Kể chuyện chơi & “trùng tu” vespa cổ
Mình chơi một số món cổ trong đó có xe cổ. Và trong xe cổ thì “đậm đặc” nhất là vespa cổ. Mình biết đến ẻm vespa đầu tiên khi ông Kếu anh trai mình rước một em mini về năm 1996. Thế là mình bước vào kỷ nguyên ngồi sau chiếc xe nổ tành tành và khói nghi ngút. Nhưng khói đã sao, vì hai em anh cho dầu thơm vào chút cho thơm, để quần áo đầu tóc có mùi thơm và khét của khói. Tuy vậy, kỷ niệm với mình về ẻm là suốt ngày chết máy và ông Kếu cứ gò lưng ra đạp nổ hoặc tháo bugi ra rửa rửa lau lau, mình đứng vêu mặt ra đợi. Thành công thì lại hớn hở đi tiếp. Thất bại thì ông anh dắt xe, mình cứ lếch thếch đi theo sau hoặc nếu lên dốc thì mình còn phải chổng mông đẩy…
Rồi không nhớ là bao lâu, cõ lẽ hơn 1 năm, ông ấy đã giã biệt em yêu mini và rước về một “chàng hoàng tử đen”! Nói đến đây chắc dân chơi xe cổ biết, đó là một anh chàng CD Benly. Thế là mình tạm xa vespa từ hồi đó. Rồi 2004 có cuộc Những người bạn Vespa offline ở Huế, anh mình định đi, đáng nhẽ mình sẽ được bám đít theo. Tất cả bạn bè chơi xe của ông ấy đều đi, thậm chí cả nhóm Cào Cào hay CD Benly. Nhưng ông ấy không đi nên mình… tịt!
Tới 2005, Lễ hội Vespa cổ ở Đà Lạt tổ chức tưng bừng lắm, mình cùng với anh chị em Vespa cổ Hà Nội hẹn nhóm Saigon rồi chạy từ Nhà Thờ Đức Bà đến Đà Lạt. Chuyến đi tuyệt vời và từ đây mình chính thức gia nhập gia đình Những người bạn Vespa. Mình đã cưới về một em “acma” đẹp lung linh, được mệnh danh là Nữ hoàng Vespa. Ẻm màu vàng cam pha trắng, được độ theo kiểu siêu điệu, hơi giống acma mà máy standard. Người gả ẻm cho mình là anh Hùng, đội trưởng đội Vespa Đà Lạt. Mình đặt tên ẻm là Giọt nắng Langbiang do mình và anh Hùng “chốt” cuộc cưới hỏi này trên đỉnh núi Langbiang mà.
Giọt nắng Langbiang chạy êm ru, máy ngon khủng khiếp. Thế là khi đi thì ngồi sau xe một anh chàng Vespian, lúc về mình ôm em Giọt nắng chạy một mạch về Sài Gòn. Sau đó mình đưa nàng ra Hà Nội. Và con đường nghiện ngập bắt đầu! Mình đã trở thành Chủ tịch Hội Vespa cổ Hà Nội sau đó và cứ thế là ngày ngày offline với đồng đội dù khi đó mình mới khởi nghiệp lại sau 3 lần phá sản^^. Không chỉ ngày ngày, hồi đó có ngày hội họp 2 lần, sáng và chiều tối rồi suốt đêm, có những nhóm nhỏ còn hẹn nhau ăn trưa nữa. Thật sự là trừ lúc đi làm văn phòng còn lại toàn bộ thời gian là vespa.
Rồi được học hỏi từ các đại ca như Long Play, anh Kiên, anh Chính Chuối, anh Thắng Vespa Sài Gòn, anh Hùng Đà Lạt... Càng chơi càng nghiện, và khi đã ngấm nặng thì mình bắt đầu thích chơi xe zin. Và nguyên tắc chơi là đưa về zin đến mức tối đa. Mọi phụ tùng, máy móc, chi tiết đều để zin, chỉ tút tát dầu mỡ và chỉ thay đồ nếu tìm được món đó cùng dòng, không chơi lai căng. Chả ai chơi acma mà lấy đồ standard hay suprint hay gì gì cả. Đến sơn cũng phải để nguyên bản, zin luôn!!! Chỉ ủ dầu chống mối mọt thôi! Với xe đạp cổ hay các dòng xe khác cũng vậy.
Nhưng có những em zin mà sơn te tua quá, đến mức thủng sàn hay thân thì phải bả (đắp lại) những chỗ thủng, sơn chống rỉ, sơn lại các lớp bên ngoài. Và sơn xong màu cũ tất nhiên lúc này nó sẽ mới toe. Có trường hợp phải thay cả vỏ xe vì nát quá, nhưng phải cùng dòng. Một món nữa rất hay “bị” mới đó là yên xe. Vì chạy lâu yên lún xuống, có thể bị rách hỏng. Và lúc này thì thay lò xo, sửa lại khung yên, may lại da nhưng cùng màu gốc là đen. Tất nhiên không thể là đen bạc bạc nguyên xi theo màu lúc nó đã rách te tua sau vài chục năm được!!!
