top of page

Tôi đã thề không làm từ thiện nữa 12 năm rồi, vậy mà 2 năm nay, tôi không thể giữ lời thề ấy!

Updated: Dec 10, 2021

Bây giờ là 11h đêm, trời đang mưa to, và trên quốc lộ 1A, hàng trăm ngàn người vẫn rồng rắn từng đoàn đi xe máy mải miết trở về quê hương. Đêm qua mới là con số kỷ lục, chỉ riêng một lúc mưa lớn, đã có hàng ngàn lao động hồi hương vượt đèo Hải Vân qua tỉnh Thừa Thiên Huế. Mưa lớn, trời tối không rõ mặt người dù chỉ đứng cách nhau vài bước chân nhưng hàng đoàn người ở Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, nhiều nhất là Hà Giang, Yên Bái, Lạng Sơn, Phú Thọ chở theo đồ đạc, con cái trên những chiếc xe máy rách bươm để vượt đèo. Trên xe là xô chậu, chăn màn, phích nước, xoong nồi, mắc áo, quạt... Nhiều người chở theo con nhỏ mới chỉ vài chục ngày tuổi. Vì đường quá trơn và tối nên các xe máy của người đi đường phải dò dẫm trên đèo, người đi trước rọi đèn cho người phía sau nhích từng mét đường để về phía Thừa Thiên Huế.

Nguồn ảnh: Báo Tuổi Trẻ


Đọc được những dòng tin trên báo sáng sớm nay, tôi không cầm lòng nổi. Hình ảnh những đứa bé lả đi sau mấy ngày đêm liên tục trên xe máy, cha mẹ chúng mắt ngầu lên đỏ rực vì mệt mỏi và bụi đường… Tôi quyết định rủ mấy người bạn ở Hội An gom góp mỗi người một chút, hầu hết góp tiền, mỗi người vài trăm tới vài triệu, người góp quần áo, đồ bảo hộ, rửa tay, khẩu trang, nước rửa. Nhưng chúng tôi thống nhất tặng tiền cho bà con mua xăng, uống nước trên đường.

Và dù hôm nay rất bận, vội vội vàng vàng họp xong lúc 12:10, tôi vội chạy ra xe chị Hà, hai chị em quyết định đi thẳng tới trạm kiểm soát dịch ở Núi Thành, nơi tiếp giáp giữa Quảng Nam và Quảng Ngãi. Trên đường, hai chị em bàn sẽ ghé vào ngân hàng nào đó rút tiền và tìm tiệm tạp hoá nào để mua phong bì, vừa đi vừa nhét phong bì chuẩn bị phát cho bà con. Nhưng đường quốc lộ ở nông thôn, không phải đi qua các trung tâm thị trấn nên mỏi mắt 100km gần tới điểm kiểm soát mới thấy ngân hàng. May quá! Tới 1h30, hai chị em nhớ ra mình chưa ăn gì, thế là tạt vào một quán ven đường mua bánh mì ăn trên xe. Bệnh dịch nên hàng quán hầu như đóng hết.

Đến nơi, chúng tôi nói chuyện với anh trưởng phòng cảnh sát giao thông phụ trách chốt để nhờ các anh hướng dẫn và phối hợp. Các anh đã bắc loa và hướng dẫn bà con rất chu đáo. Các xe đến, vào xét nghiệm, khi có kết quả âm tính thì đi tiếp, và chúng tôi đứng đợi chỗ các xe âm tính đi ra đường quốc lộ để tặng tiền hỗ trợ. Trời vẫn mưa to, vài phút lại có một tốp xe phóng tới, xe nào cũng mặc áo mưa kín mít, và chất đồ đạc cao vút. Mỗi xe thường có hai người lớn ngồi xen giữa đống đồ, một số có thêm từ 1 đến 2 đứa trẻ. Bé bé nhất ngày hôm nay tôi gặp khoảng 2 tháng tuổi, lớn thì khoảng 10 tuổi. Các bé ngồi trong áo mưa của ba mẹ, khi xe dừng lại chúng mới ló đầu ra để thở.

