Trong quá trình hoạt động xã hội, kể từ khi còn là sinh viên làm các CLB hay đi làm dự án của UNDP hay tới khi làm các dự án và chương trình của Sống như Nhà Chống Lũ hay Hạnh Phúc Xanh, tôi thường bắt gặp những tranh luận, “buộc tội”, ngợi ca… của cộng đồng về vấn đề này. Không phải và không chỉ là dành cho tôi và những cộng sự, mà cho những người hoạt động xã hội và hay lên tiếng về các vấn đề xã hội nói chung. Vì không chỉ làm việc xã hội, tôi rất bận làm kinh doanh, nên rất ít thời gian tham gia vào các diễn đàn, hội nhóm, tranh luận trên tường nhà người khác. Thông thường tôi chỉ viết và phản biện trên FB của cá nhân mình. Nên xin một lần chia sẻ quan điểm của mình về việc này cho các bạn quan tâm.
Thời sinh viên đại học, tôi có 2 đam mê: kiếm tiền và làm việc cộng đồng. Tôi say sưa từ đi dạy đến mở trung tâm gia sư, trung tâm ngoại ngữ, trung tâm khiêu vũ, buôn quần áo Việt Nam xuất khẩu, đi dịch, viết báo… Thời gian rảnh rỗi tôi dạy học miễn phí hoặc lấy phí rất tượng trưng cho một số học sinh (“cứng đầu”), mở một câu lạc bộ nói tiếng Anh, sau này làm câu lạc bộ vespa cổ. Nói chung, tôi thích kiếm tiền để có điều kiện phục vụ đam mê làm việc cộng đồng của mình. Năm thứ 4 và thứ 5 Đại học, tôi đi làm dự án bảo vệ môi trường của UNDP. Trong thời gian làm việc tại các tỉnh miền Trung, tôi tranh thủ dạy tiếng Anh, làm một nhóm khiêu vũ cổ điển (mặc dù tôi làm chuyện này rất dở), dạy bóng bàn cho các đồng nghiệp. Tất nhiên là ở thời điểm đó, tôi chưa đủ trình độ, hiểu biết và kinh nghiệm để tham gia phản biện xã hội hay làm một dự án lớn nào cho ra tấm ra món. Nhưng (và nên) nhìn chung, tôi được đánh giá là người có tâm, vì cộng đồng, ở một phạm vi hẹp.
Tôi cũng đồng ý với nhận xét chung đó. Nhưng tôi nghĩ, tôi thích làm những việc cho cộng đồng, những việc mà mọi người hay nói là “ôm rơm rậm bụng” đó vì tôi là một người yêu nước, hay nói đúng hơn là yêu tổ quốc mình, yêu dân tộc mình. Cũng có thể bằng cách nào đó, tôi được “thừa kế” lòng yêu nước từ ông ngoại tôi, một nhà hoạt động cách mạng (dù sau này ông đã bị xử oan sau khi được phân công chui vào hàng ngũ của Pháp và làm quan chức cao cấp của họ), như bố tôi, một người lính yêu nước nhiệt thành, hay mẹ tôi, đại biểu HĐND suốt mấy nhiệm kỳ.
Tôi xác định được con đường mình sẽ theo đuổi, là làm phát triển, từ khi tôi làm dự án bảo vệ môi trường ở miền Trung, năm 2000-2001. Vì muốn làm thật sự bài bản và đúng ý của mình, tôi vẫn phải làm kinh doanh để có điều kiện chủ động hơn, nhất là khi đưa ra mô hình hoạt động mới, cần phải chủ động cả về chi phí và thời gian.