Tuy nhiên dân chơi xe cổ hiểu biết đều biết đó là xe zin, chơi về zin. Không ai expect sau khi “trùng tu” tức là làm lại thân xe, sơn lại thì xe phải có “màu thời gian” rêu phong cả. Các bạn sơn lại giả cổ hay sơn lại nguyên bản màu gốc đều như nhau hết. Quan trọng là cái xe được giữ zin tối đa! Yên cũng thế, yên miễn là giữ đúng nguyên form, giữ tối đa khung xương yên, chỉ thay lò xo hay ốc vít này nọ khi nó bị hỏng và mục không phục hồi được. Chứ làm sao cái vỏ da mới phải cũ rích, rách nát như cái cũ, chả nhẽ mua cái vỏ da cũ rách nát của một cái xe rách nát cùng thời đắp vào??? Miễn là màu da gốc của xe lúc mới là được!!!
Vì vậy, không phải ai chạy vespa cổ cũng hiểu và biết hoặc thích theo dòng zin!!! Có những người mua xe chỉ miễn là vespa là được rồi, thấy hình dáng cổ cổ, râu ông nọ cắm cằm bà kia cũng ok, vì không biết hoặc cho rằng không quan trọng! Nên đa số xe cổ người ta bán là xe lô, xe đã độ lung tung rồi. Cũng là một dòng chơi. Dòng đó chú ý đến hình thức, óng ả, màu sắc đẹp và miễn là … chạy được 😉 Giống như em Giọt nắng Langbiang của mình ý, rất đẹp, máy rất tốt, chạy xuyên Việt ngon lành, nhưng dân chơi zin hoặc có số má trong giới chơi xe cổ không bao giờ thích, họ thích các em zin hơn. Và giá của zin thì cao ngất trời, lên tới cả trăm tới vài trăm triệu, tuỳ dòng, so với mấy em đèm đẹp kia chỉ 2-3 chục triệu.
Như mình, mình có một em zin tên là Ong Xanh. Em ấy zin hết, mọi chi tiết, yên cũng zin, sơn cũng zin. Tuy nhiên, Ong Xanh có một số chỗ thủng ở vỏ nên mình phải mang ẻm đi bác Tư Trung đắp bả một chút rồi sơn lại giả zin mấy điểm nhỏ nhỏ đó, còn đa số phần sơn còn lại đều zin hết. Chiếc này mình đã bán đấu giá gây quỹ đợt covid rồi. Và mình còn một em zin hết nhưng thân đã được sơn mới màu trắng. Em này có tên Ong Trắng. Em này lại theo “thị hiếu” của mình, để mình dạo phố khi mặc những bộ đồ hiệu sáng sủa. Hồi đó, mình hay mặc quần nilen trắng, mặc áo vest, đeo túi da chéo màu nâu, nên mình muốn ẻm cũng “soành địu” và matching với phong cách của mình. Còn đi gặp anh em Vespa thì mình thích đi cùng em Ong Xanh mà mẹ mình hay gọi là chiếc xe đồng nát! Vì nó có số, có má!!!
Đấy, với xe cổ, câu chuyện “trùng tu” Vespa có nhiều cấp độ nhưng cơ bản sẽ có 3 mức zin tương đối tuyệt đối như em Ong Xanh, hoặc đi hẳn về dòng thời trang như em Giọt nắng Langbiang màu mè, điệu vợi không cần quan tâm sự đồng nhất và tính nguyên bản. Hoặc có thể lưng chừng như em Ong Trắng, cơ bản là zin nhưng vẫn thích nước sơn màu giả cổ hay màu gì đó cho đẹp. Nhưng đó là khi đó là xe của bạn, bạn sở hữu, bạn muốn theo cảm xúc của bạn, thậm chí cảm xúc tuỳ lúc nữa, như mình ý, lúc thì em này, lúc lại em kia, tuỳ chỗ, tuỳ người, tuỳ mood từng hôm của mình. Nhưng Chùa Cầu, hay một công trình nào đó như biệt thự 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài, Hà Nội thì là của chung, người ta không thể theo ông này thích quét ve màu giả cổ, bà kia thích đúng màu gốc nhưng đổi đi một chút cho phù hợp với xunh quanh. 9 người 10 ý, không thể chiều ai và cũng không bao giờ nên chiều ai. Cứ theo màu nguyên gốc lúc mới xây mà làm, dù nó có sáng quá hay dợ quá, đậm quá so với xunh quanh.
Mình thì vẫn thích có nhiều em xe cổ nhưng đúng là xe mình quý nhất là em Ong Xanh (giờ đã bán, một anh bạn mình đã đấu giá và đang sở hữu ẻm). Ai mà chả muốn “di sản” phải nguyên bản, không bị hỏng, nhưng đều muốn nó phải cũ kĩ, có màu thời gian ở mọi thời điểm đúng không??? Nhưng đời mà, không bao giờ tuyệt đối được, do đó, làm cái gì cũng phải có nguyên tắc. Chỉ khi bám vào nguyên tắc thì mới có cơ sở cho những thứ của chung quý giá như di sản. Vì vậy, trùng tu không thể chạy theo thị hiếu và cảm xúc!!!
Comments