Tôi nói chuyện với bạn Hạnh quê ở Cẩm Thuỷ, Thanh Hoá. Bạn làm ở một nhà máy ở Tân Uyên, Bình Dương. Hai vợ chồng trở về. Bạn bảo cứ phải về thôi vì không còn cách gì để sống rồi sau hơn 3 tháng thất nghiệp. Về đến Thanh Hoá phải cách ly, mỗi người mất hơn 4 triệu, tổng 2 vợ chồng hơn 8 triệu, chưa biết lấy đâu ra để đóng! Tôi hỏi sao mất những hơn 4 triệu 1 người!!! Bạn kể đã gọi điện về hỏi những người phụ trách và được trả lời: tiền điện nước 36k/ngày/ người, tiền ăn 80k/ngày/người. Xét nghiệm 3 lần x 720k/người. Thế là hết hơn 4 triệu! Tôi bảo vậy vợ chồng em đã có số tiền này chưa, Hạnh nói bọn em hết sạch tiền từ cách đây 3 tháng rồi, vẫn phải về, rồi nhờ gia đình vay mượn gửi vào chỗ cách ly cho…!!!

Chúng tôi chứng kiến một cặp vợ chồng xét nghiệm xong rồi, chuẩn bị lên xe, người chồng mệt quá không giữ nổi xe, cả người lẫn xe ngã xuống vũng nước, ướt hết cả đồ, cảnh sát giao thông và cán bộ hỗ trợ phải ra đỡ. Rồi một gia đình có con nhỏ, khi vừa xuống xe, người chồng cũng không chống chân nổi nữa, xe đổ kềnh ra, may mà không đè vào đứa con…

Trên đường trở về, tôi ám ảnh mãi chia sẻ của một cậu người Phú Thọ “Em làm ở Quận 9 trong Sài Gòn, thất nghiệp mấy tháng nay, tiền bạc không có, toàn ăn bằng đồ người ta cứu trợ. Không có tiền trả tiền ở trọ, người chủ không dám lấy tiền, mà giờ người ta cũng nghèo lắm rồi, mình không thể làm phiền người ta. Để ra khỏi Sài Gòn, bọn em phải xét nghiệm, hơn 700 nghìn, phải đi một mạch không được dừng lại trên đường, đêm mỏi quá ghé vào mái hiên ven đường nghỉ một chút. Cũng không thể nhờ vả làm phiền người ta, ai cũng lo sợ bệnh dịch mà. Bọn chị cho em 500 nghìn, thế này là em có đủ tiền xăng xe rồi. Phải cố thôi, hơn 2 ngày nữa là về đến quê. Cứ về đã, bây giờ em cũng chả biết tính như thế nào! Em cám ơn chị nhé!”…

Thôi thì em cứ về đã, bà con cứ về đã, chả biết tính như thế nào! Chính tôi cũng thế, cũng chẳng biết tính như thế nào, chỉ biết cố được chút nào để giúp bất cứ ai đó gặp hoạn nạn trong thời gian này, sẽ giúp chút đó thôi…!


Tôi chưa bao giờ đi phát tiền như thế này. Cũng như năm ngoái tôi cũng thốt lên là chưa bao giờ nghĩ mình trở thành một “chiếc máy ATM gạo di động”, đi khắp nơi phát gạo cho bà con nghèo như thế! Gần hai năm rồi, suốt từ tháng 4/2020 đến nay, tôi đã phải làm cái việc mà tôi đã thề không làm nữa từ năm 2009 - đó là làm từ thiện.

