top of page

Bà con còn gì khi thóc lúa nảy mầm???

Updated: Oct 8, 2021

Hết bão, tôi chạy xe đi thăm các cánh đồng lúa của bà con khắp Hội An. Thấy mỗi bên Đồng Giá là đã kịp thời thu hoạch, còn các nơi khác ngổn ngang đổ rạp. Nhìn đau xót vô cùng. Sáng nay, tôi lại đi thăm các ruộng, hỏi han người trồng, thì ôi thôi, việc thu hoạch chậm cho những đồng lúa đã chín vàng, sau một đợt mưa, lúa không những đổ rạp mà còn nẩy mầm hết, cả ở trên cây, cả những hạt rơi xuống ruộng! Vậy bà con làm được gì với số thóc lúa này??? Mất tất cả rồi!!! Người mếu máo, người phẫn uất vì không còn gì nữa. Lí do không phải chỉ thiên tai, mà còn là nhân tai… Bà con muốn gặt mà máy không tới!!!

Rồi tôi tìm hiểu, thì đọc được những lời này từ FB của anh Trương Tấn Thọ, ôi, nghe sao mà ai oán quá:


“HAY MẤY ANH EM ĐẦU TƯ CÁI MÁY GẶT, ĐẬP, CẮT…🥴


Hôm kia, những ngày trước bão lo chống chằng lại vườn, xưởng. Mình điện thoại về cho má, nhưng má không nghe máy. Mình nói với đứa em:

- Má gặt lúa xong chưa?

- Chưa anh! Xe không vô.


Mình nói nó, về nói má: “Thôi, không luyến tiếc chi nữa, coi như năm xui, tháng hạn. Đám lúa nếp ấy coi như bỏ rồi. Em nói má đừng buồn”.


Chuyện của má chẳng có gì ly kỳ cả. Ngoài những đám ruộng nho nhỏ má thích làm và lo toan theo nó đã thành nếp. Những việc còn lại má cũng chẳng bận tâm. Ruộng, vườn đã đeo bám theo người nông dân suốt cả quãng đời, cho dù sống trong nhàn hạ vẫn không ngơi nghỉ. Nếp quen là vậy!


Mình về sống gần má được 6 năm rồi. 6 năm là 12 mùa lúa, là 12 lần mình nghe má than phiền về chuyện cấy gặt. Những tranh giành địa bàn trên cánh đồng gặt từ những chủ phương tiện gặt lúa thuê kia khiến những người nông dân lao đao. Chỗ má ở chỉ vài ba chiếc xe gặt lúa đời cũ, họ độc quyền chuyện gặt trên cánh đồng này. Những xe từ nơi khác không dám đến, vì đến sẽ nhận lời hăm he, thách thức... thiếu điều đổ máu xảy ra.


Sự giành giật kia chẳng là vấn đề gì nếu như nó không tồn tại cái thói vô trách nhiệm, kẻ cả, phóng túng của chủ xe. Từ lâu rồi, những người nông dân khi đến mùa gặt phải cầu luỵ, phải chờ đợi, phải giận dữ và phẫn uất trước sự tuỳ tiện thu hoạch của những nhà xe đó. Họ thích gặt đâu thì gặt, tự định đoạt. Đụng đến nặng nhẹ thì sẽ bị chửi bới không thương tiếc. Mình hay nói, đây là những ông trời con xứ ruộng.


Hôm trước mình có hỏi ông anh: Nếu như tìm một ai đó đầu tư cho anh chiếc xe gặt lúa để anh phục vụ giúp bà con thì có được không? Anh cười và nói: “Chắc không được.”


Thật sự cũng khó, mình biết là rất khó để làm nên chuyện đó. Bởi, những chuyện như vậy ngoài sự giúp đỡ nhau một cách chân thành, bỏ hết những nề hà công việc để toàn tâm, toàn ý thì quả là khó. Sự vất vả đó chỉ cần một và giây phút suy nghĩ hoặc có khái niệm ban ơn thì nó trở thành công cốc ngay. Sẽ tan tành mọi công sức và ý nghĩa tốt đẹp lúc trước.


Suy cho cùng thì đây cũng nghiệp của nhà nông. Ngày trước thô sơ thì chạy mưa, chạy gió, chạy công. Bây giờ tiến lên một bước thì chạy làng với đám chủ xe. Kiểu gì cũng vất vả. Những nơi may mắn thoát được cảnh chèn ép này thì tui gọi là tổ nghiệp đãi. Còn như bị dính thì đành chịu. Nhưng không phải nghiệp quật mô, mà nó là xe quật. Xót thay.”


😢 Ôi, vai trò điều tiết của chính quyền địa phương ở đâu, mà lại để tình trạng này xảy ra??? Tôi lại cứ nghĩ bà con giống tôi, cố để lúa chín hơn, không may bị bão! Hoá ra không phải! Tôi trồng giống lúa khác, lớn chậm, thời gian dài ngày hơn. Nên khi bão đến lúa vẫn còn xanh, lại chăm bón hữu cơ hoàn toàn nên cây lúa trộm vía rất khoẻ. Không sao cả. Nhưng bà con khác, giống của họ ngắn ngày hơn, mấy hôm trước bão, lúa của họ đa số đã chín vàng, họ muốn thu hoạch, nhưng mà máy gặt không tới. Hoá ra ở đây, việc gặt lúa được “phân chia” theo khu vực mà không ai điều tiết, hoàn toàn phụ thuộc vào chủ máy được “độc quyền” khu vực đó! Bà con chỉ còn biết ôm mặt kêu trời, vì không có máy nào gặt dù họ rất muốn!!! Sao lại lạ như vậy?


Tôi mới trồng lúa được vụ thứ hai, nhưng cũng đủ thấm được trồng ra hạt gạo vất vả đến mức nào. Tôi muốn tìm hiểu thêm, và có câu trả lời từ phía chính quyền, tại sao lại có “những ông trời con xứ ruộng”. Dịch bệnh gần 2 năm trời, bà con chỉ còn chút ruộng cỏn con để bấu víu, vậy mà mất tất cả!!! Ai sẽ cứu bà con đây???








bottom of page