Ông Daisuke Inoue (hiện 81 tuổi, ngụ tỉnh Hyogo, Nhật Bản) không thể ngờ rằng chiếc máy hát karaoke mà mình sáng chế năm 1969 đã trở thành phổ biến toàn cầu như ngày nay. Chiếc máy hát ấy đã mang đến giải Ig Nobel cho ông và ông đã được mời tới Đại học Harvard để nhận giải vì phát minh ra karaoke và cung cấp một phương pháp hoàn toàn mới để "mọi người học cách bao dung lẫn nhau". Không những thế, Inoue còn được tạp chí Time đã vinh danh là một trong số 20 người châu Á hàng đầu của thế kỷ XX vào năm 1999. Gần 55 năm kể từ ngày chiếc máy karaoke đầu tiên ra đời, phát minh này đã ngày càng có ý nghĩa hơn với thế giới hiện đại đặc biệt là Châu Á. Nó không chỉ dạy người ta ca hát mà còn giúp mọi người giải trí, bớt cô đơn và trở nên gần nhau hơn. Chính vì vậy, mà nó phổ biến đến mức có tới 22.000 quán karaoke ở Thượng Hải, 35.316 noraebangs (“quán karaoke” trong tiếng Hàn) ở Hàn Quốc vào năm cao điểm nhất 2011. Tới mức, nhà nghiên cứu văn hoá người Đức sống và làm việc tại Nam Kinh (Trung Quốc) Nicole Nieraad-Schalke đã đặt câu hỏi: “Tại sao người Châu Á dành nửa cuộc đời của mình trong các quán karaoke?”.
Karaoke bắt đầu có mặt ở Việt Nam vào năm những năm 1990 và nhanh chóng thu hút sự chú ý của mọi tầng lớp và lứa tuổi tại Việt Nam. Có thể nói, karaoke bùng nổ khắp các đô thị và nông thôn, nhà nhà ca hát, người người ca hát. Tính đến nay, Việt Nam có khoảng 37.000 cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường. Tuy nhiên, chưa có một con số thống kê số máy hát karaoke và loa kẹo kéo cắm điện thoại vào hát tại nhà là bao nhiêu. Con số chắc chắn phải lên tới hàng trăm ngàn, có khi tới cả triệu chiếc máy có mặt ở các gia đình - những chiếc máy giúp người ta xả stress, những chiếc máy gắn kết các thế hệ, các thành viên trong nhà, gắn kết xóm giềng, những chiếc máy mang cả những giấc mơ đổi đời, trở thành ca sĩ nổi tiếng của biết bao người ở các lứa tuổi. Những chiếc máy còn là phương tiện để lan toả những bài hát mới của các ca sĩ có chút tiếng tăm. Phải công nhận rằng, nhờ có karaoke mà rất nhiều tài năng ca hát được phát hiện. Từ chỗ chỉ hát ở nhà, một số đã tự tin hát tại các tụ điểm công cộng như quán cafe, quán bar, vũ trường, nhà hàng, rồi tham gia các cuộc thi âm nhạc để bước chân vào showbiz.
Đúng là karaoke đã cung cấp một phương pháp hoàn toàn mới để mọi người kết nối và “học cách bao dung lẫn nhau". Thế nhưng, ông Inoue đã không tính đến việc karaoke từ một cỗ máy giải trí có thể trở thành "hung thần" gây nên ô nhiễm tiếng ồn và các mâu thuẫn, bạo lực trong xã hội. Ở Việt Nam, karaoke dường như đang khiến nhiều xóm làng, khu phố chia rẽ, trở thành nỗi khổ của nhiều người. Phản ứng ngược này có lẽ là điều mà ông Daisuke Inoue không bao giờ ngờ tới. Một khảo sát năm 2017 cho thấy có từ 10 đến 15 triệu người ở Việt Nam phải chịu đựng "hung thần karaoke", tuy nhiên, tôi tin con số này hiện nay sẽ phải gấp đôi bởi sự xuất hiện đến mức quá phổ biến của loa kẹo kéo trong những năm gần đây. Giờ đây người ta chẳng cần máy hát karaoke, hay đầu video, đầu đĩa VCD để hát, người ta chỉ cần cắm một chiếc điện thoại thông minh vào chiếc loa kẹo kéo là có thể hát mọi lúc, mọi nơi.
Tôi đã chứng kiến một nhóm người trong quán lẩu hè phố ở một phố cổ Hà Nội vừa ăn vừa hát bằng chiếc điện thoại cắm vào loa kẹo kéo. Thậm chí có những khu vực, vài chiếc loa từ các quán vỉa hè khác nhau cùng phát một lúc. Cũng theo khảo sát năm 2017, tiếng ồn tại nhiều nơi thuộc 2 thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội cũng vượt ngưỡng an toàn 70 decibel. Ở nông thôn, tình hình cũng không khá hơn, thậm chí ngày càng tệ đi. Khắp các tỉnh tôi đã đến đều có vấn nạn karaoke. Tôi đã thấy rất nhiều hộ dân ở một ngôi làng người Khmer ở Sóc Trăng sở hữu loa kẹo kéo với công suất khác nhau. Cứ bắt đầu bữa cơm là người ta vừa ca, vừa ăn. Tôi từng chứng kiến những đứa trẻ ngồi ở giường làm bài tập buổi tối trong khi bố mẹ và hàng xóm hát karaoke rất to ngay bên cạnh. Điều đáng nói là nhiều gia đình ở làng rất rất nghèo, và tài sản quý nhất của họ chỉ là…chiếc loa kẹo kéo. Người ta không có tiền để mua sắm, cho con đi học, nhưng sẵn sàng chắt bóp, tiết kiệm để có vài triệu mua một chiếc loa. Ngôi làng chỉ cách đó 2 năm vốn vô cùng bình yên, tôi đã từng nghĩ sẽ tìm cách giới thiệu cho các công ty tour, event để đưa khách đến làm teambuilding, ở homestay cùng người dân vì đặc điểm tự nhiên rất đặc trưng của vùng đất này. Nhưng giờ đây, tối nào cũng ầm ầm những âm thanh tiếng nhạc, tiếng hát của rất nhiều gia đình. Nhà nào kinh tế khá hơn sẽ có loa công suất lớn hơn, át những nhà khác. Tôi chưa thấy cán bộ địa bàn kể cho tôi nghe về những vụ mẫu thuẫn, đánh lộn do karaoke ở đây, nhưng tôi tin chắc là sẽ có.
