sharp một cửa băng màu đen trị giá tới 1,2 chỉ vàng. Khi đi mua đài, bố mẹ tôi còn mua 2 cái băng, tôi nhớ như in, một chiếc tên là “Tân cổ 4” và một chiếc là vở cải lương “Cơn ác mộng”. Thế là từ đó, chúng tôi ngày nào cũng được vừa làm hoặc học, vừa nghe các chương trình, nghe ca vọng cổ, cải lương. Chúng tôi thấy hạnh phúc kinh khủng!


Anh em chúng tôi đã nỗ lực thi đua “tiến lên CNXH” như thế đó!


P/S: Chiều nay tự nhiên ngồi viết về con lật đật Nga. Chạm đúng mạch, bèn kể thêm cho các bạn nghe chuyện “thời Liên Xô” của tôi ;)))

bottom of page