Và bởi tôi luôn vững niềm tin vào những điều tử tế, được gặp rất nhiều lãnh đạo, quan chức giỏi giang, tử tế, nên tôi muốn làm một Quỹ đàng hoàng, do nhà nước quản lý. Sau khi làm dự án Nhà Chống Lũ được gần 3 năm, tôi và cộng sự của mình quyết định đăng kí thành lập Quỹ xã hội Phi lợi nhuận do Bộ Nội Vụ trực tiếp quản lý. Để xin được giấy phép với quy mô và lĩnh vực hoạt động của mình, chúng tôi phải trải qua quy trình phê duyệt của tổng cộng 10 bộ, ban, ngành. Thậm chí, cần có ý kiến của một vị trong Ban bí thư TW về việc phê duyệt giấy phép cho Quỹ. Cuối cùng, sau gần 3 năm, team NCL đã có giấy phép hoạt động và giấy phép gây quỹ. Chúng tôi không chọn thành lập DNXH hay tổ chức VNGO dù dễ dàng hơn rất nhiều. Bởi chúng tôi xác định rất rõ mình làm theo Phương pháp Chung tay, trong đó Quỹ Sống phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và người dân hưởng lợi. Không có một dự án hay hoạt động nào của Quỹ Sống mà không phối hợp, thậm chí có sự đóng góp của chính quyền địa phương. Cá biệt có dự án Làng Hạnh Phúc, phần đóng góp của chính quyền, từ ngân sách Nhà Nước ước tính lên tới gần 80%!!!
Thế nên những người nói rằng chị Jang Kều, hay Nhà Chống Lũ, hay Hạnh Phúc Xanh, hay Quỹ Sống là phản động, là chửi hay chống đối chính quyền, chỉ có 2 loại: 1. Là rất ngu, không đủ khả năng nhận thức, hiểu biết để hiểu thấu đáo vấn đề 2. Là bọn phản động, không rủ rê được chúng tôi tham gia hoặc hùa theo cách hoạt động chống đối Nhà Nước của chúng, nên dùng chiêu bài “vu khống” để… “nó cũng như mình”, lập lở, có khi lại tránh rủi ro và được hưởng lợi!
Trong quá trình hoạt động, tôi và Quỹ Sống cũng bị không ít các nhóm tự xưng là yêu nước, dân chủ… nhận xét và gán cho chiếc mũ là bọn đi theo đuôi và ủng hộ chính quyền, không thực sự dân chủ, không thực sự vì cộng đồng, chỉ dân tuý mà thôi! Về loại buộc tội số 2 này thì tôi cũng xin nói rõ: từ khi NCL bắt đầu có uy tín, chúng tôi nhận được không ít sự “kết nối”, lôi kéo chúng tôi phải “đứng về phía nhân dân”, phản đối chính quyền, hoặc có thể dùng một khái niệm chung là phải có quan điểm chính trị khác với hệ thống cầm quyền hiện thời! Và tất nhiên là chúng tôi luôn từ chối! Bởi lí do tôi cũng đã phân tích ở trên!
Chính vì vậy, Sống và các chương trình, dự án của mình đã từ chối các khoản tài trợ quốc tế mà chỉ gây quỹ từ cộng đồng, từ từng cá nhân và doanh nghiệp Việt Nam dù cách này vô cùng vất vả. Chúng tôi không có những khoản tài trợ hàng trăm ngàn hay hàng triệu đô để chỉ ung dung làm mà hàng năm, từng chiến dịch, đi “nhặt” từng đồng từ bán áo thun, đấu giá tranh, nhận tiền ủng hộ từ 10.000 đồng. Mỗi một chiến dịch trồng cây hay xây nhà, cả team chúng tôi “mửa mặt” gây quỹ, đo đếm từng đồng để làm sao vẫn thực hiện được kế hoạch đã lên dựa trên những nghiên cứu, khảo sát từ năm trước. Hơn ai hết, nếu bạn hỏi bất cứ một người nào đã từng làm Sống, họ sẽ kể cho bạn biết họ và đồng đội vất vả như thế nào khi lựa chọn mô hình Quỹ xã hội mà KHÔNG PHẢI TỪ THIỆN.
Cần phải lưu ý với các bạn điểm này, gây quỹ từ thiện sẽ dễ dàng hơn rất nhiều vì tập trung làm từng đợt rồi chi, triển khai thôi. Còn làm phát triển, làm sao để người dân đóng góp, hiểu và tham gia “3-Co”: Co-Design, Co-Financing, Co-Construction. Làm sao để chính quyền địa phương, hiểu và cam kết hỗ trợ, phối hợp, đóng góp? Điều đó cũng khó không kém! Từ những năm đầu chỉ nhận được những cái lắc đầu, hoặc thờ ơ, thì nay, 100% số tỉnh, thành phố mà Quỹ hoạt động, chúng tôi đều kí kết và nhận được sự ủng hộ của tỉnh, rồi huyện, rồi xã, cả về mặt quản lý Nhà Nước, ngân sách và chuyên môn!
