Tôi có thói quen gửi thư tri ân đồng đội và những người bạn đồng hành của Quỹ Sống vào ngày cuối cùng của năm. Nhưng năm nay là một ngoại lệ, tôi muốn gửi lá thư dưới đây cho các bạn vào ngày Giáng Sinh bởi nó ... đặc biệt dài và rất ... khác biệt so với 10 lá thư trước. Bởi nó nói về những lí do mà Quỹ Sống suýt ... dừng hoạt động và về việc chúng tôi đã kịp thời dừng quyết định đó, để Sống không những được Sống, mà còn phải Sống Bền Vững với định hướng và mô hình hoạt động mới của mình. Cám ơn các bạn đã, đang và sẽ chung tay cùng tôi, Sống, Nhà Chống Lũ, Hạnh Phúc Xanh và River Ơi tạo lập những giá trị bền vững cho cộng đồng. Xin gửi tới các bạn (có thời gian đọc) lá thư tri ân & chào đón Năm Mới 2025 của tôi.
Trân trọng,
Jang Kều
---------
💌 Chào các bạn,
Hôm nay là ngày Giáng Sinh của năm 2024, một năm có rất nhiều biến động đối với Quỹ Sống và với cá nhân tôi nữa. Đã mấy ngày rồi, tôi suy nghĩ, mình sẽ viết gì để tri ân những người đồng đội, những chyên gia tư vấn, mà đến giờ này, sau bao khó khăn, thách thức tưởng như đến mức phải dừng hoạt động sau 10 năm thành lập, thì họ vẫn vững vàng và kiên định cùng tôi muốn Sống không những phải Sống, mà còn Sống Bền Vững. Tôi biết ơn từng gương mặt đã xuất hiện trong suốt hành trình dài kể từ khi tôi sáng lập dự án Nhà Chống Lũ vào tháng 11 năm 2013. Những người bạn của tôi, những hoạ sỹ, những nghệ sỹ, những kiến trúc sư, những nhà nghiên cứu văn hoá, những nhà quy hoạch, bảo tồn, những chuyên gia sinh thái, môi trường và hơn 40.000 người cùng hàng trăm doanh nghiệp đã tin ở tôi, ở Quỹ Sống, để chung tay cùng Nhà Chống Lũ, Hạnh Phúc Xanh xây 1.300 căn nhà, dựng 2 ngôi làng hạnh phúc, trồng 207,5 ha rừng, triển khai thí điểm dự án Trường học Hạnh Phúc Xanh ở 6 ngôi trường và làm 2 công viên Hạnh Phúc Xanh tại 13 tỉnh, thành phố của Việt Nam.
Thật ra, khi viết ra những con số này, tôi thấy chúng rất nhỏ bé so với những gì mà tôi tin là cộng đồng chúng ta có thể làm được cùng nhau, và đặc biệt là vô cùng không đáng kể so với những gì chúng ta cần phải làm, để hỗ trợ những người đồng bào khó khăn ở các vùng chịu ảnh hưởng bởi thiên tai được sống an toàn, và so với diện tích mà chúng ta cần phải phủ xanh trở lại để bảo vệ cuộc sống của chính mình, để “đền bù” cho những gì mà chúng ta đã phá đi của Mẹ Thiên Nhiên. Vậy mà, sau 10 năm, chúng tôi đã nghĩ mình sẽ dừng lại và một năm qua là những cân nhắc, những day dứt, những nâng lên đặt xuống để ngày hôm nay, tôi muốn chia sẻ quyết định của mình và những người đồng đội đã luôn sát cánh bên tôi, bền bỉ và vô điều kiện.
❓Sống là phải Sống chứ, tại sao lại định dừng lại?
Sẽ có, mà thật ra là đã có, hàng trăm người hỏi tôi: “Tại sao lại định dừng lại? Sống là phải Sống chứ! Sống đã làm được bao nhiêu dự án, chương trình bền vững chứ đâu phải những dự án từ thiện đơn thuần đâu mà đơn giản cứ muốn là đóng?”. Những câu hỏi này không chỉ đến từ các cá nhân, các chuyên gia hỗ trợ các hoạt động của Sống, mà còn đến từ rất nhiều lãnh đạo các tỉnh, các Bộ, Ban, Ngành hay làm việc và quan tâm đến chúng tôi. Vì sao ư? Tôi sẽ chia sẻ với các bạn những lí do dẫn đến sự cân nhắc này. Và các bạn sẽ đặt mình vào tôi, một người khá dày dạn kinh nghiệm lãnh đạo, dẫn dắt các doanh nghiệp, hội nhóm – để tự hỏi tại sao một cái quỹ đang hoạt động rất hiệu quả, hợp tác rất tốt với các địa phương và các cơ quan quản lý Nhà Nước lại định “đầu hàng” như thế?