Năm ấy, bão lũ ở Miền Trung khủng khiếp đến mức kỷ lục, tôi tổ chức cho công ty mình cùng nhóm bạn chơi vespa cổ đi cứu trợ ở Đại Lộc (Quảng Nam). Lũ lớn tới mức các cụ trong vùng nói 60 năm rồi chưa bao giờ chứng kiến cơn lũ ghê gớm như thế. Dọc hai bên đường thấy đầy rác rưởi mắc trên dây và cột điện, tới trường tiểu học Ngô Quang Tám tặng sách vở, đồ dùng học tập cho các bé mà nhìn lên tường thấy vết ngập gần 3m, bùn trong trường vẫn chưa được dọn xong. Sau đó, chúng tôi đến thăm nhà các em ở trong làng và được chứng kiến cảnh đồng không mông quạnh, nhà cửa biến mất. Hầu hết người dân chỉ đang dựng tạm những cái lều trên nền đất nhà cũ của mình, vì nhà đã bị trôi hoặc sập mất rồi. Những ánh mắt như ngây dại vì mất mát và vô vọng khiến tôi đi đến một quyết định: cần phải hỗ trợ người dân xây được nhà an toàn. Có an cư mới lập nghiệp được, rồi mới có thể tính đến chuyện học hành, phát triển sau này… Phải giúp họ một cách bền vững để họ có một ngôi nhà an toàn và có tư duy hướng về những giá trị bền vững, chứ cứ giúp đồ ăn, đồ mặc…chỉ ngắn hạn thôi, không giúp họ thay đổi được gì cả. Tôi quyết định từ nay sẽ không tự làm từ thiện kiểu cho tặng nữa!

Mãi 4 năm sau, tức là 2013, tôi mới nghĩ ra mô hình dự án Nhà Chống Lũ và cứ cặm cụi làm nó đến giờ. Năm 2018, dự án đã phát triển trở thành Quỹ Sống với những chương trình phát triển cộng đồng theo phương thức chung tay, trong đó ngoài Nhà Chống Lũ còn có thêm Hạnh Phúc Xanh trồng cây và River Ơi hướng về con-người-bền-vững.

Rồi bất ngờ đại dịch nổ ra từ cuối năm 2019. Và những người đồng bào của tôi vừa có thể nhiễm bệnh, người may mắn thì cũng kiệt quệ sức khoẻ khi chống đỡ, rất nhiều đã tử vong, và họ cũng vừa có thể bị chết đói khi cách ly toàn xã hội. Hàng chục triệu người bị lâm vào bước đường cùng. Thế là tháng 4 năm ngoái, tôi đã bắt đầu làm từ thiện sau 11 năm dừng công việc đó. Tôi đã tự biến mình trở thành một “chiếc máy ATM Gạo Di động” ở Tp HCM, sau đó, tôi viết ”Be Strong Hội An” để Quỹ Sống chính thức bắt tay vào làm một chiến dịch từ thiện. Rồi sang tháng 6/2020, chúng tôi đổi thành “Be Strong Viet Nam” giúp cả tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng và Hà Nội, Hòa Bình nữa.


Dù đã xác định rất rõ “Be Strong Viet Nam” chỉ là một chiến dịch ngắn hạn, tạm thời, chứ không nằm trong định vị, định hướng chiến lược, chương trình hành động của Quỹ vì Quỹ chỉ tập trác các dự án phát triển, nhưng chúng tôi vẫn phải làm. Vì không làm thì ai làm??? Thời điểm chúng tôi bắt tay làm “Be Strong Viet Nam” năm nay, tháng 5/2021 hầu như chưa có tổ chức nào vào cuộc trừ Mặt trận Tổ Quốc và Chữ Thập Đỏ, chỉ có những nhóm tự phát tham gia.