Năm 2002-2003, tôi sống và học tập ở Hàn Quốc. Và tất nhiên, với “truyền thống” hát karaoke có tiếng của người Việt, tôi rất hay cùng bạn bè đi noraebangs. Ở đó, có những phòng hát từ nhỏ đến lớn được cách âm rất tốt. Sinh viên chúng tôi thường đi những nơi có giá dịch vụ rẻ, chủ yếu ở dưới tầng hầm của các toà nhà trong khu kí túc xá, hoặc hầm của một số toà nhà nhỏ trên phố. Tất nhiên là không tạo ra tiếng ồn cho những người sinh sống lân cận. Và karaoke đã phát huy tác dụng rất tuyệt vời, là phương tiện giải trí, kết nối cho những sinh viên chỉ sống bằng học bổng như chúng tôi. Tôi cũng có dịp thăm và đi chơi, đi hát cùng những người Việt Nam sinh sống và làm việc ở Hàn Quốc. Ai ai cũng có nhu cầu đi hát karaoke, kể cả không hát, chỉ ngồi với bạn bè thôi, cũng rất vui và thoải mái. Nhưng tôi tuyệt nhiên không thấy một gia đình nào có máy hát karaoke tại nhà và hát ông ổng làm ảnh hưởng đến hàng xóm. Một số gia đình có xây phòng hát trong nhà, nhưng các phòng này được cách âm rất tốt, bởi vì chính gia đình còn muốn bảo vệ sự yên tĩnh và sức khoẻ của những thành viên còn lại không tham gia hát. Ví như những đứa trẻ còn cần học bài ở nhà hay những người già cần được nghỉ ngơi.
Chúng ta không thể cấm các gia đình sở hữu các máy hát karaoke hay loa kẹo kéo. Tuy nhiên, cần phải có chế tài quản lý chặt chẽ và nghiêm khắc loại hình giải trí này. Bởi đó không đơn giản là làm phiền người khác. Đó là ô nhiễm tiếng ồn. Nghị định 45/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường đã được ban hành làm dấy lên hy vọng vấn nạn này có thể ngăn chặn và xử lý triệt để. Mức xử phạt khá cao, có thể lên đến 160-320 triệu đồng (cá nhân - tổ chức) nếu vượt quá 40 dBA (căn cứ vào mức độ tiếng ồn). Quy định hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn khá cụ thể. Xác định rõ người có trách nhiệm, có thẩm quyền xử phạt là chính quyền cấp cơ sở. Mức xử phạt thấp nhất từ 1-5 triệu đồng với hành vi tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 2 dBA đến dưới 5 dBA. Với hành vi này, Chủ tịch UBND xã/phường có thẩm quyền xử phạt. Để xử phạt, cơ quan chức năng sẽ thực hiện trưng cầu giám định, đo đạc, phân tích tiếng ồn. Người bị xử phạt có trách nhiệm chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường. Văn bản luật pháp thì đã có, vấn đề tuỳ thuộc vào sự kiên quyết và chuyên nghiệp của người hành pháp.
Mỗi người ai cũng có quyền được hát karaoke, được giải trí nhưng không có quyền làm ảnh hưởng đến người khác theo quy định của pháp luật. Và các chính quyền cơ sở cần có những phương thức thực thi pháp luật để bảo vệ môi trường âm thanh, và tránh cho những mâu thuẫn, xunh đột, thậm chí tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. Trước đây, báo cũng đã đăng về một người đàn ông ở Hà Nội bị bắt vì dọa ném bom xăng vào nhà hàng xóm thích khoe giọng. Rồi có một người khác ở Huế đã đâm hàng xóm vì họ không chịu vặn nhỏ loa khi hát karaoke. Search từ khoá “làm sao phá sóng karaoke” trong 0.3 giây có tới 1.8 triệu kết quả, đủ thấy người ta phát điên vì vấn nạn này như thế nào. Ở Malaysia, có một người đàn ông đã bị đâm chết, và một người Thái cũng đã giết chết 8 người hàng xóm của mình sau khi họ suốt ngày cùng nhau hát “country roads, take me home”. Bài hát “My Way” của Frank Sinatra thậm chí đã bị cấm ở các quán karaoke ở Philippines sau khi có ít nhất 6 người bị giết chết khi hát đi hát lại bài này. Những chuyện như thế khiến cho karaoke không còn là một sở thích hay sự giải trí nữa. Nó quả thực là một cơn ác mộng, là kẻ thù số một của cộng đồng nếu không được quản lý kiên quyết và chuyên nghiệp.
Chúng ta dù sao cũng vẫn yêu karaoke và bao dung với loại hình giải trí này, nhỉ?
Comentarios