Câu trả lời đầu tiên nằm ở quy luật phát triển. Một mô hình nào đó, kể cả doanh nghiệp hay tổ chức, hội nhóm, phát triển đến một giai đoạn nhất định, chắc chắn phải thay đổi mô hình hoạt động để thích nghi và lớn mạnh hơn, hoặc có thể phải dừng lại nếu không đủ năng lực quản lý hoặc không còn phù hợp với tiến trình phát triển chung nữa.
Điều này, tôi cũng đã suy nghĩ từ khi bắt đầu làm Nhà Chống Lũ. Ngay từ năm 2013, tôi đã đưa ra mục tiêu của 10 năm là xây dựng được 1.000 căn nhà, và tin rằng thời gian đó cũng sẽ đủ hình thành các mô hình nhà an toàn, các phương thức, quy trình làm việc chuẩn để chuyển giao cho cộng đồng. Và sau 10 năm, chúng tôi đã làm hơn 1.200 căn nhà (đến cuối năm nay, sẽ là 1.300 căn nhà) và 2 ngôi làng hạnh phúc. Trong quá trình triển khai, đội ngũ Nhà Chống Lũ đã phát triển được 10 mô hình nhà cho các vùng địa bàn khí hậu, địa chất khác nhau trên khắp Việt Nam. Tháng 9 năm 2024, Quỹ Sống đã thí điểm chuyển giao mô hình các dự án Nhà An Toàn và Làng Hạnh Phúc của chương trình Nhà Chống Lũ cho tỉnh Quảng Nam sau 10 năm hợp tác. Trong quý 1 năm 2025, cuốn Cẩm nang Nhà Chống Lũ sẽ được xuất bản với phiên bản mới hoàn thiện từ triết lý, tầm nhìn, giá trị cốt lõi, các phương pháp luận, tới các mô hình nhà an toàn, đồng thời mở ra những hướng đi mới. Cuốn sách sẽ là những đúc kết của chặng đường mà chúng tôi đã cùng cộng đồng phát triển chương trình thích nghi với thiên tai và biến đổi khí hậu này.
Còn chương trình Hạnh Phúc Xanh, sau 5 năm thử nghiệm và chính thức bắt tay vào thực hiện, chúng tôi cũng đã xây dựng được phương thức hợp tác với các địa phương, từ các lãnh đạo và chuyên gia chuyên trách đến cộng đồng người dân - những người trực tiếp chung tay trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Tháng 10 vừa qua, Quỹ Sống cũng chuyển giao mô hình của dự án Forest Symphony (Giao hưởng Rừng xanh) của chương trình cho Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Thuận. Và trong cũng nhân dịp này, chúng tôi cùng Sở và công ty Grab Việt Nam kí thoả thuận triển khai trồng 100 ha rừng theo cách thức hợp tác mới - Cộng đồng Hành động! Với Hạnh Phúc Xanh, việc tổ chức triển khai thực hiện khó khăn hơn với Nhà Chống Lũ rất nhiều. Chương trình đã gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí thất bại, từ hợp tác với chính quyền, với người dân, đến vấn đề kĩ thuật, rồi thiên tai bất khả kháng và đặc biệt là từ cơ chế quản lý của hoạt động trồng rừng và quản lý đất đai ở nước ta. Đó là những bài học mà những người dấn thân và cả những người ủng hộ cùng nhận được để có thể tìm ra cách thức và cơ hội phát triển các dự án tái thiết mảng xanh bền vững. Chúng tôi cũng đã học và hiểu hơn những diễn thế sinh thái tự nhiên để có kế hoạch hành động phù hợp hơn cho một tương lai xa trong mục tiêu trồng rừng và tạo lập những mảng xanh cho không gian cộng đồng ở đô thị.
Thứ hai là do tình hình kinh tế, chính trị, xã hội có nhiều biến động, không chỉ ở trong nước, mà còn trên toàn thế giới, ảnh hưởng rất nhiều đến các doanh nghiệp, và các cá nhân, đặc biệt là từ sau đại dịch Covid.