Ba tháng ròng rã trong đó hơn 1 tháng liên tục làm 24/24 khiến chính các thành viên và tình nguyện viên của chiến dịch kiệt sức. Quỹ có 15 người full time mà vẫn phải song song triển khai trồng rừng, làm nhà an toàn, làng hạnh phúc trong điều kiện dịch bệnh, hạn chế đi lại, hạn chế cả số lượng người trồng rừng. Chúng tôi đã phải kêu gọi hơn 120 tình nguyện viên tham gia “Be Strong Viet Nam”. Rồi chúng tôi cũng phải dừng lại để cho các thành viên được nghỉ ngơi, hồi phục, lo cho gia đình mình. Khi tuyên bố kết thúc chiến dịch, tôi đã nghĩ cá nhân mình cũng dừng lại vì còn phải lo cho 5-6 dự án dài hạn của Quỹ đang phải triển khai trong điều kiện đầy biến động và khó khăn. Rồi các công ty của tôi, gia đình, và đặc biệt là con trai tôi nữa. Tôi cố gắng liên hệ cho toàn bộ nhân viên trong Quỹ và tình nguyện viên của mình được tiêm vaccine. Còn tôi và gia đình ở Hội An vẫn mãi chưa được tiêm vì vaccine đến Hội An rất muộn và ít. Tôi phải lo cho sức khoẻ và cuộc sống của cả gia đình, tôi còn đang học một khoá nghiên cứu sinh bên Mỹ, tất nhiên trong điều kiện dịch bệnh này phải chuyển sang học online… Tất cả cần tôi phải nghĩ cho mình, gia đình và đồng đội, phải dừng việc từ thiện lại!


Thế mà rồi lại đau lòng quá khi hàng triệu em nhỏ ở Đồng bằng sông Cửu Long không có máy tính để học online. Nên tuần trước tôi lại quyết định bán tranh để đóng góp vào quỹ của một người bạn để mua máy tính bảng tặng cho các học sinh nghèo ở Bến Tre. Tôi vẫn dằn vặt lắm mỗi ngày khi nghe những tin tức về sự thiếu thốn khổ sở của bao người ở quanh mình, mà không làm gì được thêm để giúp họ.

Ảnh: chiếc xe bên phải chở theo cây đàn guitar^^


Và rồi hôm nay, lại nghẹn ngào khi nhìn những hình ảnh của bà con về quê trong mưa bão. Tôi biết mình khổng thể dừng được thêm nữa! Bình thường tôi là một người làm việc rất nguyên tắc và đề cao các bộ tiêu chuẩn, quy trình, cam kết… Mọi công ty, tổ chức do mình sáng lập, tôi đều có Tổng giám đốc để quản trị chứ không trực tiếp điều hành, và tôi tuân thủ rất nghiêm túc những quyết định của họ. Nhưng những ngày tháng đau thương có thể gọi là lịch sử này, chúng ta không thể cố gắng đóng hết các giác quan để chỉ lo cho riêng mình, chúng ta cần phải chia sẻ cho những người kém may mắn hơn, một cách vô điều kiện. Vì vậy, tôi lại phá vỡ lời thề của mình thêm một lần nữa. Đôi khi chúng ta cho đi không phải chỉ để giúp người khác, mà để giúp chính mình, vì chính sự bình an và hạnh phúc trong tim của mình, rằng mình đã may mắn có được cơ hội sẻ chia...

Trời vẫn sẽ tiếp tục mưa lớn trong vài ngày tới. Quốc lộ 1A có thể sẽ bị ngập lụt! Vậy thì bà con đi xe máy về quê trên đường sẽ càng nguy hiểm! Nếu có thể, bạn hãy mở lòng chia sẻ, cưu mang bà con hồi hương gặp khó khăn nhé! Ngày mai, nhóm chúng tôi ở Hội An sẽ tiếp tục hỗ trợ bà con ở chốt kiểm soát Núi Thành (Quảng Nam). Tôi lại đành không thể giữ lời thề của mình được. Cho tới khi nào tôi còn sức, và những người đồng bào của tôi không còn bị ảnh hưởng quá nặng nề vì đại dịch nữa…!


JK, 0:25am ngày 8/10/2021




bottom of page