Và như vậy là phản động ư, chống đối chính quyền ư? Ai nói và nghĩ vậy thì quá ngu! Xin mời đọc bài viết này 10 lần cho thông não!
Một luận điểm số 3 dùng để buộc tội hay vu khống chúng tôi của cả nhóm người thiếu hiểu biết và cả nhóm người tự xưng là trí thức: Chị Jang Kều và/hoặc Quỹ Sống tham gia vào các Kiến nghị hay lên tiếng phản đối việc phá môi trường, phá di sản là phản động, là chống đối chính quyền, là đẩy lùi sự phát triển!!! Luận điểm này rất hay được các nhà “nguỵ biện học” sử dụng, và cũng vừa được vài tri thức bênh vực một nhà khoa học sử dụng để buộc tội tôi ;)
Tôi phải nói thế này này. Tất cả các kiến nghị hay lên tiếng phản đối của tôi và Quỹ Sống chỉ nằm trong 2 mảng duy nhất: Bảo vệ Di sản Thiên nhiên & Văn hoá, Bảo vệ cuộc sống an toàn cho người dân trước Thiên tai và Biến đổi Khí hậu! Chúng tôi không đủ chuyên môn và thời gian đi ra khỏi địa hạt tri thức và hoạt động của mình. Chúng tôi làm được chính mảng đó, thì chúng tôi mới nói, không phải nói cho hay, bạ mảng nào cũng nói. Nếu thấy bất cứ cái gì cũng chê mà anh chẳng làm gì, chỉ võ mồm, thì anh nên … im bớt cho đỡ rối loạn xã hội. Đó là quan điểm của chúng tôi!
Hơn nữa, và quan trọng nhất, đó là (chúng) tôi phân tích vào Vấn đề (Problem/Issue), chứ không bao giờ tấn công Con người (People). Chúng tôi tập hợp các chuyên gia đa ngành có uy tín và có liên quan đến chủ đề đó để phân tích, thảo luận, đưa ra các Đề xuất gửi tới Chính quyền, để Chính quyền xem xét kĩ hơn các dự án, xem đã đánh giá TĐMT kĩ chưa, đánh giá các yếu tố an toàn, bền vững trong dài hạn cho cộng đồng, đất nước và cho chính Doanh nghiệp đầu tư dự án đó chưa. Để từ đó các nhà quản lý có thể yêu cầu và cùng Nhà đầu tư đánh giá kĩ, xem xét hoặc có thể điều chỉnh. Chúng mong muốn nhờ đó mà các dự án toàn diện hơn, có tác động tích cực hơn cho con người - môi trường - văn hoá, và mang lại lợi ích lâu dài cho chính nhà đầu tư.
Nhiều lần kiến nghị, chúng tôi cũng nhận được các ý kiến phản hồi từ chính quyền, thậm chí từ Thủ tướng, Chủ tịch nước… Thành viên trong các nhóm Kiến nghị mà tôi và Sống đã tham gia, rất nhiều người làm trong các cơ quan Nhà nước, rất nhiều người hiện vẫn đang là chuyên gia cố vấn cho Chính phủ, các thành phố, thậm chí có cả các Đại biểu Quốc hội! Cá nhân tôi đã nhiều lần tham gia vào các nhóm cố vấn như vậy!
Thế mà được gọi là chửi Chính quyền, chống đối Chính quyền ư mấy “chí” thức???
Hãy uốn lưỡi 7 lần trước khi nói, nhất là nói đến những chủ đề nghiêm túc như Lòng-Yêu-Nước hay Sự-Phản-Động nhé! Dù có học vấn cao thì chúng ta cũng rất dễ rơi vào Thói-Nguỵ-Biện và Chụp-Mũ một cách ngu xuẩn! Nên đừng dễ dàng mở miệng hay cào phím để nhận xét hay buộc tội ai đó nếu chưa hiểu rõ thấu đáo hay biết rõ điều mình đang nói!
JK, 22/12/2023 -
Kommentare