Quỹ Sống là một quỹ xã hội phi lợi nhuận trực thuộc sự quản lý trực tiếp của Bộ Nội Vụ và 9 Bộ, Ban, Ngành khác của Chính Phủ, gây quỹ hoàn toàn từ trong lãnh thổ Việt Nam. Nguồn quỹ của chúng tôi chủ yếu đến từ cộng đồng (crowdfunding), các doanh nghiệp trong nước và từ các sự kiện gây quỹ trực tiếp và trên mạng xã hội. Ngay từ khi thành lập năm 2013, tôi đã định hướng phát triển Quỹ “người Việt hỗ trợ người Việt” để thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng, từ người cho đến người nhận. Vì vậy, chúng tôi không nhận các nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp, tổ chức hay cá nhân nước ngoài trong giai đoạn 10 năm xây dựng nền tảng này. Tuy nhiên, khi sự hồi phục kinh tế trong nước diễn ra khá chậm so với mặt bằng chung của quốc tế, thì chiến lược này đã gặp phải những khó khăn khi việc huy động quỹ từ nguồn trong nước không còn thuận lợi như trước. Sau Covid, chúng tôi hoàn toàn có thể chuyển sang tìm kiếm các nguồn quỹ quốc tế hay làm việc với các doanh nghiệp nước ngoài có khả năng tài trợ ổn định cho các hoạt động giảm thiểu và thích nghi với biến đổi khí hậu (climate change mitigation & adaptation) như của Sống. Nhưng những quy định mới trong Nghị định 80 của Chính Phủ "về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam" lại khiến cho việc tiếp nhận các khoản tài trợ này trở nên vô cùng khó khăn, thậm chí là không thể thực hiện được. Chúng tôi vẫn tiếp tục vận động từ những nguồn ủng hộ ngày một eo hẹp trong nước và không ngừng sáng tạo nhằm tìm ra các cách thức hợp tác với doanh nghiệp để triển khai các hoạt động của mình.
Lí do thứ 3 mà tôi cho là khó khăn nhất, bó chân không chỉ Quỹ Sống mà bất cứ một quỹ nào tập trung vào mảng phát triển bền vững: đó là quy định về mức chi cho hoạt động quản lý, vận hành quỹ chỉ vẻn vẹn có 5%!
Đó là một con số không tưởng mà tôi không chắc những người làm ra quy định này có thực sự hiểu về việc vận hành một doanh nghiệp hay tổ chức hay không. Suốt 5 năm đầu làm Nhà Chống Lũ, 100% tiền đóng góp từ cộng đồng được sử dụng cho việc xây nhà, còn toàn bộ chi phí hoạt động đều là tiền tài trợ cá nhân của tôi dành cho Quỹ, 5% kia không đủ để đi lại công tác chứ chưa nói đến trả lương cho bất cứ ai. Hầu hết mọi người đều đi làm việc miễn phí cho Quỹ, tất nhiên là 100% những người sáng lập, còn nhân viên thực địa thì cũng chỉ được hỗ trợ những mức chi phí rất tượng trưng. Hiện tại, sau 11 năm thì đội ngũ quản lý và tư vấn của Quỹ cũng vẫn làm việc hoàn toàn không lương, các nhân viên chuyên trách cũng chỉ có mức lương rất ‘parttime’, thậm chí ‘parttime’ ở mức thấp, mà công việc thì luôn ‘fulltime’. Đối với một Quỹ hay tổ chức từ thiện, có lẽ sẽ dễ dàng hơn chúng tôi, vì các công việc triển khai một lần hoặc một vài lần là xong, có thể huy động tình nguyện viên một cách dễ dàng. Nhưng với các hoạt động mang tính chất phát triển dài hạn, cần nghiên cứu, cần sự chung tay của các bên, cần đánh giá, đúc rút, cần phát triển mô hình khoa học (cho các dự án xây nhà, xây làng, trồng rừng, làm công viên…) đều cần nhân sự có chuyên môn sâu, làm việc liên tục, ổn định mới đảm bảo chất lượng, mới thực sự là phát-triển-bền-vững.
Tôi chỉ đưa ra cho các bạn một ví dụ này. Nếu giả sử 1 năm Quỹ Sống gây quỹ được 10 tỷ, tương đương với khoảng hơn 200 căn nhà hoặc vài chục hecta rừng, chúng tôi sẽ được phép chi 5% tức là 500 triệu chia 13 tháng sẽ có gần 38,5 triệu/tháng. Và 200 căn nhà chia 4 địa bàn, mỗi địa bàn khoảng 50 căn, chúng tôi cần có ít nhất 2 chuyên viên quản lý dự án, 2 cán bộ địa bàn, ngoài ra luôn cần tối thiểu 1 kế toán, 1 truyền thông, 1 gây quỹ, đó là không nói đến Ban Giám Đốc hay chuyên gia tư vấn. Nhưng với 7 bạn từ cấp chuyên viên đến quản lý dự án như vậy thì mức lương tối thiểu sẽ khoảng 110 triệu, thuê văn phòng, chi phí vận thành, đi lại công tác, đánh giá … khoảng 50 triệu, tổng cộng là 160 triệu. Nó cách rất xa mức 38,5 triệu mà Quỹ được phép chi. Khi con số tăng lên 20 tỷ, thì lúc này nhân sự cũng phải tăng lên, và sẽ cần ít nhất 280 triệu/tháng để vận hành trong khi quy định cho phép chi 77 triệu!
Ngoài ra, có một lí do đồng thời là cản trở nữa là “những định kiến dai dẳng của một bộ phận không nhỏ xã hội chưa trưởng thành” như nhà báo Nguyễn Thế Thanh đã viết trên Facebook cá nhân của cô ngày 24/12/2024. Định kiến có thể đến từ những người thiếu hiểu biết, đánh đồng một quỹ do Chính Phủ - đại diện là Bộ Nội Vụ - cấp phép và quản lý với các cá nhân, nhóm/tổ chức thiếu chuyên nghiệp hoặc tự phát làm, không có các báo cáo, kiểm toán định kì, minh bạch. Quỹ chúng tôi hàng năm đều phải gửi kế hoạch và báo cáo hoạt động cho Bộ Nội Vụ và 9 Bộ, Ban, Ngành còn lại về hoạt động của mình. Không chỉ tuân thủ các quy định của quản lý Nhà Nước, hàng năm, Quỹ đều có Báo cáo Thường niên được công bố minh bạch trên website và các kênh truyền thông của mình. Các đóng góp của cộng đồng luôn được cập nhật ‘realtime’ (ngay lập tức) trên website của Quỹ. Và quan trọng nhất, chúng tôi tự nguyện làm Báo cáo Kiểm toán hàng năm do công ty Kiểm toán Quốc tế Ernst & Young thực hiện để minh bạch và chuyên nghiệp hoá hoạt động của mình. Bên cạnh đó, xuất hiện các nghi ngờ, cảnh báo, thậm chí cả đe doạ của một vài cá nhân trong các cơ quan quản lý (mà chúng tôi không cho là mang tính đại diện chính thức của các cơ quan này), đánh đồng Quỹ chúng tôi với các tổ chức nhận tài trợ và chịu ảnh hưởng tiêu cực của một số tổ chức nước ngoài. Tình trạng này đã lác đác xuất hiện trong những giai đoạn chính trị, xã hội có nhiều phức tạp như những năm vừa qua.
Đó là một vài lí do cơ bản dẫn đến những cân nhắc dừng hoạt động của Quỹ. Thêm vào đó, có một khó khăn không nhỏ đối với cá nhân tôi là từ giữa năm 2023, tôi phải sinh sống và làm việc chủ yếu ở nước ngoài do vấn đề sức khoẻ và việc học tập, chữa bệnh của con trai mình.
❗️Ở đâu có ý chí, ở đó có con đường
Tuy nhiên, sau một năm nghiên cứu, cân nhắc, tham khảo ý kiến của một số thành viên trong Hội đồng Cố vấn & Phát triển, chúng tôi thống nhất với nhau quan điểm: mọi thách thức, khó khăn đều có giải pháp nếu tất cả cùng luôn mong muốn tạo ra những tác động tích cực cho cộng đồng, cho đất nước. “There’s a will, there’s a way!” (Ở đâu có ý chí, ở đó có con đường!”. Nhưng chúng tôi cần tìm ra cho mình một mô hình hoạt động phù hợp để “hoá giải” 2 khó khăn quan trọng nhất là số 2 và số 3 mà tôi đã nêu ở trên. Và chúng tôi đã tìm ra giải pháp! Vì vậy, thay mặt Hội đồng Sáng lập và Ban Điều hành, tôi xin chia sẻ quyết định của Quỹ như sau:
Quỹ Sống sẽ tiếp tục hoạt động, phát triển và thúc đẩy tiến trình chuyển giao, lan toả các mô hình hoạt động hiệu quả của mình, theo đúng định vị “Quỹ của Cộng đồng Hành động” mà chúng tôi đã đề ra ở thời khắc chuyển đổi sau 10 năm (2013-2023). Song song, chúng tôi sẽ đẩy mạnh hợp tác với địa phương (bao gồm cả các cơ quan quản lý ở địa phương, doanh nghiệp và người dân địa phương) và với các doanh nghiệp có chuyên môn và uy tín cao trong các lĩnh vực nghiên cứu, tư vấn, quản lý, kỹ thuật, đo lường đánh giá, đào tạo để thực hiện các dự án. Với setting (mô hình vận hành) này, Quỹ Sống đóng vai trò là một platform (nền tảng) kết nối, tư vấn, chuyển giao các mô hình đã có cho các địa phương. Như vậy, Quỹ sẽ giữ vai trò kiến thiết, kết nối và kêu gọi nguồn lực từ xã hội, các công việc vận hành, quản lý, nghiên cứu, đánh giá triển khai… được thực hiện bởi các doanh nghiệp chuyên môn. Như vậy, chúng tôi tránh được “gánh nặng” chi phí, chỉ duy trì những nhân sự tối thiểu, các chuyên gia, chuyên viên làm cho các doanh nghiệp được trả công xứng đáng với chuyên môn và đóng góp của mình. Bởi Quỹ Sống, đặc biệt là cá nhân tôi, luôn nhấn mạnh chất lượng chuyên môn, chiều sâu, tính minh bạch, tính bền vững của các dự án phát triển xã hội. Và hơn nữa, một điểm vô cùng quan trọng là setting này thúc đẩy sự phát triển bền vững của mọi thành phần tham gia vào các dự án xã hội, tránh lối suy nghĩ lạc hậu rằng các dự án phát triển là công việc từ thiện, chỉ dành cho những người thừa thời gian, có thể làm miễn phí và không đòi hỏi chất lượng và chiều sâu chuyên môn.
⁉️ What’s NEXT (Vậy thì Sống sẽ làm gì)?
Từ năm 2025, Quỹ Sống sẽ tập trung vào 3 nhóm hoạt động chính sau đây:
Chương trình Nhà Chống Lũ: Tiếp tục phối hợp với người dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương triển khai xây nhà an toàn và phát triển các dự án Làng Hạnh Phúc. Hiện tại, ở miền Trung đã có Doanh nghiệp Xã hội Nhà Chống Lũ (Quảng Nam) đang hợp tác triển khai với chính quyền và Quỹ Sống để làm nhà an toàn cho 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Trị. Ở miền Tây, có nhóm Nhà Chống Lũ 0 đồng đang nghiên cứu để phát triển dự án Làng Hạnh Phúc tại Sóc Trăng và sẵn sàng triển khai các dự án xây nhà an toàn ở các tỉnh Hậu Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng. Các doanh nghiệp và nhóm xã hội này đều có các nhân sự cốt cán đã từng là thành viên quan trọng, có kinh nghiệm làm việc lâu năm trong chương trình Nhà Chống Lũ. Tại Hà Nội, chương trình đang hợp tác với DNXH Think Playgrounds để hỗ trợ tái thiết cuộc sống cho các gia đình khó khăn bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Chương trình Hạnh Phúc Xanh: Tiếp tục trồng dặm, chăm sóc, bảo vệ các lô rừng đã trồng từ 2021-2024 tại Ninh Thuận và Sóc Trăng. Năm 2025, Quỹ sẽ đẩy mạnh hoạt động trồng rừng của dự án Forest Symphony (Giao hưởng Rừng xanh) tại Ninh Thuận. Sau 4 năm hợp tác, cả Quỹ Sống và tỉnh Ninh Thuận đều mong muốn triển khai các dự án trồng rừng bền vững nhằm mục đích hồi phục nguồn nước ngầm, bảo vệ môi trường, hỗ trợ sinh kế cho người dân, thúc đẩy du lịch sinh thái, góp phần vào sự phát triển của tỉnh. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu khả năng hợp tác và triển khai các dự án khoa học như bảo tồn một số loài thực vật, dược liệu quý của địa phương. Bên cạnh đó, Quỹ Sống đã trao đổi sơ bộ và chuẩn bị khởi xướng hợp tác với tỉnh Quảng Nam triển khai các dự án trồng rừng hỗ trợ sinh kế cho người dân khu vực thuỷ điện. Riêng với Sóc Trăng, sau khi tham khảo ý kiến của các chuyên gia sinh thái, Quỹ quyết định không tiếp tục mở rộng diện tích rừng trồng, mà sẽ sẽ tiến hành bàn giao mô hình dự án cho Uỷ ban Nhân dân tỉnh, từ đó, các cơ quan quản lý trồng rừng của tỉnh có thể tiếp tục hợp tác cùng tổ trồng rừng Hạnh Phúc Xanh để chăm sóc và bảo vệ các lô rừng đã trồng từ năm 2021 đến hết 2024.
Chương trình River Ơi: Sẽ có 2 mảng hoạt động chính. Thứ nhất là tiến hành nghiên cứu, tổ chức hội thảo, triển lãm, nói chuyện chuyên đề để tài liệu hoá, xuất bản nhằm mục đích chuyển giao, lan toả các dự án, mô hình thành công. Tiếp sau cuốn “Cẩm nang Nhà Chống Lũ”, Quỹ mong muốn tiếp tục thực hiện việc nghiên cứu, hội thảo chuyên đề về dự án “Làng Hạnh Phúc”, dự án trồng rừng “Forest Symphony” (Giao hưởng Rừng xanh) của Hạnh Phúc Xanh để viết sách về các mô hình phát triển cộng đồng dựa trên thực tế triển khai. Thứ hai là phát triển, hợp tác và triển khai các dự án hỗ trợ giáo dục cho trẻ em ở các vùng chịu ảnh hưởng bởi thiên tai và biến đổi khí hậu. Trong đó, Quỹ sẽ chính thức đưa các hoạt động thúc đẩy, hỗ trợ giáo dục của Quỹ học bổng Tay cộng Tay - HandsOn vào chương trình River Ơi của mình, đồng thời tìm khả năng nhân rộng ra các địa bàn phù hợp mà Quỹ đang triển khai Nhà Chống Lũ và Hạnh Phúc Xanh. HandsOn sẽ trở thành một dự án giáo dục nằm trong chương trình hành động của Sống.
‼️ Quyền hi vọng vào một Tương lai Bền vững
Năm mới 2025 đang đến với tất cả chúng ta, mở ra những vận hội mới, tất nhiên cũng sẽ có nhiều cơ hội và cả những thách thức. Tuy nhiên, trước những chỉ dấu của những thay đổi tích cực đang diễn ra, tôi tin là chúng ta có quyền tin và hi vọng vào một tương lai bền vững hơn cho cộng đồng, cho Việt Nam. Tôi cùng các đồng đội đã cho mình cái quyền hi vọng và sẽ nỗ lực hết sức để hành động vì những hi vọng ấy. Mong rằng các bạn sẽ tiếp tục tin tưởng, ủng hộ và chung tay cùng tôi, cùng Sống để cùng nhau kiến tạo một tương lai vững bền và tốt đẹp hơn cho chính chúng ta, con cháu mai sau và Thiên Nhiên tươi đẹp của Việt Nam.
Thay mặt Quỹ Sống, tôi xin một lần nữa bày tỏ lòng biết ơn và gửi lời chúc một Năm Mới 2025 thật nhiều sức khoẻ, bình an và thành công tới tất cả những người-bạn-đồng-hành đã, đang và tiếp tục tin tưởng và chung tay cùng Sống hành động vì cuộc Sống Bền Vững của cộng đồng.
Trân trọng,
Phạm Thị Hương Giang (Jang Kều)
Sáng lập & Chủ tịch Quỹ
📸 Ảnh bác Khải ở Hương Sơn, Hà Tĩnh được một nhà báo chụp khi đi thăm các gia đình sau trận lũ năm 2017. Bác hào hứng và tự hào kể về căn nhà của mình được NCL hỗ trợ xây ra sao. Nhà báo do có biết tôi trên mạng nên đã gọi cho tôi bằng FB và đề nghị tôi nói chuyện với bác Khải vì bác muốn gửi lời cám ơn và kể cho tôi nghe về ngôi nhà của mình.
Comments